menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Quỳnh Vũ

Nước Nga đâu chỉ có giếng dầu và vũ khí hạt nhân?

Xuất khẩu năng lượng và công nghiệp quốc phòng có thể là hai cấu phần quan trọng, song không phải là tất cả với tăng trưởng và phát triển của nước Nga

Phát biểu tại Văn phòng Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ tháng 7/2021, Tổng thống Joe Biden từng nói Nga không sản xuất được thứ gì ngoài giếng dầu mỏ và vũ khí hạt nhân. Vậy tuyên bố này có thực sự chính xác?

Khi dầu không còn là “đầu câu chuyện”

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, năm 2020, Nga có nền kinh tế lớn thứ 13 thế giới về GDP (1.400 tỷ USD) và giá trị xuất khẩu (431,5 tỷ USD), đồng thời đứng thứ 6 thế giới về sức mua tương đương.

Cục Thống kê Nhà nước Liên bang Nga cho biết khi nhu cầu toàn cầu giảm do đại dịch năm 2020, tỷ trọng của ngành dầu và khí đốt chỉ còn chiếm 15,2% GDP của Nga, giảm từ 19,2% năm 2019 và 21,1% năm 2018, Với Ngân hàng Thế giới, con số này thậm chí còn thấp hơn.

Dù vậy, ngành năng lượng vẫn đóng vai trò quan trọng với ngân sách liên bang của Nga và xuất khẩu. Dữ liệu doanh thu của Bộ Tài chính Nga được chia thành hai loại chính: doanh thu từ dầu khí và doanh thu phi dầu khí. Theo số liệu của cơ quan này, khoảng 28% tổng thu ngân sách năm 2020 đến từ dầu khí, giảm so với mức gần 39,3% (2019) và gần 46,4% (2018).

Số liệu của Ngân hàng Thế giới và Cơ quan Quan sát Phức hợp kinh tế (OEC) cho thấy các sản phẩm xăng dầu chiếm khoảng 52% -53% giá trị xuất khẩu Nga.

Nền kinh tế đa trụ cột

Thêm vào đó, các ngành hàng hóa và dịch vụ khác cũng đóng góp đáng kể vào kinh tế Nga.

Thứ nhất, Nga là nhà sản xuất hàng đầu về lò phản ứng hạt nhân và các dịch vụ liên quan. Theo tờ DW (Đức), tập đoàn Nhà nước về năng lượng nguyên tử Nga (Rosatom) tự hào vì “đứng đầu về số lượng dự án xây dựng lò phản ứng hạt nhân được thực hiện đồng thời” trên thế giới, với tổng số đơn đặt hàng nước ngoài trị giá hơn 138 tỷ USD tính đến 2020.

Tính đến tháng 8/2021, Hiệp hội Hạt nhân thế giới đã thống kê 38 dự án lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động trong danh mục đầu tư của Rosatom, bao gồm 11 quốc gia: 10 đang hoạt động, 11 đang xây dựng, 10 đã ký hợp đồng và 7 đang trong giai đoạn lập kế hoạch.

Nga cũng tích cực tham gia vào việc sản xuất nhiên liệu cho các lò phản ứng điện hạt nhân. Moscow chịu trách nhiệm về khoảng 43% làm giàu uranium trên toàn thế giới, cũng như 20% chuyển đổi uranium và 8% sản xuất uranium.

Thứ hai, Nga là nhà xuất khẩu vũ khí thông thường lớn thứ hai thế giới giai đoạn 2016-2020: Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), từ năm 2016-2020, Nga đã chuyển giao nhiều hợp đồng vũ khí thông thường cho 45 quốc gia chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí toàn cầu từ 2016-2020, chỉ đứng sau Mỹ.

Hai công ty sản xuất vũ khí và dịch vụ quân sự của Nga gồm nhà sản xuất hệ thống phòng không Almaz Antey và United Shipbuilding Corp nằm trong danh sách 25 công ty sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới của SIPRI, với doanh thu từ vũ khí lên tới 13,9 tỷ USD (2019).

TASS dẫn lời các quan chức Nga cho biết năm 2020, xuất khẩu vũ khí và công nghệ quân sự của Nga tăng lên hơn 15 tỷ USD, với danh mục đơn hàng xuất khẩu lên tới 50 tỷ USD.
Nước Nga đâu chỉ có giếng dầu và vũ khí hạt nhân?
Nga là một trong những nhà xuất khẩu vũ khí thông thường hàng đầu thế giới - Ảnh: Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400. (Nguồn: Izvestia)
Thứ ba, Nga là quốc gia sở hữu phương tiện duy nhất của NASA để đưa các phi hành gia Mỹ lên vũ trụ từ năm 2011 đến năm 2020. Trong thập niên qua, việc Mỹ chấm dứt chương trình Tàu con thoi (2011) khiến Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) phải dựa hoàn toàn vào tàu vũ trụ của Nga để trung chuyển phi hành gia tại Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS).

Mặc dù thử nghiệm thành công mới đây của tàu vũ trụ Space X Crew Dragon đã giúp NASA có thêm phương án để đưa phi hành gia lên ISS, song cơ quan này vẫn ký hợp đồng với Moscow để đưa một phi hành gia Mỹ lên ISS trên tàu Soyuz MS-18 của Nga vào tháng 2/2022, với chi phí ngày càng tăng và dự tính có thể lên tới 90 triệu USD cho một lần bay.

Thứ tư, Nga là nhà cung cấp các động cơ quan trọng đối với các chương trình không gian và an ninh quốc gia của Mỹ từ năm 2000 đến nay.

Năm 2000, tên lửa Atlas III được phóng lên vũ trụ từ trạm không quân Mũi Canaveral với động cơ RD-180 được thiết kế và chế tạo tại Nga đã mở ra một cột mốc quan trọng, đánh dấu lần đầu tiên một động cơ Nga cung cấp năng lượng cho một tên lửa Mỹ.

Gần 20 năm sau, vào năm 2019, CST-100 Starliner của Boeing được phóng bằng tên lửa Atlas V (thế hệ tiếp theo của Atlas III) vẫn dựa trên RD-180 của Nga làm động cơ chính.

Trong bài báo gần đây trên NASASpaceFlight.com, nguyên Phó Giám đốc NASA William Graham nhận định: “RD-180 là một động cơ cực kỳ đáng tin cậy cho dòng Atlas, cung cấp năng lượng cho tất cả 87 nhiệm vụ Atlas V cho đến nay — cũng như 6 tên lửa Atlas III trước đó — mà không có bất kỳ các dị thường ảnh hưởng đến sứ mệnh”.

RD-180 dự kiến ​​sẽ tiếp tục được sử dụng đến năm 2022 sau khi điều chỉnh cụ thể cho Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Mỹ năm 2015 được thông qua, theo đó cho phép sử dụng thêm 18 động cơ tên lửa “được thiết kế hoặc sản xuất” ở Nga, thay vì cấm chúng trên diện rộng.

Ngoài ra, Nga cũng đã đạt thành tựu công nghệ cao khác về vũ trụ: Số lượng các vụ phóng vào không gian của Nga đứng thứ ba trên thế giới vào năm 2020, với 17 lần phóng thành công và không lần nào thất bại.

Thứ năm, Nga còn là nhà xuất khẩu lúa mì, than, kim loại và đá quý lớn của thế giới: Số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy từ tháng 7/2020 đến tháng 6/2021, Nga đã xuất khẩu 38,5 triệu tấn lúa mì và các sản phẩm từ lúa mì, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới và Liên minh châu Âu (EU) nói chung.

Theo Hiệp hội Năng lượng quốc tế, Nga là nhà sản xuất than lớn thứ sáu thế giới về khối lượng, với xuất khẩu than bánh năm 2019 là 17,6 tỷ USD. Đồng thời, năm 2019, xuất khẩu kim loại, kim loại quý, đá quý và hàng hóa liên quan của Nga đạt tổng cộng 61 tỷ USD.

Theo dữ liệu khai thác do Áo tổng hợp, Nga là nhà sản xuất sắt lớn thứ 5 thế giới, nhà sản xuất nhôm, vàng và bạch kim lớn thứ hai, lớn thứ 6 về đồng, thứ 3 về nickel và là nhà sản xuất kim cương hàng đầu thế giới.

Nước Nga đâu chỉ có giếng dầu và vũ khí hạt nhân?
Động cơ RD-180 của Nga vẫn là đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động của ngành hàng không vũ trụ Mỹ. (Nguồn: AmericaSpace)

Thế mạnh khác

Ngoài ra, đóng góp lớn vào thuế của Nga đến từ các lĩnh vực bao gồm tài chính, bán lẻ, viễn thông, điện và giao thông vận tải. Theo truyền thông Nga, ngân hàng Sberbak là ví dụ điển hình khi trong cả hai năm 2016 và 2020, đây là công ty duy nhất không liên quan đến dầu khí trong số 5 công ty đóng thuế hàng đầu tại Nga.

Một ví dụ khác là ngành đường sắt Nga do nhà nước kiểm soát đóng góp lớn cho ngân khố nhà nước và nền kinh tế nói chung, khi chiếm tới 87% lượng hàng hóa vận chuyển trong nước năm 2020 (không tính dầu và khí đốt được vận chuyển bằng đường ống) theo Rostat.

Ngoài ra, theo nhà phân tích thị trường SensorTower, Nga cũng đã tạo ra một số đổi mới thành công về mặt thương mại trong các dịch vụ kỹ thuật số như hai ứng dụng đặt xe được tải xuống nhiều nhất thế giới (2020) là InDriver và Yandex Taxi.

Vì vậy, nhìn tổng thể, có thể thấy rõ ràng nền kinh tế Nga không chỉ dựa vào “giếng dầu và vũ khí hạt nhân”.

(theo Russia Matters)

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại