Ổn định lạm phát 3% tạo điều kiện duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng
Còn khá nhiều yếu tố bất lợi trên toàn cầu có thể ảnh hưởng đến mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% của Việt Nam trong năm 2021
Trong báo cáo mới nhất của mình, Ngân hàng HSBC đã đưa ra nhận định rằng lạm phát của Việt Nam năm 2021 sẽ ổn định ở mức trung bình 3%, tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng. Tuy nhiên, theo giới phân tích, vẫn không thể chủ quan bởi trước mắt còn khá nhiều yếu tố bất lợi trên toàn cầu có thể ảnh hưởng đến mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% của Việt Nam trong năm 2021.
Mặc dù có những lo ngại về rủi ro gia tăng lạm phát khi kinh tế hồi phục, nhưng theo HSBC, xu thế chính của lạm phát năm nay được dự đoán là ổn định.
NHỮNG YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN LẠM PHÁT
Trong báo báo "Vietnam at a glance - Lạm phát sẽ đi đến đâu?" vừa công bố, Khối Nghiên cứu kinh tế của Ngân hàng HSBC tập trung đánh giá về triển vọng lạm phát của Việt Nam với kỳ vọng lạm phát của Việt Nam trong năm 2021 sẽ ở mức trung bình 3%.
Trong tháng hai, lạm phát toàn phần của Việt Nam tăng 1,5% so với tháng đầu năm, là mức tăng cao nhất trong 8 năm qua. Phân tích cụ thể hơn về diễn biến giá cả, các chuyên gia HSBC cho biết trong tháng hai, giảm phát biến mất nhanh hơn so với mong đợi của thị trường. Mặc dù những ảnh hưởng của Tết đóng một vai trò quan trọng, nhưng giá điện tăng mạnh cũng được xem là một động lực chính. Sau khi được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trợ giá điện một lần vào tháng giêng, theo Tổng cục Thống kê, giá điện đã tăng 20% so với tháng trước.
Trong khi đó, giá lương thực đang tăng và chi phí vận tải cao hơn cũng góp phần đẩy chỉ số lạm phát lên cao. Mặc dù biến động giá điện có thể chỉ là sự điều chỉnh hành chính chỉ diễn ra một lần, nhưng giá thực phẩm và chi phí vận tải sẽ là những yếu tố cần được theo dõi chặt chẽ, vì đều có tỷ trọng lớn trong rổ tính chỉ số giá tiêu dùng chung, với tỷ trọng lần lượt là 34% và 10%.
Về thực phẩm, trong khi việc giá thịt heo tăng chậm là điều đáng khích lệ, giá ngũ cốc toàn cầu tăng cao đang gây ra rủi ro tăng giá. Báo cáo kỳ vọng giá thực phẩm sẽ giảm đáng kể sau khi năm ngoái đã có mức tăng 10%.
Trong lĩnh vực vận tải, giá vận tải trong nước giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái, là tác nhân kéo lạm phát toàn phần giảm mạnh trong năm 2020. Tuy nhiên, tác động giảm giá sẽ biến mất trong suốt năm 2021 và từ đó sẽ có một số áp lực tăng lạm phát từ giá vận tải (HSBC dự báo giá dầu thô Brent tăng 34% lên 56 USD/thùng vào năm 2021). Như vậy, việc giá cả vận tải tăng nhiều khả năng sẽ được giá lương thực tăng chậm hơn bù đắp, do tỷ trọng của giá vận tải trong chỉ số giá lạm phát tương đối nhỏ hơn.
Còn về yếu tố lạm phát do cầu kéo, lạm phát do nhu cầu trong nước được duy trì tương đối tốt khi Việt Nam vẫn tăng trưởng dương trong năm ngoái. Giá cả trong các nhóm hàng hóa như thiết bị gia dụng, giáo dục và quần áo tăng với tốc độ ổn định nhưng chậm hơn trong năm 2020. Mặc dù nhu cầu trong nước được kỳ vọng cải thiện vào năm 2021, nhưng thị trường lao động vẫn tiếp tục trì trệ sẽ làm hạn chế lạm phát từ phía nhu cầu. Tuy nhiên, rủi ro tăng lên đến từ chi phí chăm sóc sức khỏe.
Ngoài yếu tố cung và cầu, một yếu tố khác là tỉ giá hối đoái có ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình lạm phát, được HSBC dự đoán sẽ ổn định trong năm nay.
Dựa trên tất cả yếu tố này, HSBC kỳ vọng lạm phát của Việt Nam trong năm 2021 sẽ ở mức trung bình khoảng 3%, chủ yếu phản ánh tác động của việc điều chỉnh giá lương thực. Lạm phát vẫn có rủi ro tăng cao hơn do các yếu tố như giá thực phẩm, giá dầu và chi phí chăm sóc sức khỏe, nhưng sẽ duy trì dưới mức trần 4%.
Một khi lạm phát không còn là vấn đề đáng lo ngại, Ngân hàng Nhà nước có nhiều cơ hội để giữ chính sách tiền tệ của mình không thay đổi trong suốt năm 2021. Chúng tôi kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ vẫn giữ nguyên lãi suất tái cấp vốn ở mức 4%
Khối nghiên cứu kinh tế của Ngân hàng HSBC
Tương tự, trong báo cáo chiến lược tháng 3/2021, phòng phân tích của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng nhấn mạnh không quá quan ngại về lạm phát của Việt Nam trong năm nay. Dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng hai tăng vọt với mức tăng 1,52% so với tháng trước - mức lạm phát theo tháng cao nhất kể từ tháng 9/2012, nhưng, "chúng tôi không quan ngại về lạm phát trong nước", nhóm nghiên cứu của VDSC nhấn mạnh.
Lý giải cho nhận định này, VDSC cho rằng lạm phát tháng hai tăng mạnh chủ yếu do EVN điều chỉnh giá điện khi chương trình hỗ trợ giảm hóa đơn tiền điện của Chính phủ kết thúc vào tháng một, do giá lương thực và vận tải tăng vì nhu cầu tăng trong Tết Nguyên đán.
Theo VDSC, nếu tính theo năm CPI của Việt Nam vẫn giảm 0,1% trong 2 tháng đầu năm 2021, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4,0%. Điều đáng lưu ý là CPI lõi chỉ tăng nhẹ 0,6% trong 2 tháng đầu năm, cho thấy hiện tại chưa có áp lực giá do cầu kéo.
Ngoài ra, Chính phủ tỏ ra thận trọng với kỳ vọng lạm phát bằng cách liên tục sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu để bù đắp ảnh hưởng của giá dầu thế giới tăng cao lên giá hàng hóa trong nước. Lạm phát tăng trở lại trong những tháng tiếp theo chủ yếu là do các yếu tố như giá hàng hóa toàn cầu tăng hay hiệu ứng đến từ mức nền thấp của năm trước. Theo đó, VDSC vẫn duy trì dự báo lạm phát năm 2021 ở mức 3,5%.
GIẢM DỰ BÁO TĂNG TRƯỞNG GDP XUỐNG 7%
Sau khi phân tích về triển vọng kinh tế toàn cầu, về biến động lạm phát, HBSC đã giảm dự báo tăng trưởng GDP trong năm nay xuống.
Theo HSBC, trong đợt bùng phát dịch gần đây, nhờ vào việc thực hiện nhanh chóng một số biện pháp phong tỏa tạm thời hay cách ly xã hội nên số ca lây nhiễm trong cộng đồng của Việt Nam đã giảm đáng kể.
Tuy nhiên, tác động kinh tế tương ứng sẽ là sự sụt giảm việc di chuyển mạnh mà mức độ đó có thể so sánh với đợt bùng dịch vào tháng 7/2020. Là một thành tố trong hoạt động tiêu dùng nội địa, điều này đặc biệt sẽ gây ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi của các dịch vụ liên quan đến tiêu dùng.
Với tình hình này, chỉ số GDP quý I/2021 sẽ thấp hơn so với dự kiến. Do đó, HSBC giảm dự báo tăng trưởng hàng năm của Việt Nam từ mức 7,6% xuống còn 7%.
Tuy đưa ra nhận định lạm phát của Việt Nam không đáng lo ngại, nhưng nhóm nghiên cứu của VDSC cũng lưu ý cần quan tâm đến lạm phát toàn cầu khi mà các thị trường trên thế giới từ Mỹ và EU, từ trái phiếu đến cổ phiếu đang đưa ra tín hiệu rõ ràng về kỳ vọng lạm phát gia tăng.
"Mặc dù nhiều dự báo cho rằng, lạm phát trong năm 2021 vẫn sẽ trong tầm kiểm soát ở mức dưới 4%, tuy nhiên vẫn không thể chủ quan bởi theo đánh giá của nhiều chuyên gia, giá dầu thế giới tăng sẽ tạo áp lực cho lạm phát, nhất là trong bối cảnh Việt Nam nhập siêu xăng, dầu từ năm 2015 đến nay. Giá dầu thế giới tăng cũng có thể tác động tiêu cực đến tiêu dùng của người dân và hoạt động của doanh nghiệp trong nước. Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vận tải sẽ chịu áp lực tăng chi phí đầu vào khi giá xăng dầu tăng, từ đó có thể dẫn đến tăng giá thành sản phẩm", báo cáo phân tích của VDSC nêu.
Ban đầu, lạm phát tăng trở lại được xem là tốt vì đây có thể là dấu hiệu của phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, một khía cạnh quan trọng để đảm bảo lạm phát tốt là kiểm soát kỳ vọng lạm phát. Theo đó, các ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất để kiểm soát kỳ vọng lạm phát.
"Việc đảo ngược chính sách tiền tệ trên toàn cầu có thể gây bất ổn về tiền tệ và dòng vốn vào các thị trường mới nổi", VDSC cảnh báo, đồng thời khuyến nghị rằng "mặc dù xác suất của kịch bản này chỉ mới xuất hiện nhưng các nhà đầu tư nên chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với rủi ro này".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận