OPEC+ đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan về nguồn cung khi nền kinh tế suy thoái
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) đang tiến vào một giai đoạn khác thường của thị trường dầu mỏ.
Sau hai năm đưa sản lượng trở lại sau đại dịch, Ả Rập Xê Út và các đối tác đang phải đối mặt với một thị trường khác. Áp lực từ những người tiêu dùng chủ chốt như Mỹ trong việc kiềm chế lạm phát bằng cách gia tăng nguồn cung đang chuyển sang lo ngại về sự suy giảm kinh tế toàn cầu.
Biến động gần đây của giá dầu, bao gồm cả việc giá dầu Brent giảm hơn 20% kể từ đầu tháng 6 đã khiến Ả Rập Xê Út nhận định rằng việc cắt giảm sản lượng có thể là cần thiết.
Đối mặt với quá nhiều bất ổn, OPEC+ được cho là sẽ giữ ổn định sản lượng trong cuộc họp diễn ra vào ngày 5/9. Mặc dù vậy, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê Út, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman thường gây bất ngờ cho các nhà quan sát và các đại biểu OPEC+ cho biết rằng, có nhiều quyết định vẫn đang được cân nhắc.
Christyan Malek, người đứng đầu chiến lược năng lượng toàn cầu tại JPMorgan cho biết: “OPEC+ có nhu cầu lớn hơn trong việc xem xét một loạt kịch bản tại cuộc họp này. Đó là một môi trường có sự biến động kinh tế vĩ mô gia tăng do các điểm dữ liệu xung đột về nhu cầu và suy thoái kinh tế. Nhưng đó cũng là một thị trường dầu mỏ đang thắt chặt với sự không chắc chắn về nguồn cung từ Libya đến Iraq".
Giá dầu đã có đợt sụt giảm dài nhất kể từ năm 2020 và tạo ra thách thức chưa từng có mà Ả Rập Xê Út và các đối tác của họ phải đối mặt. Là nhà nhập khẩu dầu lớn nhất, Trung Quốc đã cho thấy những dấu hiệu của sự suy thoái kinh tế đáng báo động, trong khi Mỹ đã gần chạm đến suy thoái. Trong khi đó, việc nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân có thể làm hồi sinh dòng chảy dầu thô từ Iran.
Những biến động giá đã dẫn đến việc Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê Út tuyên bố vào tháng trước rằng giá dầu thô tương lai đã tách rời khỏi thực tế của cung và cầu, và việc hạn chế sản lượng mới có thể là công cụ tốt nhất để khôi phục trạng thái cân bằng. Thông điệp này đã được các thành viên OPEC+ đồng tình tán thành.
“Thị trường đang ở trong tình trạng rối loạn và điều này đang tạo ra một loại thị trường biến động mạnh. OPEC có cam kết, tính linh hoạt và phương tiện để đối phó với những thách thức như vậy”, ông cho biết.
Từ Goldman Sachs đến Shell Plc đều có quan điểm chung trong toàn ngành rằng thị trường toàn cầu sẽ thắt chặt khi Trung Quốc thúc đẩy nhu cầu trở lại sau các đợt đóng cửa để kiểm soát Covid.
Trong khi nguồn cung từ Nga cho đến nay đã chứng tỏ khả năng phục hồi đáng kinh ngạc sau ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga-Ukraine, sản lượng từ Nga dự kiến sẽ chững lại trong vài tháng tới khi các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu bắt đầu có hiệu lực vào đầu tháng 12. Bất ổn ở một thành viên liên minh khác là Iraq và tình trạng hỗn loạn ở Libya chỉ nhấn mạnh sự mong manh của sản lượng toàn cầu.
Tổng thư ký OPEC, Haitham Al Ghais cho biết ông hy vọng nhu cầu tăng "đáng kể" từ những người tiêu dùng mong muốn khôi phục lại trạng thái bình thường sau hai năm hạn chế của Covid.
Warren Patterson, người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại ING Groep NV cho biết: “Sẽ là kỳ lạ nếu cắt giảm sản lượng trong khi tình hình đang cho thấy một thị trường chặt chẽ hơn mong đợi”.
Một yếu tố không chắc chắn khác về nguồn cung là Iran khi nước này vẫn bị bó buộc trong các cuộc đàm phán để khôi phục thỏa thuận hạt nhân và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với hoạt động bán xăng dầu của nước này. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), một thỏa thuận thành công có thể đưa hơn 1 triệu thùng/ngày vào thị trường toàn cầu.
Raad Alkadiri, giám đốc điều hành năng lượng của công ty tư vấn Eurasia Group Ltd. cho biết: “OPEC+ sẽ phản ứng nhanh chóng nếu một thỏa thuận được ký kết giữa Mỹ và Iran. Dù vậy, hiện tại OPEC+ sẽ tiếp tục cho đến khi có sự rõ ràng hơn về kết quả của các cuộc đàm phán”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận