'Ông lớn' ngành hàng hải đầu tư mạnh cho vận tải container, chào bán riêng lẻ 100 triệu cổ phiếu
Tổng công ty lập công ty vận tải container để bắt kịp xu hướng container hóa trong vận tải biển trên toàn thế giới, đặc biệt là khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2022, ban lãnh đạo cho biết Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (UPCoM: MVN) chưa có doanh nghiệp nào khai thác đội tàu container chuyên nghiệp nên sẽ thành lập Công ty cổ phần Vận tải container VIMC để bắt kịp xu hướng container hóa trong vận tải biển trên toàn thế giới, đặc biệt là khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Công ty cổ phần Vận tải container VIMC có vốn điều lệ khi thành lập 2.041 tỷ đồng, VIMC nắm 51% vốn.
Hiện, VIMC đang phát triển dịch vụ vận tải container tại Công ty vận tải biển VIMC, quản lý khai thác 2 tàu container và đại lý khai thác 3 tàu container của doanh nghiệp khác. Khi thành lập công ty mới, VIMC sẽ góp bằng vốn 2 tàu container đang sở hữu.
Ngoài ra, bên cạnh các dự án chuyển tiếp năm trước, năm nay, VIMC sẽ đầu tư vỏ container để thay thế vỏ cũ, tổng mức đầu tư khoảng 146,8 tỷ đồng; đầu tư 2 tàu container 1.700 – 2.200 TEU với tổng mức đầu tư 1.160 tỷ đồng.
Trong chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030, VIMC dự kiến đầu tư cho cả 3 lĩnh vực chính vận tải biển, cảng biển và dịch vụ hàng hải với tổng mức đầu tư 25.000 tỷ đồng đến 2030. HĐQT xét thấy cần tăng vốn cho các kế hoạch đầu tư.
Nhà nước đang sở hữu đến 99,5% vốn tại tổng công ty và đơn vị vẫn đang còn lỗ lũy kế nên không thể chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu hay chào bán ra công chúng. Do vậy, HĐQT trình phương án phát hành riêng lẻ 100 triệu cổ phiếu để tăng vốn lên 13.000 tỷ đồng. Giá chào bán chưa xác định.
Ngoài ra, năm nay, tổng công ty tiếp tục lên kế hoạch thoái vốn nhiều đơn vị như Vosco, Vinaship, Vitranschart…
Nguồn: VIMC |
Lên kế hoạch lợi nhuận 2022 giảm, không chia cổ tức 2021
Năm trước, giá cước vận tải biển tăng mạnh và công tác dự báo thị trường được điều chỉnh kịp thời, triển khai hiệu quả giúp các đơn vị thành viên nhanh chóng nắm bắt cơ hội thị trường để linh hoạt ký hợp đồng chuyến ngắn nhằm kịp thời điểm chỉnh giá cước; cũng như tích cực làm việc với người thuê tàu để điều chỉnh giá thuê đối với hợp đồng thuê dài hạn. Nhờ vậy, khối vận tải biển sau nhiều năm lỗ kéo dài đã có lợi nhuận. Hoạt động cảng biển vẫn duy trì hiệu quả. Lợi nhuận khối dịch vụ hàng hải còn hạn chế do ảnh hưởng nghiêm trọng của việc giãn cách xã hội diện rộng và thời gian dài.
Theo đó, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu hợp nhất năm 2021 đạt 14.300 tỷ đồng, tăng 29% so với 2020 và vượt 32% kế hoạch năm; lãi trước thuế 3.640 tỷ đồng, gấp 7 lần và vượt 286% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế 3.189 tỷ đồng, gấp 16 lần năm trước. Dù lãi lớn, tổng công ty vẫn còn lỗ lũy kế tính đến cuối năm nên HĐQT đề xuất không chia cổ tức 2021.
HĐQT trình phương án kinh doanh năm 2022 gồm doanh thu hợp nhất đạt 12.511 tỷ đồng, giảm 12,5% và lợi nhuận trước thuế 2.518 tỷ đồng, giảm 31% so với thực hiện 2021. Với công ty mẹ, doanh thu mục tiêu giảm 8% xuống 1.691 tỷ đồng nhưng lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng 4% lên 240 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo VIMC cho rằng nền kinh tế thế giới năm nay dự báo còn nhiều yếu tố bất ổn do dịch Covid-19 tiếp tục lây lan mạnh, xung đột Nga – Ukraine diễn biến căng thẳng. Giá nhiên liệu đã tăng rất mạnh theo giá dầu thô, đặc biệt là sau xung đột Nga – Ukraine diễn ra. Hiện, nguồn cung nhiên liệu có hàm lượng sulfur thấp (VLSFO) trên toàn cầu đang bị thắt chặt, đặc biệt là châu Á. Trong trường hợp xung đột tiếp tục kéo dài, giá VLSFO trong năm có thể vượt mức 1.000 USD/tấn. Với Việt Nam, hoạt động xuất nhập khẩu được dự báo tiếp tục khởi sắc khi các hiệp định thương mại tự do dần được thực thi toàn diện hơn như CPTPP, EVFTA, RCEP…
Báo cáo của VIMC cho rằng diễn biến tích cực của thị trường tàu hàng khô trong giai đoạn gần đây chủ yếu xuất phát từ sự thiếu hụt nguồn cung tạm thời trước sự cố tắc nghẽn kéo dài tại các cảng Trung Quốc và tình trạng khủng hoảng năng lượng tại Trung Quốc, Ấn Độ làm nhu cầu vận chuyển than tăng đột biến. Khi tình trạng tắc nghẽn giảm và nhu cầu vận chuyển chững lại, đặc biệt là mặt hàng than do sự can thiệp của chính phủ Trung Quốc, giá thuê tàu ngay lập tức giảm mạnh tại tất cả các phân khúc.
Thị trường tàu hàng khô năm 2022 được dự báo sẽ không đạt mức tăng trưởng như của năm 2021 mà chỉ duy trì ở mức thấp khi các quốc gia đã dần thích nghi và ổn định trong bối cảnh đại dịch, nhu cầu vận chuyển phục vụ tái thiết kinh tế cũng lắng xuống. Bên cạnh đó, Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ than và quặng lớn nhất thế giới đang giảm dần việc sử dụng nhiệt than để hạn chế lượng khí xả thải, đồng thời tập trung phát triển công nghệ thông tin và chuyển đổi số hơn là xây dựng cơ sở hạ tầng, do đó nhu cầu vận chuyển than, quặng và thép sẽ thiếu động lực để tăng trưởng.
Đối với thị trường vận tải container nội địa, năm 2022 có thể vẫn tiếp tục là một năm khó khăn khi dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp với nhiều biến chủng mới đặc biệt bùng phát mạnh tại các tỉnh thành 2 đầu Nam, Bắc. Bên cạnh đó chính sách biên mậu thất thường của Trung Quốc cũng sẽ là yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu vận chuyển nội địa.
Đối với thị trường tàu dầu sản phẩm, tốc độ tăng trưởng trong năm 2022 được dự báo ở mức thấp, dưới mức của năm 2019, do dịch Covid-19 chưa thể kiểm soát trên phạm vị toàn cầu sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại và làm giảm nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu. Bên cạnh đó, diễn biến chính trị phức tạp tại một số khu vực điểm nóng có thể tạo ra những sự thay đổi lớn đến cầu vận chuyển.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận