Phân bón Cà Mau rộng cửa xuất khẩu sang Australia
Theo đại diện công ty, quá trình duyệt chứng chỉ nhập khẩu vào Australia bắt đầu từ cuối năm 2023 cho đến tháng 4 năm nay. PVCFC phối hợp cơ quan chức năng từ nước này để đánh giá từ khâu sản xuất đến luồng tuyến xếp hàng lên tàu biển.
PVCFC đánh giá Australia là thị trường khó tính về nhập khẩu phân bón nhưng lợi thế là họ sẵn sàng trả giá cao. Vì vậy PVCFC từng bước cải thiện chất lượng ở mọi quy trình: vận chuyển, bốc xếp sau khi hàng hóa xuất khỏi kho nhà máy. Chất lượng hàng hóa đảm bảo tối ưu nhờ với tốc độ xếp dỡ cao so với mặt bằng chung của các nhà xuất khẩu trên thế giới. Đến ngày 16/4, đơn vị chính thức được xác nhận thông qua quy trình đánh giá.
"Đến nay, Phân bón Cà Mau là doanh nghiệp đầu tiên trong ngành của Việt Nam được cấp chứng chỉ này", đại diện PVCFC cho biết.
Trước đó, tháng 2 năm nay, đơn vị đã chuẩn bị cho lô hàng ure đầu tiên xuất sang Australia. Với chứng chỉ mới, công ty sẽ hoàn thiện thủ tục xuất khẩu ở thị trường khó tính ở châu Đại Dương.
Hoạt động này nằm trong chiến lược mở rộng mảng kinh doanh quốc tế trong bối cảnh ngành phân bón gặp nhiều khó khăn. Năm qua, toàn ngành đối diện nhiều thách thức khi giá nguyên liệu tăng, giá phân bón giảm, nhu cầu tiêu thụ trong nước thấp, cạnh tranh quyết liệt với phân bón nhập khẩu.
Điểm sáng của PVCFC là chủ động tìm kiếm cơ hội xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, thúc đẩy doanh thu. Kết thúc năm 2023, công ty có tổng tài sản 15.238 tỷ đồng, tổng doanh thu 13.172 tỷ đồng với lợi nhuận sau thuế 1.110 tỷ đồng.
Sản lượng xuất khẩu đạt 344.000 tấn, chiếm khoảng 26% tổng sản lượng tiêu thụ. Giá trị xuất khẩu đạt 136 triệu USD, chiếm khoảng 25% doanh thu các sản phẩm phân bón. Trong đó, Campuchia là thị trường xuất khẩu lớn nhất với sản lượng và giá trị xuất khẩu chiếm hơn 60%. Đến nay, sản phẩm của Phân bón Cà Mau đã có mặt ở 20 quốc gia trên thế giới.
PVCFC thành lập vào năm 2011, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Đơn vị hiện có ba nhà máy với tổng công suất tiêu thụ hơn 1,3 triệu tấn phân bón hàng năm. Trong đó nhà máy Đạm Cà Mau có sản phẩm chủ lực là ure hạt đục với công suất khoảng 800.000 tấn mỗi năm.
Năm nay, đơn vị định hướng phát triển nền nông nghiệp xanh bền vững với ba chiến lược trụ cột gồm: đầu tư, phát triển bền vững và chuyển đổi số. PVCFC nhận định đa dạng sản phẩm - nguyên nhiên liệu, kết nối đầu tư và mở rộng thị trường là con đường phát triển bền chắc trong tình hình kinh doanh mới. Song song, công ty nỗ lực toàn diện các mặt: quản trị, chiến lược, sản xuất, kinh doanh, đầu tư, văn hóa doanh nghiệp và con người.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận