"Ôm đất” chờ dự án đường vành đai 4 Hà Nội: Nhà đầu tư "chơi dao"?
Thông tin về đường Vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội sẽ triển khai khiến nhiều nhà đầu tư sốt sắng. Dọc tuyến đường Vành đai 4 đi qua, các nhà đầu tư đã săn hàng và 'ôm sẵn đất'.
"Ôm đất" chờ quy hoạch đường vành đai 4
Thời gian gần đây, trên một số diễn đàn nhà đất đã hình thành những hội nhóm lập kế hoạch mua đất dọc tuyến đường vành đai 4 sắp được triển khai xây dựng. Nhiều nhà đầu tư nắm được thông tin sớm đã "ôm đất" ngay từ khi có thông tin liên quan đến dự án đường vành đai 4.
Theo thông tin PV Báo Dân Việt tìm hiểu, cách đây 1-2 năm, các quận, huyện tại Hà Nội có thông tin tuyến đường vành đai 4 đi qua đã tăng giá rất nhanh. Nhiều nhà đầu tư "rủ nhau" mua những lô đất có vị trí đẹp từ năm 2020 tại quận Hà Đông và các huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng,… là những nơi có dự án đường vành đai 4 đi qua.
Tại khu vực Hà Đông hiện tại, nơi đường vành đai 4 đi qua tăng đến 50% so với năm 2020, nhưng vẫn có nhiều nhà đầu tư tiếp tục "gom hàng" chờ giá đất tăng. Tại khu vực Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội) được khảo sát trong năm 2020, một lô đất trong ngõ có mức giá khoảng 700 triệu đồng/lô 30-40m2. Lô đất có ô tô đi qua có giá khoảng 1 tỷ đồng/lô 30-40m2. Nhưng đến năm 2022, nhà đầu tư phải bỏ ra khoảng 1 tỷ cho lô đất trong ngõ và gần 1,5 tỷ cho lô đất có ô tô đi qua, thậm chí có thể tăng hơn tuỳ vị trí, diện tích.
Anh Hoàng Dương, một môi giới bất động sản đã hoạt động hơn 5 năm tại khu vực quận Hà Đông, Hà Nội cho rằng mặc dù giá đất tăng lên cao như vậy so với năm 2020, 2021 nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn "săn đất" để chờ dự án đường vành đai 4 sắp được Quốc hội thông qua, thì lúc đó họ nghĩ giá lại tiếp tục tăng cao hơn.
"Tôi cùng một số người bạn đã tìm hiểu rất lâu về dự án đường vành đai 4 này để xác định đầu tư vào vị trí nào hợp lý nhất. Đến nay, một số lô đất chúng tôi đầu tư đều đã sinh lời", anh Tâm, một nhà đầu tư chia sẻ.
Bài học thực tế đầu tư đón đầu quy hoạch
Trong thực tế việc đầu tư đón đầu quy hoạch không phải là mới, đã tồn tại nhiều năm nay, nhiều người kiếm được bạc tỷ nhưng cũng không ít người phải ôm nợ.
Đơn cử như việc thay đổi hướng đường dẫn cầu Nhật Tân trước đây, khiến hàng trăm người trót ôm đất quanh khu vực này tìm cách "đẩy" đi với giá rẻ cũng không thành.
Anh Quốc Nam, một môi giới bất động sản chia sẻ rằng nếu nắm thông tin về quy hoạch mà không biết rằng khu vực nào, vị trí nào phân bổ cho mục đích gì, làm dự án hay hạng mục nào khác thì rủi ro rất lớn.
"Không phải tất cả lô đất nằm ở địa phận mà đường vành đai 4 đi qua thì chắc chắn sẽ tăng giá. Khi có quy hoạch chi tiết thì nhà đầu tư có thể gặp trường hợp mua đúng miếng đất trong diện bị thu hồi. Hoặc là mua phải vị trí đất ở xa khu vực đường vành đai 4 đi qua thì chưa chắc đã tăng giá", anh Nam chia sẻ thêm.
Từ việc liên tục xuất hiện những thông tin "kích sóng" giá đất liên quan đến các dự án hạ tầng giao thông, TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, việc "dựa hơi" hạ tầng để đẩy giá bán bất động sản chính là chiêu thức của các "đội lái" để tạo sóng thị trường.
Hạ tầng giao thông được xây dựng mới, mở rộng thực sự đem lại giá trị lớn cho bất động sản lân cận. Nhưng cần lưu ý, việc thực hiện các dự án hạ tầng này mang tính "dài hơi" và đầu tư của người có nguồn tiền nhàn rỗi. Các nhà đầu tư khi quan tâm cần phải khảo sát kỹ địa bàn, nắm rõ về quy hoạch, nguồn đầu tư, thời gian đầu tư và lựa chọn vị trí đất có tính thanh khoản", ông Đính chia sẻ thêm.
Trong phiên thảo luận về dự án đường vành đai 4 – vùng Thủ Đô vừa qua, các đại biểu Quốc hội nhận định xây dựng tuyến đường này là cần thiết, vì đây là tuyến đường có tính chất liên kết vùng quan trọng, tạo đà cho sự phát triển kinh tế của khu vực. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng nhiều vị trí khu đất xung quanh đã tăng giá mạnh, chênh lệch cả chục lần so với trước khi mở đường.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận