PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu: Việc mua bán vật tư y tế vẫn đang 'rất rối'
Vấn đề thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế được nhiều Đại biểu Quốc hội quan tâm, tranh luận khi có quá nhiều khâu phê duyệt, kiểm tra. Khi thấy những quy định về thủ tục, thời gian để được cấp phép, các hãng lớn đều "lắc đầu ngao ngán".
Sáng 1/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kinh tế xã hội, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) tranh luận về việc chậm trễ cung ứng thuốc trong thời gian qua.
Ông cho biết hiện nay việc đấu thầu, mua sắm thuốc đã được cải thiện rất nhiều, chia được nhóm chính hãng và thông thường. Các bệnh viện đã mua được thuốc tốt, hiện tượng phải mua thuốc bên ngoài giảm đi rất nhiều.
Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, việc mua bán vật tư y tế vẫn đang "rất rối", khó đưa ra quyết định mua sắm để đáp ứng quy định của nhiều bộ, ngành khác nhau.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu.
Ông Hiếu dẫn chứng ở Bệnh viện Đại học Y trực thuộc Bộ Y tế nên được phân cấp mạnh, thủ trưởng đơn vị được tự phê duyệt, chịu trách nhiệm, không bị thiếu dụng cụ, thuốc men. Khó khăn nhất hiện nay là không mua được hàng chất lượng tốt, phát triển kỹ thuật mới.
Ông cũng nêu việc rất nhiều hàng chất lượng không tốt vẫn vượt qua "khe cửa hẹp" để trúng thầu với giá rẻ, có những hãng sẵn sàng in sửa lại catalog để đáp ứng yêu cầu đưa vào danh sách đấu thầu. Chính vì vậy, đại biểu cho rằng cần đẩy mạnh tiêu chí bảo hành, chuyển giao kỹ thuật, phân nhóm, chỉ chấp nhận hãng chất lượng tốt có chế độ bảo hành, bảo trì lên đến 5 năm kèm theo các điều khoản đào tạo chuyển giao.
Nếu các tiêu chí này được pháp luật khuyến khích bằng các văn bản hướng dẫn cụ thể sẽ giúp ích rất nhiều cho ngành y tế.
Ngoài ra, ông cũng nêu việc cấp phép nhập khẩu, cho phép sử dụng các dụng cụ y tế mới ở nước ta vẫn bế tắc. "Bản thân tôi cũng phải mang bệnh nhân ra nước ngoài để chữa vì dụng cụ nhập khẩu không dễ dàng vào Việt Nam. Các hãng lớn nhìn thấy quy định về trình tự, thủ tục, thời gian để được cấp phép đều 'lắc đầu ngao ngán'. Có công ty không định hướng phát triển, thậm chí rút khỏi thị trường Việt Nam", ông Hiếu trăn trở.
Danh mục thuốc BHYT ở Việt Nam cập nhật chậm. Ảnh minh họa: Hoàng Hà
Bệnh viện cấp tỉnh đối mặt với khó khăn nhiều hơn vì quá nhiều khâu phê duyệt, kiểm tra. Việc mua sắm phụ thuộc vào Sở Y tế, Tài chính, UBND, tình trạng "sợ trách nhiệm dẫn đến tâm lý trì hoãn, hồ sơ để trên bàn không đọc, hết hạn thì tìm vài lỗi nhỏ để trả về cơ sở".
"Cứ thế hết thời gian thẩm định, việc lại trở về vạch số 0, cuối cùng chúng ta không có hàng sử dụng cho người bệnh", đại biểu Nguyễn Lân Hiếu thẳng thắn nói và đề nghị cần giao trách nhiệm chính cho người sử dụng sản phẩm đấu thầu, giao bệnh viện quyền, chịu trách nhiệm trước pháp luật và người bệnh.
Không cung ứng được thuốc là lỗi của chúng ta
Trước đó, thảo luận chiều 31/10, nêu ý kiến liên quan đến lĩnh vực y tế, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) chia sẻ thuốc, vật tư y tế trong một số thời điểm đã không được cung ứng đủ cho người dân. Việc cập nhật danh mục thuốc của Việt Nam để người bệnh kịp thời được sử dụng thành quả mới nhất của thế giới vẫn còn rất chậm so với các nước.
Nữ đại biểu dẫn chứng, Nhật Bản chỉ mất khoảng 3 tháng để cập nhật danh mục thuốc, Pháp là 15 tháng, Hàn Quốc là 18 tháng. Nhưng Việt Nam mất trung bình từ 2-4 năm để một thuốc mới được cập nhật vào danh mục thuốc bảo hiểm y tế (BHYT). Như vậy là mất quyền lợi của người dân.
Ngoài ra, tình trạng bệnh nhân phải tự mua thuốc vẫn xảy ra khiến bà Phong Lan đặt câu hỏi về trách nhiệm của BHYT trong vấn đề này. Bà khẳng định: “Đây là quyền lợi của người dân và không cung ứng được là lỗi của chúng ta”.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan.
Bà Lan đề nghị bổ sung về chính sách dự trữ quốc gia đối với một số thuốc hiếm để giải quyết một số bệnh và trường hợp đặc biệt. Đặc biệt, giải quyết nguy cơ thiếu vắc xin cho tiêm chủng mở rộng tại nhiều địa phương.
Đồng thời, bổ sung, làm rõ chính sách đãi ngộ cho nhân viên y tế có gì khác biệt, thể hiện đúng nhất sự quan tâm tới ngành y tế, đồng nghĩa là quan tâm tới an sinh xã hội, tới sức khỏe, quyền lợi và tính mạng của bệnh nhân.
Bà cũng đề nghị Chính phủ bổ sung báo cáo, phát huy những kết quả đạt được và giải quyết những vấn đề mang tính gốc rễ: “Hiện nay, có thể thấy các khó khăn không chỉ đến từ yếu tố khách quan như thiếu tiền, thiếu nhân lực mà đôi khi do quy định, thủ tục quá phức tạp, còn 'đá' nhau, chậm sửa đổi. Điều này đòi hỏi không chỉ nỗ lực của ngành y tế mà còn rất cần sự quan tâm của Chính phủ và sự chỉ đạo đồng bộ để tất cả các ngành cùng vào cuộc”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận