OPEC+ sẽ đứng về phía nào trong cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây?
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (OPEC+) vẫn chưa chính thức phản ứng trước những sự kiện mới nhất trên thế giới. Nhưng không chắc rằng những bên nào thỏa thuận giảm sản lượng dầu sẽ có thể đứng ngoài cuộc.
Theo đó, một mặt, giá nguyên liệu thô tăng và sự thiếu hụt tài nguyên sẽ là “gót chân Achilles” của Mỹ và châu Âu. Mặt khác, đây cũng là lập luận kinh tế chính của Nga trong cuộc xung đột với phương Tây.
Cuộc họp của OPEC+ sẽ diễn ra vào ngày 2/3, ban đầu được lên kế hoạch như một hình thức để xác nhận các thỏa thuận hiện có và kết thúc trước tháng 4. Trước đó, cuộc họp cuối cùng của các bên tham gia thỏa thuận OPEC+ vào ngày 2/2 là một cuộc họp ngắn kỷ lục, chỉ kéo dài chưa đầy nửa giờ. Nhưng các sự kiện trên thế giới đã diễn ra quá phức tạp khiến dầu đã tăng giá trên 100 USD/thùng, đồng thời cho đến nay rõ ràng nó sẽ không dừng lại ở mức này.
Kế hoạch được OPEC+ thông qua hồi tháng 7 năm ngoái ngụ ý rằng các nước OPEC+ sẽ tiếp tục tăng sản lượng vào tháng 4 năm nay với tổng cộng 400 nghìn thùng mỗi ngày. Các bên trong thỏa thuận đã nhiều lần nhấn mạnh, trong trường hợp không có yếu tố mới ảnh hưởng đến thị trường dầu, họ sẽ tăng sản lượng phù hợp với lộ trình này.
Tuy nhiên, vào cuối năm ngoái và đầu năm nay, OPEC+ đã không thành công khi bị Mỹ gây sức ép trong việc đẩy nhanh gia tăng sản lượng khai thác dầu trở lại thị trường. Nhưng bây giờ tình hình đã thay đổi, chính trị đã can thiệp vào vấn đề. Giá dầu tiếp tục tăng “phi mã” làm mất giá tất cả các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga. Doanh thu của Moscow từ xuất khẩu dầu đang tăng cùng với giá mỗi thùng. Do đó, theo các chuyên gia, áp lực lên OPEC+ sẽ gia tăng và các nước châu Âu sẽ tham gia vào vấn đề này.
Giá xăng phá kỷ lục
Ngoài ra, còn có một điểm đáng chú ý khi giá xăng ở phương Tây liên tiếp phá kỷ lục. Tại Mỹ, một lít xăng A95 có giá hơn 1 USD với mức giá thông thường là 60-70 xu. Tại Anh, một kỷ lục mới đã được thiết lập - 1,76 pound mỗi lít, trong khi thời bình thường giá là khoảng 1 pound. Ở Đức - 1,85 euro và một năm trước - 1,4 euro mỗi lít. Cùng với giá khí đốt và điện đắt kỷ lục, điều này làm tăng tốc độ lạm phát chưa từng có ở Mỹ và các nước châu Âu trong một thời gian dài.
Giới chuyên gia cho rằng, phương Tây hiện đang cần gấp rút “hóa giải” áp lực từ thị trường dầu mỏ và hạ giá một thùng xuống ít nhất 80 USD/thùng. Điều này chỉ có thể được thực hiện thông qua việc gia tăng sản xuất. Các nhà khai thác dầu mỏ của Mỹ không thể làm điều này một mình. Đối với Iran, dưới lệnh trừng phạt của Mỹ, có thể tăng nguồn cung dầu trên thị trường thế giới, nhưng Washington và Tehran không thể thống nhất các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân. Chỉ còn lại các nước trong nhóm dầu mỏ OPEC, những nước bị ràng buộc bởi các điều khoản của thỏa thuận OPEC+ nhằm giảm sản lượng với các nước xuất khẩu dầu khác, bao gồm cả Nga.
Mỹ và châu Âu có quan hệ chặt chẽ với Saudi Arabia, Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), Kuwait và Iraq, và phương Tây sẽ sử dụng tất cả ảnh hưởng để thúc đẩy các nước này thay đổi các điều khoản của thỏa thuận OPEC+ qua đó thúc đẩy tăng sản lượng khai thác dầu.
Tuy nhiên, vị thế của Nga ở Trung Đông cũng trở nên rất mạnh trong những năm gần đây. Nga cùng với Saudi Arabia là nước đứng đầu OPEC+ về khối lượng sản xuất và tầm ảnh hưởng đối với các nước khác. Và ngân sách của Saudi Arabia phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ và hoàn toàn có thể cho rằng vương quốc này sẽ không sợ thị trường phát triển quá nóng cũng như sẽ sẵn sàng hỗ trợ tăng trưởng hơn nữa trong thời gian tới.
Đồng thời, rất có thể Kuwait, Iraq và UAE sẽ ủng hộ việc tăng sản lượng trên mức định mức - đại diện của các quốc gia này đã hơn một lần bày tỏ mong muốn như vậy. Nhưng vấn đề là các nước OPEC+ vẫn còn kém rất xa trong việc tăng sản lượng, kể cả so với kế hoạch hiện tại. Theo ước tính sơ bộ của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), các nước OPEC+ vào tháng 1/2022 đã hoàn thành quá mức thỏa thuận giảm sản lượng 27%. Tức là, thị trường nhận được ít hơn 900 nghìn thùng mỗi ngày. Do đó, ngay cả khi quyết định của liên minh có lợi cho việc tăng sản lượng nhiều hơn so với kế hoạch trước đó, thì cũng khó có thể thực hiện được. Mặc dù, tất nhiên, “sẽ tạo ra một nền tảng giảm giá nhất định”.
Theo ông Artem Tuzov, Giám đốc điều hành bộ phận thị trường vốn của công ty đầu tư Univer Capital, “căng thẳng chính trị đang đẩy giá năng lượng lên cao, các thành viên OPEC+ thực sự có thể quyết định tăng sản lượng để giảm giá”.
“OPEC+ bao gồm nhiều quốc gia, kể cả những quốc gia đang bị Mỹ trừng phạt. Xung đột là một phần của cuộc sống và các thành viên OPEC+ thường xuyên phải đối mặt. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh chính trị cũng có thể xâm nhập vào OPEC+”, chuyên gia này lưu ý.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận