Pha “giải cứu” tài khoản bay 50%: Không những cutloss mà nên ngừng giao dịch
Nhà đầu tư bí ẩn nhờ “giải cứu” tài khoản xuất hiện trong chương trình Bí mật đồng tiền với chủ đề "Lên tàu, xuống tàu" trưa nay (29/12) cho biết đã dùng số tiền bằng nửa năm lương để mua 1.500 cổ phiếu SJF ở vùng giá 18.500 đồng/CP, và 2.000 cổ phiếu SDA ở vùng giá 59.000 đồng/CP.
Như vậy, so với thị giá hiện nay, các khoản đầu tư này đang lỗ lần lượt 38% và 51%. Nhân vật nhà đầu tư này cho biết, khi mua 2 cổ phiếu trên là do được “phím hàng”, hiện đang rất băn khoăn có nên cutloss hay chờ đợi thêm để “về bờ”.
Ông Phạm Lưu Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư, CTCP Chứng khoán SSI nhìn nhận việc phím hàng là hoàn toàn bình thường, kể cả các chuyên gia nhiều khi cũng nghe chuyện phím hàng. Nhưng khi được “phím”, ít nhất người ta cũng nói lý do vì sao mua cổ phiếu ở giá này?
Thực tế cho thấy, có nhiều room còn chia sẻ các link đăng bài ở các trang tin (không có giấy phép báo chí điện tử) để đưa ra các thông tin, tạo thêm kỳ vọng (có nhiều trường hợp là không có cơ sở vững chắc).
Ông Hưng cho rằng, đơn giản là các công việc chắt lọc thông tin, mua thì phải có lý do vì sao mua, và kiểm chứng các thông tin nếu không thấy các lý do đó không xảy ra thì cần có các kịch bản hành động.
Với danh mục của nhà đầu tư trên, ông Hưng cho rằng, chờ đợi không là vấn đề, mà chờ đợi bao lâu. "Trong tình huống này, tôi chưa nhìn thấy được các cơ sở kỳ vọng của bạn, mà chỉ là “hy vọng về bờ”. Trong đầu tư, hy vọng không phải là chiến lược đầu tư tốt”, ông Hưng nói.
Đồng thời, ông Hưng đưa ra lời khuyên, nên bỏ số vốn nhỏ, không nên dùng tâm lý gỡ gạc như trước đó là dùng nửa năm lương để kiếm tiền trên TTCK. Khi khả năng và tâm lý tự tin dần dần nâng lên, mới giải ngân nhiều hơn. Hoạt động cutloss rất khó về mặt tâm lý vì “cái tôi” trong đầu tư thường khá lớn, nhưng trong đầu tư, cần đặt cái tôi nhỏ xuống.
Ông Hưng cho biết, ngay cả các chuyên gia hay quỹ đầu tư cũng đều có rất nhiều sai lầm, quan trọng là nhận ra và sửa sai. Câu nói kinh điển của George Soros “Bạn đúng hay sai không quan trọng, cái chính là kiếm được bao nhiêu khi đúng và mất bao nhiêu khi sai" đến giờ vẫn rất đúng và nhà đầu tư nên vận dụng.
Lời khuyên của tôi là bán đi. Khi rơi vào tính huống mà khoản đầu tư giảm mạnh, tức phương pháp đầu tư sai hoàn toàn, không những cutloss mà còn phải ngừng giao dịch để xây dựng lại phương pháp đầu tư, sau đó quay lại thị trường. Ông Phạm Lưu Hưng
Chương trình cũng đặt ra vấn đề là hiện nay, rất nhiều nhà đầu tư cá nhân cảm thấy bình thường khi một cổ phiếu có “lái”, và “lái” không “xấu”. Đầu tư cổ phiếu nào mà được “rỉ tin” là có ‘lái” dẫn dắt thì cảm thấy an tâm hơn, còn cổ phiếu được phân tích cơ bản thì “cứ thấy sao sao”.
Ông Hưng không phải là fan hâm mộ của cổ phiếu có “lái", nhưng trên thị trường, khi nói chuyện với nhiều môi giới, người ta hay nói câu chuyện “Tôi quen lái cổ phiếu này”. Vấn đề nằm ở điểm, trong rất nhiều tình huống bị phạt thì UBCKNN phát hiện ra có các cá nhân mở hàng chục tài khoản để tạo cung cầu giả, làm giá cổ phiếu. Vậy cần đặt câu hỏi, “người mà bạn quen là lái” có thể có tài khoản đang do môi giới đó quản lý, thông qua giao dịch của tài khoản này mà có các suy luận.
Nhưng ông Hưng nhấn mạnh: "Không cổ suý việc soi tài khoản giao dịch và kể cả có làm đi chăng nữa cũng không mang lại giá trị cho hoạt động đầu tư vì đó chỉ là một bức tranh phiến diện, chỉ thể hiện 1 tài khoản giao dịch, còn hàng chục tài khoản khác thì không nắm bắt được".
Trên thế giới có khái niệm nhà tạo lập thị trường Market maker (MM) và ở Việt Nam cũng vậy. Trước đây, khi thị trường ở quy mô nhỏ, cổ phiếu không có giao dịch thì rất nhàm chán, phải có các MM để khi có người bán thì có bên mua ở giá nhất định, và ngược lại, nhằm tăng thanh khoản. Có rất nhiều MM trên nhiều TTCK và đây là điều hoàn toàn bình thường, điển hình là thị trường Trái phiếu Chính Phủ có các quy định riêng về MM.
Với TTCK, ông Hưng cho biết: "Có các 'biến tấu' khái niệm, vai trò của nhà tạo lập thành 'lái' - là những người tác động vào giá cổ phiếu. Theo đó, vai trò của nhà tạo lập là thanh khoản thì không vấn đề gì, nhưng tác động đến giá cổ phiếu theo 'nhân tạo' là không đúng với quy định của pháp luật".
Một vấn đề rất được quan tâm hiện nay là tình trạng “bánh vẽ” xuất hiện ngày một nhiều, và trong một thị trường uptrend, số lượng nhà đầu tư cá nhân tham gia mạnh mẽ - nhiều “bánh vẽ” lên ngôi.
Chương trình cũng gợi mở “công thức làm bánh vẽ” thường thấy là “3 chữ cái để gọi tên”, lớp kem đầu tiên tô phủ lên chính là các tin tức, sự kiện tích cực, gắn liền với như ngành này nóng bỏng tay, chưa biết bao nhiều % sẽ thành sự thật, cứ kỳ vọng đã.
Lớp thứ 2, lớp kem màu tím - chọn các cổ phiếu có khối lượng giao dịch thấp, các đội nhóm mua gom lượng hàng trên thị trường ở vùng giá thấp. Đến thời điểm phù hợp, có vài lệnh mua từ đội thu gom này là có thể kéo cổ phiếu tăng trần, thu hút các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Cuối cùng, không kém quan trọng, đó là “mật ngọt” - cần các đội nhóm lan toả thông tin, kích thích cho nhà đầu tư “phải mua cái bánh này”. Tư cốt bánh ban đầu rẻ tiền 5.000 đồng, nay có lớp kem béo ngậy, thì đã được bán giá 10.000 đồng, 15.000 đồng, 20.000 đồng, và bánh này càng ngày càng nóng càng nhiều người mua, muốn sở hữu cho bằng được.
Và liên quan đến lý thuyết trong đầu tư “Greater fool theory” - lý thuyết “kẻ ngốc hơn” - tức chỉ muốn sở hữu sản phẩm mà không quan tâm giá trị thực sự, mong người “ngốc hơn” đến sau sẽ mua với giá cao hơn.
Tuy nhiên, "bánh vẽ", nhiều người mua, mang về ăn, đau bụng, mới biết bánh vẽ không ngon như quảng cáo.
Dẫu vậy, thực tế đặt ra là: Mọi người cứ nói xấu bánh vẽ, nhưng tài khoản mới là sự thật, nếu bánh vẽ xấu vì sao tài khoản cứ tăng bằng lần?
Ông Hưng cho rằng, "bánh vẽ" chỉ liên quan đến việc là mình xây dựng kỳ vọng như thế nào? Nhiều nhà đầu tư mong sẽ lặp lại tăng trưởng như thế trong tương lai, như việc sử dụng excel kéo ngang cứ thế tăng trưởng mà không hề nhìn đến rủi ro. Việc xây dựng kỳ vọng theo cách này, còn gọi là “đếm cua” - tức tính toán các dự án theo giá trị giao dịch thị trường, không cần đánh giá phức tạp về bán hàng, tài chính, pháp lý…, cứ cộng ngang và xây kỳ vọng không hợp lý, cuối cùng chỉ là hy vọng, ảo vọng, vô vọng và thất vọng.
Quay lại câu chuyện đầu cơ hay đầu tư, về đầu cơ không quan tâm nhiều đến nội tại doanh nghiệp, mà quan tâm giá cổ phiếu tăng như thế nào. Sẽ có các đòn tâm lý đánh vào tâm lý “cứ thích giá cổ phiếu tăng liên tục”, với cách nắm bắt tâm lý tốt, đã dẫn dụ nhiều nhà đầu tư không tiết chế được tham lam tham gia vào. Như bẫy “thiên kiến xác nhận”: trong room chat, người ta lọc thông tin sao cho mình đọc mà thấy xác nhận ý kiến họ đưa ra, ai có ý kiến trái chiều có thể bị kích ngay ra khỏi room. Nhà đầu tư cần tỉnh táo ở những điểm này, và xây dựng phương pháp đầu tư đúng đắn cho mình.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận