menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Chu Gia Khánh

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Nếu đủ lượng xăng dầu dự trữ sẽ chủ động “giảm sốc” cho thị trường

TTTĐ - Trước bối cảnh xăng dầu có nhiều biến động, việc tính toán, triển khai xây dựng các kho dự trữ phù hợp là rất cần thiết và cấp bách.

PV: Thưa PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, ông đánh giá như thế nào về thực trạng thị trường xăng dầu năm 2022?

- Năm 2022 là một năm rất độc đáo và có nhiều điểm khác biệt so với nhiều năm tôi theo dõi thị trường này. Đầu tiên là sau khi bùng phát xung đột tại Ukraina thì giá xăng dầu tăng một cách chóng mặt. Chỉ từ tháng 2 đến tháng 6 thôi, giá xăng dầu tăng khoảng 60 - 70% so với trước đó. Từ tháng 7 trở đi thì giá xăng rơi 20% rồi sau tăng 7 - 8% nữa, thể hiện sự biến động quá nhanh của thị trường, thậm chí thay đổi hàng ngày lên xuống rất nhanh. Do vậy người mua bán xăng dầu trên thị trường gặp khó khăn rất lớn.

Cái thứ 2 là lần đầu tiên giá dầu diesel cao hơn giá xăng, nó trở thành một điều mà có lẽ từ trước đến nay chưa hề xảy ra. Tất nhiên, chúng ta cũng biết lý do của nó là vì các nước Châu Âu khi không dùng được khí gas để sản xuất điện, cũng như sản xuất kinh doanh thì đồng loạt chuyển sang dùng dầu diesel, dẫn đến giá dầu diesel tăng vọt.

Việc nguồn cung xăng dầu hút mạnh vào thị trường Châu Âu dẫn đến nguồn cung xăng dầu trên thị trường thế giới thay đổi một cách rõ rệt, đặc biệt với dầu diesel, có thể nói khan hiếm trong một khoảng thời gian.

Các doanh nghiệp trong nước vì lẽ đó gánh chịu nhiều rủi ro lớn, dẫn đến việc đứt gãy nguồn cung, ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Nguồn cung xăng dầu thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn
Nguồn cung xăng dầu thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn
PV: Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1030 về Quy hoạch phát triển hệ thống dự trữ dầu thô và các sản phẩm xăng dầu của Việt Nam. Theo ông, trước thực trạng nhiều biến động của thị trường xăng dầu, thiếu hụt nguồn cung, việc xây dựng sớm các kho dự trữ có cần thiết?

- Đó là một điều chúng ta cần phải làm, phải xây dựng để đảm bảo lượng xăng dầu dự trữ quốc gia, có thể đáp ứng, đảm bảo được nhu cầu tối thiểu của nền kinh tế nói chung, của doanh nghiệp sản xuất lẫn đời sống người dân ở mức an toàn tối thiểu. Đương nhiên, việc xây dựng các kho dự trữ cần được xem xét một cách phù hợp, từ đó có thể nâng mức dự trữ xăng dầu lên để đáp ứng nhu cầu dự trữ an toàn cho sản xuất kinh doanh, cho nền kinh tế quốc dân.

Tổng kho xăng dầu Phú Xuân - Nhà Bè bị bỏ hoang sau khi xây dựng được 80%
Tổng kho xăng dầu Phú Xuân - Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh) bị bỏ hoang sau khi xây dựng được 70% cầu cảng, các vật tư, thiết bị chuẩn bị cho việc xây dựng và vận hành kho chứa 230.000m3 (đạt 80%) thì dự án phải dừng thi công vì ảnh hưởng dịch COVID-19 và thiếu hụt nguồn vốn

PV: Việc xây dựng đủ các kho chứa xăng dầu, theo ông có giúp ổn định thị trường xăng dầu trong nước trước những biến động của thị trường thế giới?

- Cái đó là cái đương nhiên rồi. Nếu chúng ta có những kho dự trữ đủ lớn thì không những chúng ta có sự chủ động hơn trong quá trình ứng phó với những thay đổi trên thị trường thế giới, mà nó còn góp phần đảm bảo an toàn cho hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như đời sống Nhân dân trong việc tiêu thụ xăng dầu một cách đảm bảo.

Thực ra, hiện nay lượng dự trữ xăng dầu Nhà nước chỉ đủ phục vụ trong vài ngày thôi, không đáng kể. Nhà nước cũng yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối phải dự trữ xăng dầu trong khoảng thời gian nhất định thì đó cũng chỉ là một cách dự trữ tồn kho để đảm bảo sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu không may xảy ra những biến động lớn như chiến tranh hay đứt gãy nguồn cung thì chúng ta cũng chỉ có khoảng 5 - 7 ngày là hết. Nếu không có đủ năng lượng để sản xuất thì đây là một điều cực kỳ nguy hiểm.

PV: Theo ông, nếu lượng dự trữ xăng dầu tăng lên thì những sự khác biệt đang diễn ra trong năm 2022 sẽ bị xóa bỏ?

- Không, nó vẫn còn. Tất nhiên tác động của nó sẽ giảm đi, giống như Mỹ hay các nước lớn mà có dự trữ lớn như Liên minh Châu Âu (EU) hay Nhật Bản… chẳng hạn thì họ vẫn sẽ chịu sự tác động của nó chứ. Dù sao thì nó dịu hơn, ví dụ người ta có lượng dự trữ xăng dầu đủ lớn thì họ có thể can thiệp bằng cách xả kho dự trữ, làm giảm độ nóng của xăng dầu trong điều kiện giá tăng quá mạnh, như vậy sẽ kìm giữ được giá xăng dầu không tăng cao. Khi giá xăng dầu xuống thì họ lại mua vào trữ, điều đó giúp họ giảm được “sốc” cho thị trường.

Chiều 1/11, giá các mặt hàng xăng dầu tiếp tục đồng loạt tăng phiên thứ 3 liên tiếp
Cảnh người dân xếp hàng dài chờ đổ xăng nhưng cũng chỉ được đổ 20.000 - 30.000đ vào tháng 11 vừa qua
PV: Lâu nay nhiều người cho rằng quỹ bình ổn xăng dầu là không cần thiết, vậy theo ông nếu lượng xăng dầu tích trữ đủ thì việc bỏ đi quỹ bình ổn xăng dầu có được không và sẽ tác động như thế nào?

- Tất nhiên, việc khi chúng ta xây dựng được các kho dự trữ xăng dầu đủ lớn, Nhà nước có được công cụ can thiệp một cách mạnh mẽ vào thị trường để đảm bảo bình ổn giá cả khi xăng dầu tăng quá cao, hay là có thể tạo ra lực hút đủ lớn khi xăng dầu xuống quá thấp thì Nhà nước có thể can thiệp vào thị trường. Và lúc bấy giờ, quỹ bình ổn không còn cần thiết nữa.

Thực tế, quỹ bình ổn hiện nay rất nhỏ và mỏng so với thực tế nhu cầu sản lượng tiêu dùng của doanh nghiệp và người dân, nhưng nó rất quan trọng bởi đây là công cụ rất rõ rệt để Nhà nước có thể tác động ngay vào giá xăng dầu khi có biến động, làm giảm độ nóng khi giá tăng lên.

Thời gian từ cuối năm 2021 đến tháng 4/2022, Hiệp hội Xăng dầu thế giới đánh giá mức tăng của giá xăng dầu Việt Nam thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới khoảng 12%. Thông tin này rất quan trọng, vì chính giai đoạn cuối năm 2021 giá xăng dầu thế giới bắt đầu cao rồi, nhưng vì chúng ta xả quỹ bình ổn xăng dầu cũng như áp dụng những cách thức can thiệp mà chúng ta đang có làm cho tốc độ tăng giá xăng dầu của chúng ta trong khoảng thời gian thấp hơn, từ đó hỗ trợ tốt hơn cho sản xuất kinh doanh cũng như hỗ trợ đời sống người dân.

Đến khi nguồn quỹ bị thâm hụt lớn, thì bắt buộc giá xăng dầu chúng ta phải đi theo mức tăng thế giới. Điều này cho thấy tác động của quỹ bình ổn rất rõ ràng và cụ thể. Đương nhiên, chúng ta cũng có nhiều cách can thiệp khác nữa nhưng nó không thể hiện mạnh và rõ như việc sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu.

Mặc dù Bộ Tài chính cũng như rất nhiều các chuyên gia, doanh nghiệp đề nghị bỏ quỹ bình ổn đi thì chúng tôi vẫn kiên trì với quan điểm nên giữ quỹ bình ổn khi mà chúng ta chưa có một thị trường xăng dầu thực thụ và Nhà nước chưa có một công cụ khác để can thiệp vào thị trường xăng dầu.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả