Nông sản ùn ứ tại cửa khẩu, tài xế đồng loạt quay đầu ngày cuối năm
Trong điều kiện Trung Quốc hạn chế nhập nông sản, các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy tập trung khai thác thị trường trong nước
Ngày 31/12, tại diễn đàn “Kết nối sản xuất, chế biến và thúc đẩy thị trường nội địa”, thông tin về tình hình ùn tắc nông sản tại các tỉnh phía Bắc, ông Nguyễn Văn Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Cửa khẩu Móng Cái cho biết, hiện hàng nông sản qua cửa khẩu còn tồn 146 xe của 20 doanh nghiệp và thủy hải sản tồn khoảng 139 xe.
Theo ông Dương, số hàng ùn ứ đang tìm đường tiêu thụ trở lại nội địa. Riêng tinh bột sắn tồn 38 xe có thể đưa vào kho bảo quản, do đây là hàng khô.
Còn ở Lạng Sơn, bà Đinh Thị Thu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lạng Sơn cho biết, tổng lượng xe ùn tắc tại các tỉnh này hiện nay vào khoảng 2.900 xe, và đang giảm dần. Nguyên nhân là do nhiều doanh nghiệp đợi quá lâu không thông quan được đã cho tài xế quay đầu về tiêu thụ nội địa, đặc biệt là sau khi chính quyền TP Bằng Tường (Trung Quốc) thông báo ngừng nhập khẩu thanh long từ 0h 29/12 - 24h 26/1/2022.
Theo bà Đinh Thị Thu, trong thời gian tới việc xuất khẩu nông sản tiếp tục sẽ gặp nhiều khó khăn khi phía Trung Quốc thông báo sẽ tạm dừng nhập khẩu hàng hóa trên container lạnh trong 28 ngày của dịp Tết Nhâm Dần, trong đó 14 ngày trước Tết và 14 ngày sau Tết.
Còn tại Lào Cai, tính đến ngày 31/12, các cửa khẩu của tỉnh không còn tồn đọng xe hàng. Tuy nhiên ở phía Trung Quốc còn tồn 1.700 xe, các doanh nghiệp cho biết đó là rau củ quả, hàng tiêu dùng.
Nhận diện lại thị trường nội địa
Việc Trung Quốc vừa thông báo dừng thông quan thanh long đang khiến nhiều địa phương rơi vào tỉnh cảnh nước sôi lửa bỏng. Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An cho biết, trước khi có thông tin Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu thanh long, hầu hết các thương lái cam kết mua thanh long của người dân với giá 22.000/kg. Nhưng hiện, các kho thanh long trên địa bàn tỉnh đã tạm dừng thu nhận hàng.
Đặc biệt, ngày 27-28/12 vừa qua, các thương lái đã biểu tình, yêu cầu các kho phải bồi thường cho lượng thanh long đã được thu mua từ phía người dân.
Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Long An, hiện nay địa phương có khoảng 10.000 ha diện tích trồng thanh long với sản lượng khoảng 20.000 tấn.
Ông Phan Văn Tuấn, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Bình Thuận cho biết sản lượng thanh long của tỉnh đến đến tháng 2/2022 là 120.000 tấn, tương đương 30% diện tích hiện có của tỉnh, tức 10.000 ha. Dự kiến thanh long sẽ cho thu hoạch vào 3 đợt trong tháng 1 năm tới, bắt đầu từ ngày 5/1. "Giá thanh long tại Bình Thuận đang rớt thảm. Tình hình rất cấp bách bởi nông dân cần tiền sắm Tết”, ông Tuấn nói.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, trong điều kiện Trung Quốc hạn chế nhập nông sản, trong đó có những trái cây chủ lực của Việt Nam như thanh long, mít, dưa hấu; các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy, nhìn nhận lại và tập trung khai thác thị trường nội địa. Đặc biệt, hiện hàng trăm ngàn tấn thanh long, mít, xoài, bưởi, dưa hấu đã đến vụ thu hoạch, các hiệp hội, doanh nghiệp, địa phương cần tăng cường kết nối để tiêu thụ.
Thứ trưởng Nam cũng lưu ý các doanh nghiệp, hiệp hội xuất khẩu cần tìm hiểu, đẩy mạnh chế biến và xuất khẩu đi các thị trường khác. Riêng tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), Bộ NN&PTNT sẽ tổ chức các buổi gặp song phương, để tạo điều kiện thông quan số nông sản ùn ứ sớm nhất.
Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ tiêu thụ
Đại diện hệ thống siêu thị Central Retail, BRG Retail cho biết sẵn sàng hỗ trợ các DN trước tiên cần phân loại các sản phẩm đang bị ùn tắc tại cửa khẩu cũng như nhà vườn, trong đó tập trung vào thanh long, dưa hấu để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng mùa tết.
Đại diện Central Retail khẳng định có thể hỗ trợ các nông sản đạt chuẩn của Việt Nam đến với hệ thống bán lẻ nước ngoài, không chỉ dừng lại ở Thái Lan mà còn ở thị trường phương Tây như Pháp, Đức, Mỹ…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận