Phân loại đô thị dựa trên mật độ dân số gây ùn tắc giao thông
Việc giới hạn mật độ dân số trong phân loại đô thị như hiện nay gần như một sự trói buộc, khiến kẹt xe, tắc đường, thiếu đất... gia tăng.
Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị hiện mới chỉ đưa ra quy mô dân số, mật độ dân số và tỷ lệ lao động phi nông nghiệp, khiến cho các tỉnh để đạt được những tiêu chí về đô thị loại đặc biệt, 1, 2, 3, 4 đều phải tìm cách tập trung dân đông vào một diện tích nhỏ, dẫn đến khó có quỹ đất phát triển về sau.
Lấy ví dụ quận 1, TP HCM có mật độ dân cư trú là 18.475 người/km2, tính trung bình mỗi người (bao gồm cả đất ở, giao thông, công viên...) có khoảng 54 m2. Nhưng thực tế hàng ngày, số người tới làm việc, khách du lịch, số người di chuyển qua... ước tính khoảng một triệu lượt người. Như vậy, mật độ đất trung bình cho mỗi người chỉ khoảng 7 m2.
Quận 1 đạt tiêu chí khu vực nội thành của đô thị đặc biệt (quy định là 12.000 người/km2). Nếu lấy các quận khác sát nhập vào để có quỹ đất thì lại vi phạm quy định về mật độ dân cư trung tâm. Các đô thị từ loại 4 lên đến loại 1 nếu áp dụng đúng các tiêu chuẩn về mật độ dân cư như Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 thì sớm muộn gì cũng dẫn đến tình trạng kẹt xe, tắc đường, thiếu đất để có dư địa phát triển giống như quận 1 hay các quận trung tâm của Hà Nội.
Vì thế, cần xây dựng lại các tiêu chuẩn đô thị loại 1, 2, 3, 4. Đô thị đặc biệt là đô thị có các cơ quan đại diện của nhà nước, trung tâm của vùng... cần được quy định riêng. Theo tôi, việc xây dựng tiêu chuẩn đô thị loại nào cần đưa ra các tiêu chí:
1. Diện tích đô thị tối thiểu, tối đa là bao nhiêu? Ví dụ đô thị loại 4 thì diện tích tối thiểu phải đạt tối thiểu, tối đa cụ thể thế nào? Đô thị loại 1 thì cần có diện tích tối đa, tối thiểu cụ thể ra sao?
2. GDP bình quân đầu người và thu ngân sách. Đô thị là nơi tập trung lao động sản xuất công nghiệp, dịch vụ. Nhưng nông nghiệp công nghệ cao trong đô thị hiện nay đang dần phát triển và cho thấy lợi ích kinh tế, môi trường, thu nhập thậm chí còn cao hơn ngành nông nghiệp và dịch vụ. Do đó, chỉ loại bỏ ngành chăn nuôi khỏi đô thị, còn nông nghiệp trồng trọt vẫn nên được phát triển.
Lấy ví dụ thành phố A có dân số 20.000 người, có ngành công nghệ cao và nông nghiệp phát triển, có GDP bình quân đầu người và thu ngân sách cao tương đương hoặc cao hơn thành phố B với dân số 100.000 người và đang là đô thị loại 3. Vậy cần xếp thành phố A vào đô thị loại 3 ngay cho dù mật độ dân số thấp.
3. Với các đô thị càng phát triển thì số người sử dụng phương tiện cá nhân là ôtô càng nhiều. Do đó việc giới hạn mật độ dân số gần như là sự trói buộc đối với giao thông do còn rất ít quỹ đất. Luật đất đai đang được sửa đổi lại, trong đó bỏ quy định về khung giá đất thì Nghị định về phân loại đô thị cũng nên bỏ các quy định về mật độ dân cư, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp, mà chỉ cần đưa chỉ số về thu nhập bình quân đầu người, số tiền thu nộp ngân sách để các địa phương có thể linh hoạt bố trí dân cư sao cho khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận