Phân tích cổ phiếu BID
Từng được coi là sân trước sân sau, những gì tốt đẹp nhất đều được dành cho ngân hàng phát triển Việt Nam (BID), chính thức trở thành nhà băng lớn nhất Việt Nam đứng trên góc độ tài sản từ năm 2015. Là đứa con cưng được ưu ái, đúng ra BID sẽ là ngân hàng lớn mạnh nhất trong hệ thống ngân hàng chứ không phải Vietcombank như hiện nay.
Tất nhiên, con cưng được nuông chiều thì khả năng hư hỏng là khó tránh khỏi và điều gì đến cũng phải đến khi cựu chủ tịch của BID là ông Trần Bắc Hà bị khởi tố vào năm 2018 về nhiều tội danh khác nhau. Lúc đó những gì xấu nhất của BID đã lộ rõ, vết mưng mủ lâu ngày cũng vỡ ra.
Tỉ lệ nợ xấu của BID thực chất có thể vượt 5%, con số tuyệt đối lên tới hàng trăm ngàn tỉ đồng. Nợ xấu cắn đi toàn bộ thành quả kinh doanh có được, cũng vì thế mà lợi nhuận của BID trong nhiều năm chỉ lẹt đẹt như một nhà băng hạng trung, chỉ bằng ⅓ của Vietcombank và chưa bao giờ xứng tầm với một ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất trong hệ thống như BID đang có.
Nhìn vào con số lợi nhuận 10 ngàn tỉ năm 2021 vừa qua thì BID đang hít khói những ngân hàng tầm trung khác như TCB, MBB hay VPB, còn so với VCB thì quá ư là xa vời. Sự thất vọng là điều dễ hiểu và đây là hậu quả nặng nề do thế hệ lãnh đạo trước để lại. Nhưng có lẽ những gì u ám nhất đã ở phía sau, tương lai tươi sáng đang chờ đợi BID, ngay trong năm 2022 này.
Sẵn sàng hy sinh lợi nhuận, bỏ ra số tiền rất lớn xử lý nợ xấu một cách triệt để là hành động quyết liệt của thế hệ lãnh đạo mới, là bước đi vô cùng hợp lý, sáng suốt để BID quay trở lại vị thế ông lớn trong hệ thống ngân hàng một cách vững chắc. Dành ra hàng trăm ngàn tỉ để xóa nợ xấu, đưa tỉ lệ nợ xấu về mức 0.9%, tương đương các ngân hàng tốt nhất hiện nay, một kết quả tuyệt vời của BID.
Đặc biệt hơn nữa, tỉ lệ bao phủ nợ xấu lên tới 235%, trong nhóm đầu của hệ thống ngân hàng, thậm chí vượt cả TCB, ACB và đây là một bước tiến vô cùng dài trên đại lộ bùng nổ của BID. Nói một cách dễ hiểu, bao phủ nợ xấu ở mức cao, tỉ lệ nợ xấu thấp tạo ra bộ đệm hoàn hảo để thúc đẩy lợi nhuận bùng nổ trong tương lai khi áp lực nợ xấu không còn gay gắt như trước.
Để có thành quả như lúc này, BID đã khôn ngoan thay đổi chiến lược kinh doanh đôi chút, tăng cho vay khách hàng cá nhân có biên lợi nhuận cao hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp quốc doanh lớn. Xu thế này vẫn sẽ tiếp diễn trong tương lai và biên lãi vay (NIM) liên tục cải thiện sẽ hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận.
Dự kiến tăng trưởng tín dụng hàng năm của BID tầm 13% và thu nhập lãi thuần sẽ tăng 20% nhờ tăng cho vay khách hàng cá nhân. Chi phí dự phòng nợ xấu giảm và lợi nhuận của BID sẽ tăng bình quân 40% trong vài năm tới dễ dàng
Lợi nhuận năm 2022 của BID dự kiến ít nhất là 17.000 tỉ và năm tiếp theo sẽ cán mốc 23.000 tỉ. Có thể trong năm 2025, BID tập hợp đủ sức mạnh để de dọa vị trí á quân của TCB trong hệ thống ngân hàng.
Khó khăn nhất chính là định giá cổ phiếu BID bởi sự tiêu cực về chất lượng tài sản luôn gắn liền suốt bao năm với ngân hàng này. Ngay lúc này, BID được coi là định giá cao gần bằng ông lớn VCB. Chỉ số PB 3 lần, PE 20 lần, tương đối đắt so với mặt bằng chung của hệ thống ngân hàng.
Nhưng nếu tịnh tiến về trước thêm 2 năm nữa, lúc đó định giá của BID sẽ hợp lý hơn rất nhiều, PB chỉ tầm 2 lần, PE 10 lần, tương đối sát với bình quân ngành.
Tóm lại, tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận của BID rất rộng mở, trong 2 năm tới lợi nhuận sẽ vượt 23.000 tỉ, khi đó định giá của BID lại có phần hấp dẫn dựa trên khả năng bùng nổ về lợi nhuận.
Kết luận đầu tư: giá 45 hiện nay của BID hơi đắt một chút nhưng nhìn về tương lai thì rất đáng để mua đầu tư dài hạn.
Hãy cứ yêu thương, hãy cứ dại khờ…
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận