Phát biểu mới nhất của Chủ tịch Fed về thời gian tăng lãi suất và quy định tiền mã hóa
Chủ tịch Fed Jerome Powell đã đưa ra những bình luận mới nhất về việc tăng lãi suất và áp đặt quy định tiền mã hóa vì xung đột Nga – Ukraine.
Chủ tịch Fed xác nhận sắp tăng lãi suất
Tối ngày 02/03 (giờ Việt Nam), Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã có phiên điều trần trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính của Hạ viện Hoa Kỳ.
Trong cuộc họp, ông Powell khẳng định Fed chắc chắn sẽ phải tăng lãi suất trong tháng 3 này, động thái nâng lãi suất đầu tiên trong vòng 3 năm qua.
Như đã được Coin68 tường thuật, Hoa Kỳ đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát tăng liên tục kể từ tháng 10/2021 đến nay, có lúc chạm mốc cao nhất 4 thập niên. Đây là hệ quả của chính sách bơm tiền và giảm lãi suất của Fed kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng lên vào đầu năm 2020 nhằm trợ giúp nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, khi nền kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi, lạm phát đã vọt lên và có dấu hiệu vượt khỏi tầm kiểm soát.
Ông Powell tiết lộ mức điều chỉnh cụ thể sẽ được quyết định tại phiên họp định kỳ của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) của Fed dự kiến tổ chức vào ngày 16/03 tới, nhưng chắc chắn sẽ là từ 0,25% hoặc có thể hơn.
Trước đó, Fed đã có cơ hội tăng lãi suất trong phiên họp tháng 1 của FOMC, song ủy ban lại quyết định không làm vậy để thị trường có thêm thời gian chuẩn bị trước những động thái quyết liệt sắp tới của Fed. Nhiều chuyên gia tài chính Mỹ nhận định Fed có thể nâng lãi suất đến 7 lần trong năm 2022, nhiều hơn đáng kể so với dự phóng 4 lần trước đó, nhằm có thể sớm kìm hãm lạm phát.
Đúng nhu kỳ vọng, cả thị trường chứng khoán và tiền mã hóa sau khi trải qua tháng 1 “đỏ lửa” vì lo sợ Fed tăng lãi suất đã có khoảng thời gian tháng 2 phục hồi đáng ghi nhận, trước khi một lần nữa biến động vì thông tin xung đột Nga – Ukraine nổ ra. Ông Powell còn khẳng định tình hình Nga – Ukraine sẽ không có tác động gì đến kế hoạch điều chỉnh lãi suất.
Ông Powell yêu cầu có quy định về crypto để đề phòng Nga lách lệnh trừng phạt
Cũng về vấn đề trên, Chủ tịch ngân hàng trung ương Mỹ bình luận có thể sẽ cần đến các quy định về tiền mã hóa nhằm ngăn cản những cá nhân và tổ chức Nga bị trừng phạt có thể lợi dụng crypto để “lách luật”.
Khi được hỏi liệu Nga có thể sử dụng tiền mã hóa để tránh cấm vận, ông Powell trả lời:
“Cuộc xung đột Nga – Ukraine đã nêu bật lên yêu cầu Quốc hội phải có những hành động pháp lý về tài chính kỹ thuật số, trong đó có tiền mã hóa. Lĩnh vực đang nổi lên này có nhiều khía cạnh khác nhau, nhưng chưa hề có bất kỳ khung pháp lý nào mà cần để giám sát nó.”
Giới chức cả ở Mỹ và Châu Âu đều đang lo ngại trước việc Nga có thể tìm đến crypto để vô hiệu hóa các lệnh trừng phạt đang được áp đặt lên quốc gia này, đặc biệt là sau khi phương Tây chặn khả năng tiếp cận của một số ngân hàng Nga đến SWIFT, hệ thống chuyển thông tin thanh toán cực kỳ cần thiết cho hoạt động giao thương quốc tế. Chính vì vậy, cả Mỹ và EU đều được cho là đang có những động thái cần thiết để yêu cầu các sàn giao dịch tiền mã hóa lớn hạn chế khả năng sử dụng crypto của Moscow và cả người dân Nga.
Tuy nhiên, một số chuyên gia tiền mã hóa thì cho rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ chặn dòng tiền USD đến với Nga, mô hình chung cắt đứt khả năng chuyển đổi với crypto. Ngoài ra, kích thước của thị trường crypto vẫn còn quá nhỏ và sẽ không thể nào đáp ứng được hết nhu cầu của quốc gia này. Chưa dừng lại ở đó, cơ sở hạ tầng crypto của Nga được đánh giá là chưa phát triển và sẽ không thể nào được dùng để thay thế ngân hàng trong một sớm một chiều. Chính vì vậy, kết luận mà họ đưa ra là các biện pháp cấm vận nhắm đến lĩnh vực tiền mã hóa sẽ là không cần thiết.
Trong một diễn biến liên quan, vào ngày 02/03, 4 Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đã gửi thư đến Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, yêu cầu báo cáo về những biện pháp đối phó của cơ quan này trước nguy cơ Nga sử dụng crypto để lách lệnh trừng phạt.
Đáp lại, bà Yellen cho biết Bộ Tài chính đang theo dõi sát sao tình hình và sẽ có hành động phù hợp nếu cần thiết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận