Ông Trần Kim Thành: 'Vương miện' KIDO và danh hiệu ông vua M&A
Làm nên thương hiệu có độ phủ sóng khắp Việt Nam từ một tiệm bánh nhỏ tại Sài Gòn, tên tuổi của KIDO gắn liền với ông Trần Kim Thành. Bước sang tuổi lục tuần, con đường của doanh nhân gốc Hoa trong năm 2020 hứa hẹn sẽ tiếp tục mang tới những câu chuyện ki
Từ "9 kg bánh" đến "vương miện" Kinh Đô
Ông Trần Kim Thành sinh năm 1960, nguyên quán Trung Quốc, xuất thân từ gia đình có một tiệm bánh kẹo nhỏ.
Ông Thành kể, từ hồi 5 – 6 tuổi đã rất thích Einstein, Newton, ước mơ trở thành nhà khoa học chứ không phải doanh nhân. Lên đại học ông theo ngành vật lý, sau mới nghiên cứu kinh tế. Tuy nhiên, điều thúc đẩy người đàn ông này kinh doanh đó chính là luôn muốn thách thức, thử tài bản thân dù chưa biết chắc chắn sẽ làm gì.
Ban đầu, ông tìm mọi cách xin gia đình cho ra ngoài kinh doanh. Mỗi ngày, ông Thành đều phải làm hết công việc ở nhà phụ giúp cha mẹ thì mới bắt đầu làm việc của mình. Cùng với Kao Siêu Lực (hiện được mệnh danh là "vua bánh mì" Sài Gòn), hai anh em đi bán bột mỳ nhưng sau khi bị quỵt nợ, siết nợ không được nên quay về làm bánh.
Mỗi ngày, ông chỉ làm 9 kg bánh - một số lượng rất nhỏ. Ông Thành tự xây lò, làm bánh rồi nhờ những người bán bánh đánh giá, góp ý. Ông thử và sửa sai liên tục trong 6 tháng để hoàn thiện sản phẩm và sau đó có đơn hàng 3 kg bánh đầu tiên.
Công việc tiếp theo là vấn đề phân phối. Lúc đầu, ông Thành phân phối cho bốn đại lý lớn, thân quen ở miền Tây. Tuy nhiên, sau khi một đại lý dừng đặt hàng, thị phần mất ngay 25%. Nhận thấy nếu tiếp tục phụ thuộc vào chỉ bốn đại lý này, con đường phía trước sẽ không có tương lai, ông Thành cùng em trai quyết định tìm đến những nhà phân phối khác, cứ thế mở rộng khắp nước Việt Nam.
Đến khi đã mở rộng được các đại lý, ông Thành lại gặp phải vấn đề lớn hơn, khi lượng đại lý quá nhiều làm cho việc quản lý trở thành khó khăn, bất cập. Ông tiếp tục đặt ra một chuẩn mới, tìm đến những nhà phân phối số một của khu vực.
Từ đó, ông Thành thành lập Kinh Đô với khởi đầu là một cơ sở nhỏ với vốn đầu tư 1,5 tỷ đồng, gồm 70 công nhân viên, chuyên sản xuất bánh mì, bánh tươi tại Phú Lâm, Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 1993, Công ty Xây dựng và Chế biến thực phẩm Kinh Đô được thành lập, tập trung vào sản xuất bánh bánh snack (bim bim), đánh bật sản phẩm snack của Thái Lan ra khỏi thị trường. Từ sự thành công của bánh snack, sau đó Kinh Đô dần thâm nhập vào thị trường bánh cookie, cracker, bánh trung thu, kẹo...
Năm 2002, Kinh Đô chính thức chuyển thể từ công ty TNHH sang hình thức Công ty Cổ Phần Kinh Đô với vốn điều lệ 150 tỷ đồng.
Trong năm 2004, Kinh Đô thành lập CTCP Địa ốc Kinh Đô và CTCP Kinh Đô Bình Dương; đồng thời đưa cổ phiếu NKD của Kinh Đô Miền Bắc lên niêm yết trên sàn chứng khoán.
Biểu tượng của Kinh Đô là hình vương miện màu đỏ, giá cổ phiếu KDC của CTCP Kinh Đô đã có lúc lên tới 250.000 đồng/CP.
Khởi nguồn là một công ty gia đình, ông Trần Kim Thành luôn coi nhân trị là bí quyết vận hành tập đoàn, ngay cả với những doanh nghiệp được Kinh Đô tiếp quản hậu mua bán - sáp nhập (M&A).
Danh hiệu ông vua M&A
Cái tên KIDO thay thế Kinh Đô sau thương vụ ông Trần Kim Thành bán lại 80% lĩnh vực bánh kẹo của Kinh Đô cho Tập đoàn Mondelēz International của Mỹ. Tập đoàn Kinh Đô đã đổi tên thành Tập đoàn KIDO, chuẩn bị cho cuộc "marathon" khắc nghiệt của thương hiệu KIDO trên “đường đua” dầu ăn, mỳ gói.
Được giới kinh doanh nể phục gọi với cái tên ông vua M&A, ông Trần Kim Thành cùng KIDO đã thực hiện nhiều thương vụ M&A có bước đi rõ ràng và chiến lược cụ thể hướng tới ngành thực phẩm để KIDO có thể mở rộng địa bàn hoạt động.
Thương vụ đầu tiên và cũng được coi là thành công lớn của Kinh Đô là mua lại nhà máy kem Wall của Unilever vào năm 2003. Đến năm 2005, Kinh Đô tiếp tục nắm cổ phần chi phối của Tribeco; năm 2007 đầu tư vào Nutifood, năm 2008 mua lại Vinabico; Năm 2010, Kinh Đô thực hiện hoán đổi cổ phiếu để nắm giữ 100% cổ phần của Kinh Đô Miền Bắc và KIDO.
Đầu năm 2012, hãng bánh kẹo Nhật Bản Ezaki Glico đã rót gần 660 tỷ đồng để nắm giữ 10,5% cổ phần của Kinh Đô.
Năm 2016 và 2017, Kinh Đô liên tiếp sáp nhập và nắm cổ phần chi phối 2 công ty dầu – CTCP Dầu thực Vật Tường An và Tổng công ty Công nghiệp Dầu Thực vật Việt Nam (Vocarimex), qua đó nắm giữ hơn 30% thị phần dầu ăn tại thị trường nội địa.
Tích hợp thế mạnh từ nền tảng quản trị, nhân sự, tài chính và kinh nghiệm trong marketing từ KIDO, Vocarimex đã tiến hành tái cấu trúc mô hình hoạt động kinh doanh và cơ cấu lại danh mục đầu tư tại các công ty liên doanh, liên kết nhằm gia tăng hiệu quả hoạt động. Năm 2017, Vocarimex ghi nhận doanh thu thuần 4.388 tỷ đồng; trong đó, doanh thu từ hai mảng kinh doanh dầu ăn công nghiệp và xuất khẩu tăng trưởng lần lượt là 52,6% và 14,9% so với năm 2016; lợi nhuận trước thuế đạt 300 tỷ đồng và hoàn thành 149,5% kế hoạch đề ra.
Năm 2018, KIDO được Diễn đàn M&A Việt Nam trao giải thưởng Top 10 doanh nghiệp có chiến lược M&A tiêu biểu. Chia sẻ thêm, ông Thành cho biết: “Xác suất thất bại của M&A là khá cao. Dễ thấy nhất là các cổ đông lớn không cùng nhìn về một hướng. Một số khúc mắc của công ty mục tiêu mà doanh nghiệp chưa nhìn thấy được hoặc không giải quyết được cũng dẫn đến thất bại. Tỷ lệ tham gia cũng ảnh hưởng đến dự án thành công hay không và con người là một trong những yếu tố quyết định sự thành bại của dự án”.
“Chúng ta có thể mua được tài sản, máy móc thiết bị nhưng không thể mua được sự nhiệt huyết, chuyên tâm của nhân sự đối với công việc. Bao nhiêu máy móc thiết bị, tài sản cũng là do con người vận hành. Một khi những người có thể mang lại giá trị phù hợp với mục tiêu của công ty mà nghỉ việc, xem như doanh nghiệp mua công ty mục tiêu là không có giá trị”, ông Thành nhấn mạnh.
Được mệnh danh là vua M&A nhưng không phải ông Thành không gặp những thất bại với chiến lược này. Năm 2012, Kinh Đô đã chấp nhận lỗ và thoái vốn toàn bộ tại Tribeco và Nutifood. Khoản đầu tư vào ngân hàng Eximbank cũng không được như mong đợi; đối tác Nhật Bản đã rút khỏi Kinh Đô.
Trong lĩnh vực bất động sản, anh em ông Trần Kim Thành không gặp nhiều may mắn khi nhiều dự án chậm tiến độ. Kinh Đô đã đầu tư 1.015 tỷ đồng để sở hữu 50% dự án Lavenue Crown nằm trên một mảnh đất vàng tại TP.HCM, nhưng sau nhiều năm khu phức hợp 5 sao này vẫn chưa thể khởi công, thậm chí đến nay còn vướng sai phạm hình sự.
KIDO cũng từng đầu tư một dự án bất động sản khác tại quận Thủ Đức – TP. HCM, thông qua Công ty TNHH Tân An Phước. Tuy nhiên, đến cuối năm 2017, sau 12 năm theo đuổi, KIDO đã chính thức từ bỏ dự án.
Đến năm 2020, ông Trần Kim Thành chính thức bước sang tuổi 60, con đường M&A với ông và KIDO có thể sẽ chưa dừng lại. Không có con đường nào chỉ toàn là những đoạn đường thẳng mà luôn có những khúc quanh và ngã rẽ. Ngay cả thương vụ bán 80% mảng bánh kẹo cho Mondelēz International với giá 370 triệu USD vẫn còn những tranh cãi, liệu rằng đây là quyết định đúng đắn hay sai lầm của ông Thành cùng các cộng sự. Có người cho rằng đây là "ván bài" tất tay của anh em ông Thành để từ bỏ mảng bánh kẹo và chuyển hướng sang thị trường mới.
Ông Thành từng khuyên các starup rằng, hãy luôn đặt câu hỏi “tại sao?” và đừng mong đốt cháy giai đoạn. Điều này đúng với mọi doanh nhân lớn – không ngơi nghỉ ước mơ lớn và biết cách để đeo đuổi mục tiêu ấy. Cho tới thời điểm hiện tại, ông Trần Kim Thành vẫn xứng đáng với chiếc "vương miện" KIDO và tiếp tục nằm trong danh sách dẫn đầu những thương vụ M&A đình đám trên thương trường Việt Nam.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận