Ocean Group muốn xoá hơn 2.500 tỷ đồng nợ xấu khỏi BCTC
Các khoản nợ xấu này đều liên quan đến thời kỳ của lãnh đạo Ocean Group cũ, từ năm 2014 với tính pháp lý phức tạp và khó có khả năng thu hồi.
Theo đó, doanh nghiệp chia sẻ các khoản nợ phải thu khó đòi của công ty và công ty con đã tồn tại từ năm 2014 đến nay, các khoản nợ này đều liên quan đến thời kỳ của lãnh đạo cũ với tính pháp lý phức tạp, hầu hết các khoản nợ không có tài sản đảm bảo, khó có khả năng thu hồi và đã được trích lập dự phòng 100% từ khi phát sinh năm 2014 tới nay.
Các khoản nợ xấu này đều liên quan đến thời kỳ của lãnh đạo Ocean Group cũ, ông Hà Văn Thắm.
Với các khoản nợ khổng lồ mà thời kỳ ông Hà Văn Thắm làm lãnh đạo để lại, Ocean Group cũng đã thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để thu hồi các khoản nợ xấu kéo dài trong nhiều năm nhưng không hiệu quả vì không có đối tác quan tâm mua nợ.
Do đó, Ocean Group dự kiến đưa các khoản nợ xấu đã được trích lập dự phòng ra theo dõi ngoại bảng cho năm tài chính 2021 và các năm tiếp theo sẽ lấy đây làm cơ sở để OCG lập và trình bày báo cáo tài chính.
Cụ thể, công ty đưa ra theo dõi ngoại bảng trên báo cáo tài chính cho năm tài chính kết thúc 31/12/2021 đối với các khoản nợ phải thu khó đòi đã được trích lập dự phòng 100% giá trị là 2.553,2 tỷ đồng.
Trong đó, nhiều nhất là khoản phải thu về cho vay ngắn hạn với số tiền 1.154 tỷ đồng, tiếp theo là khoản phải thu ngắn hạn khác với số tiền 868,7 tỷ đồng.
Việc điều chỉnh theo dõi ngoại bảng sẽ không ảnh hưởng đến các chỉ tiêu về tổng tài sản ngắn hạn, tài sản dài hạn, tổng tài sản, vốn chủ sở hữu của công ty vì đã lập dự phòng 100% các khoản phải thu.
Các khoản công nợ được theo dõi ở tài khoản ngoại bảng trên báo cáo tài chính cũng không ảnh hưởng đến việc thu hồi công nợ và quyền lợi của công ty đối với các khoản công nợ này.
Cuối tháng 5 vừa qua, Ocean Group đã có động thái công bố bán đấu giá 7 khoản nợ xấu, tổng dư nợ trên 1.000 tỷ đồng sai khi thay đổi toàn bộ dàn lãnh đạo cấp cao của tập đoàn,
Cụ thể, Ocean Group thông báo sẽ bán 7 khoản nợ với tổng số dư nợ gốc hơn 1.072 tỷ đồng. Giá khởi điểm của cả 7 khoản nợ chỉ bằng 1/10 giá trị dư nợ gốc, tương ứng tổng giá trị khởi điểm hơn 107 tỷ đồng.
Trong danh sách khoản nợ đấu giá ghi nhận khoản nợ xấu lớn nhất là khoản hỗ trợ vốn với giá trị 380,5 tỷ đồng của Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Vneco Hà Nội phát sinh từ năm 2014.
Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Đầu tư Đại Dương Thăng Long, công ty con của Ocean Group cũng chào bán khoản nợ phải thu phát sinh với Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Sông Đà với số dư nợ gốc (chưa bao gồm các khoản lãi, phạt) hơn 640 tỷ đồng.
Tương tự Ocean Group, khoản nợ trên cũng được Đại Dương Thăng Long rao bán với giá khởi điểm 20 tỷ đồng, chỉ tương đương 3% dư nợ gốc.
Trên thị trường, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã ra quyết định đưa cổ phiếu của OGC từ diện kiểm soát sang diện hạn chế giao dịch kể từ ngày 9/6.
Lý do là OGC chậm nộp báo cáo tài chính năm 2021 (Công ty mẹ và hợp nhất) đã được kiểm toán quá 45 ngày so với thời hạn quy định, thuộc trường hợp chứng khoán bị đưa vào diện hạn chế giao dịch theo quy định.
Theo đó, cổ phiếu OGC chỉ được giao dịch phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh tập trung và thỏa thuận. Trong phiên ngày 9/6, cổ phiếu OGC chốt phiên ở vùng giá 12.300 đồng/cổ phiếu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận