24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Thúy Quỳnh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Phân tích kỹ thuật: Con dao hai lưỡi

Do sự trực quan và dễ hiểu nên phân tích kỹ thuật trở nên phổ biến như hiện tại. Thế nhưng, phương pháp này tiềm ẩn nhiều rủi ro lớn.

Nhờ vào sự trực quan và dễ hiểu nên phân tích kỹ thuật đang trở thành phương pháp được nhiều nhà đầu tư sử dụng. Tuy nhiên, bản thân phân tích kỹ thuật cũng có những vấn đề riêng, việc sử dụng phương pháp này có thể tiềm ẩn khá nhiều rủi ro. Vì thế, việc kết hợp nhiều phương pháp nên được cân nhắc.

Tại sao phân tích kỹ thuật lại phổ biến

Để phân tích thị trường chúng ta thường sử dụng hai phương pháp chính là phân tích kỹ thuật và phân tích cơ bản. Mỗi phương pháp đều có ưu và nhược điểm riêng.

Nếu phân tích cơ bản tập trung vào việc nghiên cứu các yếu tố kinh tế, tài chính, doanh nghiệp và cố gắng tìm ra giá trị nội tại của doanh nghiệp để tiến hành mua bán thì phân tích kỹ thuật tập trung vào việc phân tích lịch sử giá và khối lượng giao dịch. Các nhà đầu tư và nhà giao dịch sử dụng các công cụ như đường trung bình động, MACD, RSI... Đặc điểm nổi bật của phân tích kỹ thuật là sự trực quan và dễ hiểu.

Sự trực quan đến từ các đồ thị nhiều màu sắc mà mọi người có thể tạo ra từ các phần mềm. Ngày nay khi các phần mềm phân tích ngày càng được “chăm chút” về mặt hình ảnh thì những đồ thị “lung linh” nhiều màu sắc lại dễ thu hút mọi người hơn là những con số khô khan từ báo cáo tài chính.

Thêm vào phân tích kỹ thuật rất dễ hiểu. Một nhà đầu tư muốn sử dụng phân tích cơ bản để đánh giá tiềm năng của một công ty phải có kiến thức đủ tốt về phân tích dòng tiền, phân tích ngành, phân tích vĩ mô, định giá và hàng tá thứ khác. Những kiến thức này đòi hỏi nhà đầu tư phải bỏ công sức và thời gian rất nhiều để học hỏi. Tuy nhiên, với phân tích kỹ thuật, câu chuyện có thể dễ dàng hơn. Bạn có thể mất chưa đến một giờ để đọc/học về một công cụ bất kỳ, ví dụ như đường trung bình động (MA) và ngay sau đó sử dụng đường nào để đưa ra quyết định mua bán. Nếu muốn “thành thục” công cụ hơn bạn sẽ phải đọc thêm nhiều tài liệu và thực hành nhiều hơn chút. Nhưng thời gian bỏ ra với công cụ này ít hơn rất nhiều so với học về phân tích cơ bản.

Rủi ro từ sự dễ dàng

Do sự trực quan và dễ hiểu nên phân tích kỹ thuật trở nên phổ biến như hiện tại. Tuy nhiên, phương pháp này tiềm ẩn nhiều rủi ro lớn.

Thứ nhất, đến từ sự trực quan của phương pháp này. Với cùng một kiểu đồ thị mỗi người sẽ có cách nhìn khác nhau về diễn biến của giá và không có cách nào kiểm chứng được cách hiểu của ai chính xác hơn. Bên cạnh đó, với một tín hiệu như đường RSI đi vào vùng quá bán (oversold) lại có nhiều cách sử dụng khác nhau. Có thể kể đến như một số nhà đầu tư sẽ nghiên về chuyện đây là tín hiệu cảnh báo về sự đảo chiều của thị trường nên họ có xu hướng sẽ bán cổ phiếu ra, tuy nhiên một số nhà đầu tư lại nhận thấy khi RSI đi vào vùng oversold thì đây mới là giai đoạn giá tăng trưởng mạnh nhất nên thay vì bán họ có xu hướng mua vào (xem thêm ở bài viết Kinh nghiệm đầu tư - Nhóm chỉ báo Momentum). Tín hiệu là tín hiệu, chỉ có cách nhìn nhận của mỗi nhà đầu tư là khác nhau nên hành động khác nhau. Chính sự không nhất quán này dẫn đến các chỉ trích với phương pháp này.

Thứ hai, đến từ sự dễ tiếp cận của công cụ. Tuy một số công cụ có cách sử dụng rất rõ ràng như với các đường MA là tín hiệu giao cắt. Giá cắt lên MA cho tín hiệu mua hay cắt xuống MA cho tín hiệu bán. Tuy nhiên, thực tế tín hiệu này lại có nhiễu, tức sau khi cắt lên 1-2 phiên giá điều chỉnh lại dưới đường MA và quay lại xu hướng giảm. Nếu không đọc đủ nhiều và “trả giá” bằng tiền cho “ngài thị trường” thì nhà đầu tư sẽ không biết được những cái bẫy này. Một lần nữa, không có gì chắc về một tín hiệu cắt lên sẽ không phải là “bẫy” và cũng không có gì chắc chắn là “bẫy” sẽ xuất hiện.

Cuối cùng, sử dụng phân tích kỹ thuật không cho biết doanh nghiệp đó như thế nào. Phân tích kỹ thuật chỉ nhìn vào giá, phương pháp này không quan tâm đến chuyện công ty tốt hay không. Nếu công ty A sắp phá sản nhưng giá vẫn cho tín hiệu mua dựa trên đường MA thì phương pháp này vẫn khuyến nghị nhà đầu tư mở vị thế bất chấp rủi ro thua lỗ cao. Không có nhiều sự khác biệt quá nhiều giữa hai tín hiệu mua từ một công ty tốt và một công ty xấu.

Những điều trên dẫn đến một vấn đề, phân tích kỹ thuật rất dễ tiếp cận nhưng lại có thể tạo ra những khoản thua lỗ lớn nến không sử dụng đúng.

Sự kết hợp hoàn hảo?

Một số vấn đề của phân tích kỹ thuật có thể được giải quyết bằng phân tích cơ bản. Theo đó, sự kết hợp giữa phân tích kỹ thuật và phân tích cơ bản cho phép chúng ta có cái nhìn toàn diện khi cân nhắc đến những yếu tố nền tảng của doanh nghiệp để đưa ra quyết định đầu tư. Bằng cách kết hợp hai phương pháp này, nhà đầu tư có thể sử dụng phân tích cơ bản để đánh giá tiềm năng dài hạn của công ty hoặc ngành, và sử dụng phân tích kỹ thuật để xác định điểm mua/bán hợp lý trong ngắn hạn. Khi giao dịch trên một cổ phiếu mà bạn biết rằng cổ phiếu đó có rất nhiều tiềm năng tăng giá bạn sẽ có nhiều phương án giao dịch hơn và nhiều kế hoạch hơn cho vị thế của mình.

Ví dụ, cổ phiếu B là một cổ phiếu tốt về mặt cơ bản với định giá ở mức 100 nhưng thị trường đang giao dịch với giá 40. Lúc này nhà đầu tư có thể sử dụng phân tích kỹ thuật để chọn điểm mua nhằm tối ưu hóa lợi nhuận. Thêm nữa, nếu giá biến động đi xuống theo hướng bất lợi làm danh mục thua lỗ. Thay vì phải cắt lỗ như cách phân tích kỹ thuật hay khuyến nghị thì bạn có thể thực hiện một số cách khác. Do biết giá trị thực của cổ phiếu là 100 thì đợt điều chỉnh từ 40 về 30 (ví dụ) chỉ mang yếu tố nhất thời. Do đó, nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu dựa trên việc định giá ban đầu, hoặc có thể mua thêm cổ phiếu để trung bình giá.

Đây chỉ là một ví dụ đơn giản trong việc kết hợp hai phương pháp này. Thực tế, việc kết hợp sẽ phức tạp hơn và đòi hỏi nhà đầu tư bỏ nhiều thời gian và công sức nghiên cứu. Nhưng đây có thể là một hướng đi hợp lý cho những nhà đầu tư chưa có kiến thức tốt về phân tích cơ bản và mới bắt đầu tìm hiểu về đầu tư.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả