Phan Quốc Việt từ chối khai 'mối quan hệ nhạy cảm' với cựu bộ trưởng Long
Bị VKS hỏi dồn "sao nhờ bộ trưởng Long nhiều việc thế, liên lạc nhiều thế, đưa nhiều tiền thế?", Tổng giám đốc Việt Á Phan Quốc Việt xin không khai "vì khá nhạy cảm".
10h ngày 5/1, đại diện VKS bắt đầu tham gia xét hỏi, sau khi HĐXX hoàn tất xét hỏi 38 bị cáo và các bên có quyền, nghĩa vụ liên quan vụ án kit test Việt Á.
Bị cáo Phan Quốc Việt, sáng 5/1. Ảnh: Ngọc Thành
Là người đầu tiên lên bục khai báo, Chủ tịch, Tổng giám đốc Việt Á Phan Quốc Việt trả lời câu hỏi xoay quanh việc "thông đồng" với các cựu quan chức bộ ngành địa phương để trục lợi, và bộ máy tổ chức Việt Á vận hành ra sao.
Việt thừa nhận hầu hết cáo buộc, cho hay trong thời gian điều tra "đã khai nhiều quá rồi" nên giờ không nhớ hôm nào, nói gì. Trước lời khai này, VKS nhiều lần nói "có cần nghe lại các bản cung bị cáo đã khai gì không". Cơ quan công tố cũng đặc biệt lưu ý Việt về mối quan hệ với cựu bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và thư ký của ông Long, bị cáo Nguyễn Huỳnh.
Trong 38 bị cáo của vụ án, ông Long bị cáo buộc nhận nhiều tiền nhất từ Việt Á, hơn 51 tỷ đồng để thực hiện chuỗi 6 sai phạm, "can thiệp, chỉ đạo" giúp Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành kit xét nghiệm, hiệp thương giá cao gấp 3,5 lần.
"Sao bị cáo nhờ vả ông Long và Huỳnh nhiều việc thế? Sao ba người liên lạc nhiều thế, chia cho người ta nhiều tiền thế?", VKS hỏi. Việt đứng nghiêng về phía VKS, bắt đầu kể "cái hồi đó là như thế này...", nhưng lập tức bị nhắc "trả lời ngắn gọn, đúng trọng tâm".
"Vâng ạ, là thế này, dạo đó chương trình chống dịch rất căng, cũng không gặp nhau nhiều lắm mà mọi việc cần thì bị cáo đều thông qua thư ký Huỳnh hết ạ", Việt đáp.
Bị cáo Nguyễn Huỳnh, cựu thư ký của ông Long, sáng 5/1. Ảnh: Ngọc Thành
Đề cập một cuộc gặp giữa ba người, VKS hỏi "gặp nhau nói chuyện gì?". Việt xác nhận có cuộc này, trao đổi không có nhiều nội dung. "Bị cáo Long chỉ dặn mọi việc từ nay cứ thông qua Huỳnh do một số lý do nhạy cảm", Chủ tịch Việt Á khai.
"Nhạy cảm đến mức nào, có thể nói tại đây được không?" VKS truy hỏi. Việt hơi ngập ngừng, tiếp tục nói "khai nhiều lần quá, giò cũng không nhớ thế nào".
Kiểm sát viên nói: "Vậy tôi trích đọc các bút lục lời khai để cho bị cáo nhớ nhé. 'Tôi và Long, Huỳnh quen biết nhau từ năm 2017 trong một lần dự sự kiện khánh thành công trình y tế tại một địa phương. Sau đó chúng tôi có quan hệ, gặp gỡ và chơi với nhau qua lại. Do mâu thuẫn giữa ông Long và bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Y tế cũ, nên thống nhất mọi liên lạc giữa chúng tôi đều thông qua Huỳnh, để giữ tiếng cho ông Long'. Có đúng bị cáo khai thế không?".
Việt xác nhận "đúng" lời khai vừa được công bố này và khẳng định không bị ép cung, bức cung, nhục hình, không ai hướng dẫn khai báo.
Theo cáo buộc, dù nhiều lần được cấp dưới báo cáo về việc Việt Á chưa đủ điều kiện được cấp phép chất lượng kit test Covid-19, giá hiệp thương 470.000 đồng/kit là không có căn cứ; được báo cáo sai phạm về nguyên vật liệu sản xuất kit test, có ý kiến đề nghị rút số đăng ký lưu hành, song ông Long không xử lý theo đúng trách nhiệm. Thay vào đó, ông tiếp tục đôn đốc, tạo điều kiện cho Việt Á, giới thiệu Việt Á về các tỉnh, độc quyền xét nghiệm, buôn bán kit test.
Một trong những địa phương được ông Long "dắt mối" cho Việt Á, là Hải Dương. Dù thỏa thuận, "không gặp gỡ, mọi việc qua Huỳnh", nhưng ông Long vẫn đóng vai trò quyết định trong cuộc làm ăn của Việt Á ở tỉnh này, nơi Việt Á thu lợi tới 151 tỷ đồng từ bán kit test.
Hôm nay, Việt khai trước khi Việt Á về Hải Dương dập dịch, Huỳnh chỉ gọi điện truyền đạt chỉ thị của ông Long "sếp nhờ mang máy xét nghiệm về đó gấp". VKS ngừng vài giây, hỏi dồn: "Có thật chỉ bảo thế không? Bị cáo lại không nhớ thì VKS lại nêu lại bản tự khai cho nghe nhé".
Theo bút lục được công bố sau đó, thực tế, Việt đã tự liên hệ với bị cáo Phạm Duy Tuyến (giám đốc CDC Hải Dương khi đó) xin về làm xét nghiệm nhưng ông Tuyến bảo "phức tạp lắm, sao mà cho về được". Việt không tự làm được việc, lập tức gọi cho Huỳnh nhờ "sếp Long" tác động.
"Bây giờ bị cáo nhớ chưa, thế khai xem gọi cho Huỳnh nhờ rồi Huỳnh đáp thế nào", VKS hỏi Việt nhưng Việt vẫn lấy lý do cũ, nhờ VKS "công bố hộ".
Bản cung của Việt thể hiện, ông Huỳnh sau đó liên lạc với Việt, nói "sếp Long đã gặp, nói chuyện với Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng rồi. Em liên hệ về Hải Dương triển khai ngay lập tức". Huỳnh nhắn tin cho Việt số điện thoại của ông Thăng.
Trong lời khai hôm qua, ông Thăng sau nhiều lần khai lảng tránh đã xác nhận "nâng đỡ" Việt Á tại Hải Dương do tin tưởng sự giới thiệu của ông Long.
Là người trả lời thẩm vấn tiếp theo, bị cáo Nguyễn Huỳnh cho hay làm thư ký cho ông Long từ 2014 đến tháng 10/2017. Đến đầu năm 2020, ông Long quay lại cương vị thứ trưởng Y tế, Huỳnh được ông Long nhờ giúp đỡ một số công việc cá nhân và chuyên môn. Đó là bối cảnh việc Huỳnh nhận tiền giúp ông Long từ Việt.
Bị cáo Huỳnh thừa nhận cầm của Phan Quốc Việt 2 lần, tổng 4 tỷ đồng để sử dụng cá nhân. Với ba lần nhận 2,2 triệu USD, Huỳnh đều chuyển hết cho ông Long. Trong đó, một lần Việt tự đưa, còn hai lần do ông Long "gợi ý, đề nghị".
Cựu bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: Ngọc Thành
Cỗ máy Việt Á tổ chức thế nào?
Việt cho biết, mỗi vùng, hoặc địa phương quan trọng đều phân công một nhân viên thị trường phụ trách. 7 người "chăm sóc" 7 địa bàn: miền Bắc, miền Trung, Huế, Đà Nẵng- Quảng Nam- Quảng Ngãi, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.
Họ lập nhiều nhóm chung trên Zalo để trao đổi, đặt tên theo từng công việc hoặc địa bàn: Covid Việt Nam là nhóm chung, Covid miền Bắc- Trung - Nam là ba nhóm nhỏ, Nhóm hành chính-kế toán là nhóm chính, chuyên bàn về các hợp đồng, tỷ lệ chiết khấu %, một nhóm "duyệt chi Việt Á", được VKS đề cập nhưng Việt nói "không biết, không tham gia".
Theo tài liệu, tất cả các lần chuyển khoản "lại quả" cho các quan chức CDC các tỉnh, Việt Á đều ghi nội dung chuyển khoản là "nhờ thanh toán đơn mua hàng".
Hôm nay, khi cơ quan công tố hỏi "sao chiết khấu không ghi chiết khấu, lại để thế kia", Việt khẽ cười: "Như bị cáo cũng nói rồi, thực tế là chia sẻ, cảm ơn thôi, nhưng vì ở mình chuyện đó nhạy cảm nên phải để thế, không thể nói thẳng được".
Tỷ lệ % chia lại cho quan chức, theo Việt, từ 5 đến 20%, tùy thuộc vào "thành tích chống dịch" của từng người. "Có thật thế không, thế chia bao nhiêu có phụ thuộc vào giá trị hợp đồng, số hàng bán được, chủng loại hàng không", VKS hỏi. Việt nhanh chóng đáp "dạ, phụ thuộc cả mấy cái đấy nữa".
Việt xác nhận hầu hết các khoản đã chi, riêng khoản cho cựu thứ trưởng Khoa học Công nghệ Phạm Công Tạc vẫn khẳng định đã đưa 50.000 USD, không phải 100 triệu đồng như ông Tạc khẳng định.
Nguồn gốc số tiền USD, Việt khai thường rút tiền mặt đổi sang USD, riêng lần đưa cho ông Tạc, khi đó Việt ở Đà Nẵng "ra ATM rút 5,1 tỷ đồng", tự đổi được 200.000 USD rồi đưa cho phó tổng giám đốc Vũ Đình Hiệp giữ để "khi nào cần ngoại giao thì cấp dần".
Khai báo ngay sau đó, bị cáo Hiệp xác nhận những điều Việt khai chính xác, khẳng định các lần "đi ngoại giao" quan chức, nếu là tiền mặt đều sử dụng USD.
Phiên tòa đang tiếp tục.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận