Ông Trump - Musk 'song kiếm hợp bích' gây cú sốc đầu tiên ở Washington
Tổng thống đắc cử Mỹ và tỷ phú giàu nhất thế giới hôm 18/12 hợp lực để “bức tử” thỏa hiệp giữa phe Cộng hòa và Dân chủ để giữ chính phủ Mỹ hoạt động tới sau khi ông Trump nhậm chức.
Theo thỏa thuận ngân sách ngắn hạn do Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson “đạo diễn”, chính phủ Mỹ sẽ có ngân sách hoạt động đến ngày 14/3. Một số nội dung đáng chú ý khác bao gồm gần 100 tỷ USD hỗ trợ những người Mỹ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, các khoản hỗ trợ tài chính cho nông dân cũng như hình sự hóa hành vi phát tán hình ảnh nhạy cảm để trả thù.
Tuy nhiên, sau các tuyên bố của tỷ phú Elon Musk và Tổng thống đắc cử Donald Trump, thỏa thuận này đã không thể trở thành hiện thực. Điều này đã đặt nước Mỹ vào giai đoạn bất định mới, cũng như đặt cả ông Trump, ông Johnson và phe Dân chủ trước những lựa chọn khó khăn trong tương lai, theo CNN.
Khi bộ đôi Musk - Trump lên tiếng
Trong cuốn sách về tiểu sử Elon Musk, nhà văn Walter Isaacson từng miêu tả triết lý của vị tỷ phú là “Chấp nhận rủi ro. Học qua việc đảo lộn mọi thứ. Xem xét lại. Làm lại”. Hôm 18/12, Elon Musk thể hiện rõ triết lý của mình.
“Đạo luật này không nên được thông qua”, ông viết trên X từ trước khi trời kịp sáng. Đây chỉ là “phát súng” mở đầu cho chuỗi 70 bài đăng công kích dự luật, tuyên bố rằng mọi nghị sĩ bỏ phiếu thuận nên bị mất ghế trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2026.
Musk đề xuất phương án tốt nhất với phe Cộng hòa là “đóng băng” Washington tới khi ông Trump nhậm chức.
“Quốc hội không nên thông qua bất cứ dự luật nào tới ngày 20/1”, vị tỷ phú viết.
Sau loạt bài của Elon Musk, hàng loạt hãng truyền thông thân ông Trump cũng bày tỏ sự giận dữ với đạo luật. Các chuyên gia bảo thủ đặc biệt giận dữ với đề xuất tăng lương cho các nghị sĩ.
Tới tối 18/12 (giờ Mỹ), ông Trump và “phó tướng” JD Vance chính thức ra thông cáo đòi hỏi một dự luật ngân sách không bao gồm những yếu tố có lợi cho đảng Dân chủ. Bộ đôi này cũng đòi hỏi phe Dân chủ phải tăng trần nợ công nếu muốn thỏa thuận ngân sách được thông qua.
Chưa rõ ông Trump và Elon Musk có phối hợp với nhau để đưa ra loạt đòn này hay không. Tuy nhiên, việc thời điểm đưa ra tuyên bố của hai nhân vật này tương đối gần nhau đủ để khiến phe Dân chủ nghi ngờ.
Trao đổi với CNN sau buổi nói chuyện với ông Trump, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Josh Hawley tuyên bố tân tổng thống đã bị ông Johnson công kích bất ngờ và “mới chỉ biết về nó”.
Những người ủng hộ ông Trump đặt câu hỏi: Tại sao sau khi thắng lợi trong cuộc bầu cử 2024 với lời hứa cắt giảm ngân sách, phe Cộng hòa lại ngay lập tức ủng hộ một dự luật quy mô lớn như vậy.
Ông Trump ngày 18/12 tuyên bố không ủng hộ thỏa hiệp ngân sách lưỡng đảng, khiến thỏa thuận bị bức tử từ trong trứng nước.
Tuy nhiên, cũng có nhiều đảng viên Cộng hòa lo ngại về hệ quả của khả năng chính phủ đóng cửa. Họ thừa nhận đạo luật chi tiêu mới cần dựa trên tình hình thực tế - đó là việc phe Dân chủ vẫn kiểm soát Thượng viện trong những tuần tới.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson cũng sẽ phải dựa vào lá phiếu của các đảng viên Dân chủ để thông qua dự luật do đảng Cộng hòa chỉ chiếm thế đa số bấp bênh, trong khi một số nghị sĩ Cộng hòa dường như không muốn ủng hộ bất cứ dự luật chi tiêu nào.
Tương lai bất định
Những diễn biến mới nhất đặt ông Trump, ông Johnson và phe Dân chủ vào những bài toán mới trong tương lai. Trừ khi ông Johnson có thể thông qua đạo luật ngân sách vào nửa đêm 20/12 (giờ Mỹ), chính phủ Mỹ sẽ bị đóng cửa một phần.
Khi đó, ông Johnson sẽ đứng trước nguy cơ mất ghế đáng kể. Ông đã bị cả ông Trump và Elon Musk công kích, trong khi nhiều đảng viên Cộng hòa ở Hạ viện cũng đã tuyên bố sẽ không ủng hộ ông tái cử.
Tuy nhiên, một cuộc bầu cử kéo dài tới 15 vòng khi Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy được lựa chọn năm 2023 sẽ không phải điều đảng Cộng hòa mong muốn. Bên cạnh đó, chưa chắc một ứng viên khác có thể nhận được sự ủng hộ cần thiết.
Đối với ông Trump, lựa chọn của ông dường như là một canh bạc. Cuộc đối đầu tại Washington hoàn toàn có thể kéo dài sang năm sau và có thể phủ bóng đen lên lễ nhậm chức của tân tổng thống vào ngày 20/1/2025. Nếu đề xuất của Elon Musk - đóng cửa chính phủ đến ngày 20/1 - trở thành hiện thực, ông Trump sẽ phải đối mặt với khủng hoảng ngay ngày đầu nhậm chức.
Đây cũng là phép thử với đảng Dân chủ. Họ chắc chắn không muốn những ngày cuối cùng của ông Biden rơi vào hỗn loạn, nhưng lại càng không muốn vô tình giúp ích cho ông Trump.
Phe Dân chủ dường như đang tận dụng cơ hội để chỉ trích chính quyền Cộng hòa ngay từ khi chính quyền mới còn chưa bắt đầu. Lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Hakeem Jeffries tuyên bố hành động của phe Cộng hòa “đe dọa người Mỹ trên khắp đất nước”, cũng như tuyên bố phe Dân chủ vẫn sẽ giữ vững lập trường và yêu cầu ông Trump nhượng bộ.
Về phần mình, ông Johnson tuyên bố sẽ cố gắng thuyết phục Elon Musk và ông Vivek Ramaswamy - đồng lãnh đạo của cơ quan gia tăng hiệu năng chính phủ Mỹ (DOGE) ủng hộ dự luật. Hôm 18/12, ông cũng lên truyền hình để trực tiếp gửi thông điệp tới người Mỹ. Dù vậy, những gì ông làm được đến nay tương đối hạn chế.
Hạ nghị sĩ Cộng hòa bang Kentucky Thomas Massie tuyên bố sẽ không bầu cho ông Johnson trở thành chủ tịch Hạ viện khóa tới, trừ khi “có một phép màu Giáng sinh”. Ông Bryan Lanza, cố vấn cao cấp của ông Trump trong chiến dịch vừa qua, khẳng định có nhiều nghị sĩ cũng có chung suy nghĩ.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson đang đứng trước nguy cơ mất ghế.
“Lúc này, ngài chủ tịch đang không có đủ phiếu. Ông ấy sẽ cần được Donald Trump cứu giúp”, ông Lanza nói.
Trong khi đó, đối với một số nghị sĩ, vụ việc lần này là chỉ dấu cho những gì sẽ diễn ra trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump.
“Đây sẽ là điều xảy ra trong năm tới”, Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh đạo sắp mãn nhiệm của phe Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ, nói với đồng nghiệp Susan Collins khi đi qua hành lang Thượng viện đêm 18/12.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường