Pfizer tiết lộ ‘sốc’ về hiệu quả của vắc xin Covid-19
Công ty Pfizer của Mỹ, cùng với BioNTech của Đức đã tạo ra vắc xin mRNA ngừa Covid-19, mới đây đã công bố dữ liệu nghiên cứu cho thấy hiệu quả của vắc xin đã giảm đáng kể theo thời gian.
Theo đó, hiệu quả của vắc xin chống lại biến chủng Delta giảm từ 93% xuống 53% sau 4 tháng hoặc hơn sau lần tiêm chủng thứ hai. Đối với phần còn lại của các biến chủng của virus SARS-CoV-2, các con số này là 97% và 67%.
Các số liệu tương ứng được đưa ra trong một báo cáo do Pfizer chuẩn bị cho Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm của Mỹ (FDA), tuy nhiên cơ quan này cần xem xét tính khả thi của việc sử dụng liều vắc xin thứ 3 để tăng cường biện pháp bảo vệ chống lại Covid-19 hay không.
Đặc biệt, dữ liệu từ một nghiên cứu của Tổ chức phi lợi nhuận Kaiser Permanente ở Nam California (Mỹ) về hiệu quả của vắc xin dựa trên các mẫu bệnh phẩm và số lần nhập viện do mắc Covid-19, từ ngày 14/12/2020 đến ngày 8/8/2021 được trích dẫn.
Từ thông tin này, hiệu quả của vắc xin Pfizer/BioNTech chống lại biến chủng Delta vẫn ở mức cao sau 1 tháng kể từ khi tiêm cả 2 liều và lên tới 93% (97% so với các biến chủng khác).
Tuy nhiên, 4 tháng sau khi tiêm chủng, các chỉ số này giảm xuống còn 53% đối với biến chủng Delta và 67% đối với các biến chủng còn lại.
Đồng thời, theo các nghiên cứu, vắc xin sẽ vẫn có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa các đợt bệnh cần nhập viện khác lên tới 93%.
Trước đó, FDA đã chấp thuận việc sử dụng liều thứ 3 của vắc xin Pfizer/BioNTech và Moderna cho những người bị suy yếu khả năng miễn dịch.
Trong khi đó, theo một nghiên cứu do Đại học Oxford của Anh thực hiện, các nhà nghiên cứu nước này kết luận rằng hiệu quả của vắc xin Pfizer/BioNTech đối với Covid-19 giảm dần theo thời gian và những người được tiêm loại vắc xin này có thể cần liều tăng cường.
Các nhà khoa học đã so sánh hai loại vắc xin Covid-19. Theo kết quả, Pfizer/BioNTech bước đầu bảo vệ tốt nhất, hiệu quả của thuốc sau khi tiêm liều thứ 2 đạt 85%. Đồng thời, vắc xin Oxford/AstraZeneca chỉ đạt 68% khả năng bảo vệ.
Tuy nhiên, 3 tháng sau khi tiêm 2 liều vắc xin, hiệu quả của Pfizer/BioNTech giảm xuống 75%, trong khi hiệu quả của Oxford/AstraZeneca sau một thời gian tương tự giảm xuống 61%.
Theo Politico, cả 2 loại vắc xin đều rất hiệu quả đối với biến chủng Delta, mặc dù hiệu quả của vắc xin Pfizer/BioNTech có xu hướng giảm.
Ông Penny Ward, giáo sư về dược phẩm tại Đại học King’s College London đánh giá cao tầm quan trọng của nghiên cứu và tác động tiềm tàng đối với các quốc gia trên thế giới để cung cấp liều vắc xin tăng cường chống lại Covid-19.
Hàng triệu người Mỹ được đề nghị tiêm vắc xin Pfizer liều thứ 3
CNBC đưa tin, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), tiến sĩ Rochelle Walensky mới đây đã ủng hộ việc sử dụng liều vắc xin thứ 3 của Pfizer/BioNTech, đối với một số đối tượng người Mỹ, chủ yếu là người lớn tuổi và những người có nguy cơ mắc bệnh.
Theo AP, có khoảng 26 triệu người Mỹ đã tiêm liều Pfizer/BioNTech thứ 2 ít nhất 6 tháng trước, trong đó có phân nửa là người từ 65 tuổi trở lên. Hiện không rõ có bao nhiêu người trong số này đủ điều kiện được tiêm tăng cường.
Trước đây, liều vắc xin tăng cường đã được phê duyệt bởi hội đồng chuyên gia CDC, theo kết luận, chúng nên dành cho những người từ 65 tuổi trở lên và những người có khả năng miễn dịch suy yếu.
Theo đó, CDC khuyến nghị tiêm liều tăng cường cho người già từ 65 tuổi trở lên, cư dân viện dưỡng lão và những người từ 50-64 tuổi có bệnh nền. Thời điểm tiêm bổ sung được khuyến nghị ít nhất 6 tháng sau khi tiêm liều Pfizer thứ hai.
Tuy nhiên, bà Walensky đã đưa ra một khuyến nghị vốn bị ban cố vấn bác bỏ trong cuộc bỏ phiếu trước đó.
Cụ thể, ban cố vấn của CDC không đề xuất tiêm liều tăng cường cho người từ 18-64 tuổi, các nhân viên y tế hoặc người có công việc thường xuyên phơi nhiễm virus SARS-CoV-2 như làm việc trong nhà giam hoặc các trại dành cho người vô gia cư.
Bà Walensky không đồng ý và đã thêm lại khuyến cáo này. Bà cho rằng điều này phù hợp với quyết định phê duyệt tiêm liều tăng cường của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ trước đó
“Tôi tin rằng chúng tôi có thể đáp ứng tốt nhất nhu cầu sức khỏe cộng đồng bằng cách cung cấp liều tăng cường cho người cao tuổi, những người ở các cơ sở chăm sóc dài hạn, những người có bệnh nền và người lớn có nguy cơ cao mắc Covid-19”, Giám đốc CDC nhấn mạnh.
Như vậy, quyết định của FDA và CDC đã thu hẹp đáng kể số lượng người đủ điều kiện tiêm liều tăng cường so với kế hoạch ban đầu của chính phủ Mỹ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận