Nóng cuộc đua công nghệ
Áp dụng công nghệ, trực tuyến hóa hoạt động đầu tư chứng khoán là xu thế tất yếu trong thời đại 4.0 và xu thế này có sự chuyển động mạnh mẽ hơn tại các công ty chứng khoán (CTCK) khi đại dịch Covid-19 xuất hiện.
Nhiều CTCK quyết liệt “chạy đua” và đặt mục tiêu phải vượt qua chính mình hơn là “chạy đua” cùng với thị trường.
Ở thời điểm hiện tại, chưa có tổ chức nào đánh giá và khẳng định CTCK nào đang đứng số 1 về công nghệ, bởi mỗi CTCK có ưu thế vượt trội riêng. Tuy nhiên, nói về thế mạnh công nghệ, nhà đầu tư thường nghĩ đến những cái tên như HSC, FPTS, VNDS, VPS...
Tại HSC, Công ty đã đưa vào ứng dụng phần mềm hỗ trợ nhà đầu tư quản lý danh mục, tư vấn và các cảnh báo sớm để giúp nhà đầu tư cân bằng danh mục theo diễn biến của thị trường. Với phần mềm này, nhà đầu tư có thể dễ dàng nắm bắt được cơ hội và kiểm soát được các rủi ro sớm hơn.
Tại VPS, sau gần 2 năm đưa vào ứng dụng sản phẩm SmartRobo đã tạo thói quen cho khách hàng, đó là khả năng tự học hỏi và giải quyết những vấn đề liên quan đến thông tin cơ bản trong hoạt động đầu tư chứng khoán.
TTCK Việt Nam sẽ sớm chứng kiến một cuộc bùng nổ các ứng dụng công nghệ trong phân tích và giao dịch chứng khoán qua Robot.
Ðó là xu thế tất yếu và sẽ có tác động không nhỏ tới thị trường. Sự biến hóa và khả năng ứng dụng công nghệ của các doanh nghiệp có thể sẽ tạo ra những sản phẩm bất ngờ cho thị trường.
Tại VNDS, bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch HÐQT chia sẻ, với xuất phát điểm là một CTCK ứng dụng công nghệ sớm trong lĩnh vực chứng khoán, cải tiến trong công nghệ được Công ty thực hiện như một trong những hoạt động cốt lõi hàng năm. Ðó là một dòng chảy không ngừng.
Không chỉ cho phép nhà đầu tư mở tài khoản chứng khoán từ xa, giao dịch trực tuyến (trading online), nhiều CTCK đã đưa Robot đầu tư chứng khoán vào áp dụng như một công cụ hỗ trợ các nhà đầu tư mọi lúc, mọi nơi.
Sự nhạy bén của các CTCK còn ở việc kết hợp công nghệ cùng xu hướng miễn phí giao dịch, giảm lãi suất vay margin đến các sản phẩm giao dịch mang bản sắc riêng của từng doanh nghiệp.
Trong cuộc đua này, một số CTCK lâu năm nếu không tự thay đổi chính mình trước thách thức lớn từ những công ty mới nổi có công nghệ hiện đại, có thể sẽ bị tụt lại phía sau.
TTCK Việt Nam đang dần hiện thực hóa mục tiêu đạt tỷ lệ 3% dân số có tài khoản chứng khoán vào năm 2020 và 5% vào năm 2025 theo Ðề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tính đến đầu tháng 6/2020, toàn thị trường đã có hơn 2,49 triệu tài khoản được mở, nghĩa là cần thêm 500.000 tài khoản mới nữa sẽ đạt được mục tiêu về số tài khoản của năm 2020.
Công nghệ chính là “thỏi nam châm” để các CTCK thu hút khách hàng và cũng chính là giải pháp cốt lõi để phục vụ được lượng khách hàng tăng mạnh một cách thông minh và hiệu quả hơn những cách phục vụ thông thường khác.
Cuộc đua về công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ tại các CTCK. Song hành với nỗ lực cải tổ nền tảng, các CTCK cũng chờ đợi nhà quản lý sớm ra mắt nền tảng công nghệ mới, thực hiện theo gói thầu với Sở GDCK Hàn Quốc, để tạo nên sự phát triển đồng bộ và gia tăng các tiện ích thị trường.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận