Phân hóa tăng trưởng, nới room tín dụng và nhiệm vụ ổn định lãi suất
Đã có gần 1,51 triệu tỉ đồng được các tổ chức tín dụng cho vay thêm trong 11 tháng đầu năm 2024 so với đầu năm 2024. Con số này liệu sẽ tăng thêm bao nhiêu trong tháng còn lại của năm nay? Và điều này có lại gây sức ép lên xu hướng lãi suất?
Nới room cuối năm và sự phân hóa
Ngày 28-11-2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông báo tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho một số ngân hàng đáp ứng đủ điều kiện. Đây là lần nới room tín dụng thứ hai trong năm nay của NHNN, sau lần điều chỉnh vào cuối tháng 8. NHNN đã chủ động làm điều này, không cần các tổ chức tín dụng (TCTD) phải đề nghị. Trước đó, vào ngày 27-11, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 122/CĐ-TTg gửi Thống đốc NHNN về tăng cường các giải pháp điều hành tín dụng năm 2024, trong đó yêu cầu đảm bảo thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 ở mức 15%.
Ngay từ đầu năm 2024, NHNN đã phân bổ toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15% cho các TCTD. Tuy nhiên, diễn biến tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng có sự phân hóa lớn, trong đó không ít ngân hàng đã sử dụng hết chỉ tiêu được giao, nên nhà điều hành đã chủ động tăng thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng, như là một trong những giải pháp để phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành 15% đặt ra trong năm nay.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quí 3-2024, có 12/27 ngân hàng công bố số liệu, đạt mức tăng trưởng tín dụng so với đầu năm trên mốc 13%, cao hơn nhiều so với mức 9% trong cùng giai đoạn của toàn ngành. Trong đó, một số ngân hàng tăng trưởng tín dụng cao như: Techcombank tăng 20,8%; HDBank và LPBank tăng 16,1%; NamA Bank tăng 15,8%; MBBank tăng 14,9%. Đây có lẽ cũng là các ngân hàng nằm trong nhóm vừa được nới room tín dụng, vì các ngân hàng này cũng đảm bảo được các hệ số an toàn ổn định và hiệu quả trong hoạt động.
Theo số liệu của NHNN, tỷ lệ dư nợ tín dụng so với tiền gửi của toàn hệ thống đến cuối tháng 9-2024 đã leo lên mức 105,5%, tăng gần 4% so với đầu năm và tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong trường hợp huy động vốn tính luôn cả giấy tờ có giá mà các TCTD phát hành, tỷ lệ này cũng hơn 96%, tăng 3,2% so với đầu năm và tăng 3,3% so với cùng kỳ.
Theo dữ liệu cập nhật đến ngày 22-11, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ở mức 11,2% so với đầu năm. Người đứng đầu NHNN cho rằng, thông thường tín dụng sẽ tăng mạnh vào những tháng cuối năm, vì vậy mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% của năm nay là hoàn toàn khả thi.
Thực tế trong năm 2023, dư nợ tín dụng đã tăng hơn 4,2% chỉ riêng trong tháng cuối năm. Tuy nhiên, mức tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ vào tháng cuối năm ngoái một phần được hỗ trợ bởi tổng phương tiện thanh toán cũng tăng vọt 4,2% và huy động vốn tăng hơn 4%, khi Ngân hàng SCB đã được hỗ trợ vay một lượng vốn lớn từ nhà điều hành.
Còn năm nay mọi thứ có thể sẽ không được như vậy. Các số liệu thống kê từ đầu năm đến nay đều cho thấy tăng trưởng huy động vốn toàn ngành thấp hơn rất nhiều so với tăng trưởng tín dụng, đặc biệt mức chênh lệch này càng mở rộng. Còn về phía tổng phương tiện thanh toán, cập nhật gần nhất đến hết tháng 9-2024 chỉ mới tăng vỏn vẹn 5,94%.
Dù vậy, với xu hướng phục hồi ngày càng vững chắc hơn của nền kinh tế, các thị trường tài sản như nhà đất đang có dấu hiệu sôi động trở lại, nhu cầu vay vốn tăng mạnh hơn... cũng sẽ là một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong tháng cuối năm nay. Ngoài ra, nhiều ngân hàng cũng đang tăng tốc cho vay để hoàn thành mục tiêu đặt ra, khi triển khai các chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi gần như ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Cụ thể, bên cạnh các ngân hàng đạt mức tăng trưởng tín dụng cao, vẫn có không ít ngân hàng chưa đạt như kỳ vọng. Đơn cử như dư nợ cho vay của ABBank đến hết tháng 9-2024 chỉ mới tăng 0,7%; SaigonBank tăng 2,2%; BacA Bank tăng 3,8%; PGBank tăng 4,4%; Sacombank tăng 8,9%. Đặc biệt, những ngân hàng có quy mô dư nợ lớn và chiếm thị phần cho vay cao trong hệ thống cũng có tăng trưởng tín dụng thấp, như VietinBank mới tăng 9%; SHB 9,7%; BIDV 9,9% và Vietcombank 10,3%. Do đó, dư địa cho vay của các ngân hàng này còn nhiều, nên mức tăng trưởng tín dụng còn lại của nhóm này sẽ tác động rất lớn lên mức tăng trưởng tín dụng của toàn ngành.
Áp lực lãi suất
Chính phủ phấn đấu đạt tăng trưởng kinh tế trong quí 4-2024 là 7,5% để đưa GDP cả năm nay đạt 7%. Ngoài việc mở rộng chính sách tài khóa thể hiện qua thúc đẩy các dự án đầu tư công tăng tốc giải ngân, chính sách tiền tệ cũng tiếp tục được nới lỏng hơn nữa qua việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong giai đoạn cuối năm. Nhưng điều này có thể lại gây sức ép lên lãi suất, nhất là trong bối cảnh tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng vẫn đang diễn biến khó lường trước xu hướng phục hồi mạnh của đô la Mỹ trên thị trường quốc tế.
Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán HSC cho rằng xu hướng tăng giá của đô la Mỹ có thể sẽ tiếp diễn trước các chính sách của chính quyền ông Donald Trump sắp tới, theo đó tiền đồng sẽ có năm thứ tư mất giá liên tiếp sau khi đã mất giá gần 11% trong ba năm qua. Cũng theo HSC, trong bối cảnh dự trữ ngoại hối tiếp tục sụt giảm, NHNN cuối cùng sẽ phải cân nhắc nâng lãi suất điều hành để hỗ trợ tiền đồng và bổ sung dự trữ. Theo đó, lãi suất điều hành sẽ tăng nhẹ lần lượt lên mức 4,75% và 5% tại thời điểm cuối năm 2025 và 2026.
Với cung tiền M2 được kiểm soát chặt chẽ sau giai đoạn mở rộng nhanh vào cuối năm ngoái, chênh lệch giữa tăng trưởng tín dụng và huy động vốn toàn ngành từ đầu năm đến nay ngày càng mở rộng. Đây là một trong những yếu tố cốt lõi gây áp lực lên xu hướng lãi suất huy động của các ngân hàng trong thời gian qua. Nếu tín dụng toàn ngành có thể hoàn thành mục tiêu 15% trong năm nay, đồng nghĩa với tháng cuối năm hệ thống cần phải cho vay thêm xấp xỉ 390.000 tỉ đồng, sau khi đã bơm ra 1,51 triệu tỉ đồng trong 11 tháng qua.
Khi đó, tăng trưởng dư nợ và huy động vốn tại thời điểm cuối năm nay dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng, nếu như không có thêm giải pháp nới lỏng cung tiền cũng như tăng cường huy động vốn của các TCTD. Theo số liệu của NHNN, tỷ lệ dư nợ tín dụng so với tiền gửi của toàn hệ thống đến cuối tháng 9-2024 đã leo lên mức 105,5%, tăng gần 4% so với đầu năm và tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong trường hợp huy động vốn tính luôn cả giấy tờ có giá mà các TCTD phát hành, tỷ lệ này cũng hơn 96%, tăng 3,2% so với đầu năm và tăng 3,3% so với cùng kỳ.
Nếu xét riêng số liệu tỷ lệ dư nợ cho vay trên tổng tiền gửi của từng ngân hàng, có đến 10 ngân hàng nằm trên mốc 80%, tức đang tiến gần đến ngưỡng quy định là 85%, trong đó có những ngân hàng có quy mô dư nợ lớn như VPBank, BIDV, Vietcombank, Sacombank, Techcombank, VietinBank, ACB, MBBank... Điều này cho thấy để có nguồn vốn phục vụ mục tiêu tăng tốc cho vay mà vẫn đảm bảo được tỷ lệ trên, các ngân hàng này có thể phải tăng cường huy động vốn đầu vào thông qua lựa chọn tăng lãi suất.
Đáng chú ý, đây lại là những ngân hàng lớn thuộc tốp đầu hệ thống, do đó động thái tăng lãi suất của nhóm này sẽ tác động mạnh mẽ lên xu hướng chung của thị trường, khiến nhóm ngân hàng quy mô trung bình và nhỏ hơn cũng buộc phải điều chỉnh lãi suất để giữ chân khách hàng tiết kiệm. Theo đó, sự cạnh tranh lãi suất huy động vốn có thể khốc liệt hơn trong giai đoạn cuối năm nếu các ngân hàng nhất quyết phải hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá.
Trong khi đó, NHNN trong những ngày cuối tháng 11 lại có công văn yêu cầu các ngân hàng phải duy trì ổn định lãi suất tiền gửi, để góp phần ổn định thị trường tiền tệ và mặt bằng lãi suất thị trường, đồng thời triển khai các biện pháp để phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Đây có lẽ là nhiệm vụ đầy thách thức cho các ngân hàng, khi vừa phải tăng cường cho vay để đạt chỉ tiêu được giao mà vẫn giữ được lãi suất ổn định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường