Nội tại tích cực nhưng còn đó “thiên nga đen”, chứng khoán kỳ vọng gì cuối năm?
VN-Index đã có nhiều lần kiểm nghiệm thất bại mốc tâm lý quan trọng 1,300 điểm, gần nhất là trong đầu tháng 10. Nhìn về giai đoạn cuối năm, các chuyên gia tỏ ra tự tin về các yếu tố nội tại của thị trường, nhưng đề cao cảnh giác với các “thiên nga đen”.
Vượt 1,300 nếu không có “thiên nga đen”
Ông Trần Đức Anh - Giám đốc Vĩ mô & Chiến lược thị trường KBSV
Nhìn về các tháng cuối năm, ông Trần Đức Anh - Giám đốc Vĩ mô & Chiến lược thị trường Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, các yếu tố trong nước vẫn đang tích cực, với áp lực tỷ giá gần đây đã trùng xuống sau 2 - 3 tuần tương đối căng thẳng, chỉ số DXY hạ nhiệt, nhu cầu mua ngoại tệ của Kho bạc hoặc các doanh nghiệp cũng đã giảm dần.
Lạm phát cũng không phải yếu tố đáng lo trong những tháng cuối năm 2024, trong bối cảnh Việt Nam có mức nền tương đối cao ở cuối năm trước, tạo điều kiện để lạm phát năm 2024 đạt mục tiêu của Chính phủ và NHNN tiếp tục các chính sách duy trì mặt bằng lãi suất thấp.
Vừa qua, tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6.8% là mức rất cao, lợi nhuận quý 3 của các Doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng 18 - 20%, đồng thời PMI tháng 10 tăng cao.
Câu chuyện lãi suất và tăng trưởng đều đang ủng hộ cho thị trường, do đó, nếu không xuất hiện các yếu tố “thiên nga đen” từ bên ngoài thì hoàn toàn có thể kỳ vọng VN-Index sẽ vượt mốc 1,300 điểm trong hai tháng cuối năm.
Các “thiên nga đen” được chuyên gia KBSV nhắc đến bao gồm diễn biến cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ và các xung đột địa chính trị.
Trong kịch bản Trump đắc cử có thể dẫn đến hai hệ lụy, bao gồm Việt Nam có rủi ro bị đưa vào tầm ngắm chiến tranh thương mại do là một trong ba nước thặng dư thương mại lớn nhất vào Mỹ (sau Trung Quốc và Mexico). Đồng thời, chính sách của Trump liên quan đến tăng thuế nhập khẩu, giảm người lao động nhập cư bất hợp pháp, tăng chi tiêu đầu tư công khiến lạm phát Mỹ tăng cao, từ đó Fed khó hạ lãi suất hơn, kéo theo rủi ro đối với tỷ giá trong nước.
Ông Phan Văn Hùng - Trưởng phòng Tư vấn đầu tư Agriseco
Cùng quan điểm về các yếu tố rủi ro từ cuộc bầu cử, ông Phan Văn Hùng - Trưởng phòng Tư vấn đầu tư Chứng khoán Agribank (Agriseco) đánh giá các chính sách của Tổng thống mới và đội ngũ của họ có thể tác động tới thị trường tài chính toàn cầu, làm ảnh hưởng tới dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp tại Việt Nam. Trong khi kịch bản bà Kamala Harris thắng cử sẽ có lợi hơn cho nền kinh tế trong nước, thì kịch bản ông Donald Trump chiến thắng sẽ có tác động ngược chiều.
Ông còn cho rằng, có hai yếu tố đóng vai trò hỗ trợ thị trường chứng khoán trong các tháng cuối năm, bao gồm chính sách tài khóa tiếp tục mở rộng để hỗ trợ doanh nghiệp, gia đình bị ảnh hưởng sau cơn bão Yagi và chính sách tiền tệ nới lỏng, tập trung chủ yếu vào tăng trưởng tín dụng, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công.
Ngoài ra, một số yếu tố quan trọng khác như tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong quý 4/2024 và triển vọng năm 2025, biến động dòng vốn ngoại.
VN-Index có nhiều tiềm năng để sớm quay trở lại xu hướng tăng, nhưng các biến số khó lường về vĩ mô quốc tế cũng như biến động dòng tiền trên thị trường chưa ghi nhận sự đồng thuận, thiếu sự dẫn dắt của các nhóm ngành thu hút thanh khoản, nên nhiều khả năng chỉ số sẽ còn đan xen các nhịp rung lắc trong quá trình đi lên.
Với góc nhìn thận trọng, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư Agriseco nhận định việc chinh phục ngưỡng cản 1,300 điểm vẫn cần thêm thời gian và thị trường cần xây nền tích lũy trước khi bước vào xu hướng tăng mạnh mẽ hơn trong năm 2025.
Lợi nhuận quý 4 dự báo tiếp tục tăng, gọi tên ba ngành triển vọng
Ông Trần Đức Anh cho biết, dù chưa đi được nửa đầu quý 4/2024 nhưng nếu nhìn từ góc độ vĩ mô có nhiều yếu tố để kỳ vọng kinh tế trong quý cuối năm sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh, nối tiếp xu hướng của quý 3. Các động lực đến từ hoạt động xuất khẩu, thu hút vốn FDI, đầu tư công, môi trường lãi suất thấp và tiêu dùng cuối năm… Điều này tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi để các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao về lợi nhuận trong quý 4, kỳ vọng 15 - 20%.
Có thể kể đến ba ngành tiêu biểu là ngân hàng, bán lẻ và công nghệ thông tin, cho không chỉ cuối năm 2024 mà cả năm 2025. Đương nhiên cần tìm ra những doanh nghiệp có thể chiếm lĩnh thị phần, có dư địa tăng trưởng lớn.
Đồng quan điểm về ba ngành tiêu biểu kể trên, ông Phan Văn Hùng nhấn mạnh thêm về yếu tố dòng tiền cũng sẽ phân hóa và tập trung vào nhóm cổ phiếu trụ, vốn hóa lớn trong bối cảnh thanh khoản thị trường chưa có nhiều cải thiện.
Về chiến lược đầu tư giai đoạn tới, khi VN-Index vẫn duy trì diễn biến giằng co với biên độ hẹp trong bối cảnh thiếu vắng các thông tin hỗ trợ, nhà đầu tư nên duy trì tâm lý thận trọng và hạn chế các giao dịch ngắn hạn, lướt sóng T+ khi xu hướng thị trường chưa được xác nhận rõ ràng.
Đối với các nhà đầu tư năng động, cổ phiếu thuộc ngành thu hút thanh khoản như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản có thể bổ sung vào danh mục đầu tư ngắn hạn.
Với điểm tích cực từ các chính sách tài khóa mở rộng và chính sách tiền tệ nới lỏng trong quý 4, VN-Index vẫn còn nhiều dư địa để tăng giá trong trung hạn.
Ở chiều chờ mua mới, nhà đầu tư tận dụng các nhịp điều chỉnh của thị trường về các vùng hỗ trợ hấp dẫn, điển hình là 1,240 +/- 5 điểm, để tích lũy cổ phiếu trong dài hạn. Nên ưu tiên các cổ phiếu của doanh nghiệp đầu ngành trong nhóm VN30, các doanh nghiệp được dự báo tăng trưởng lợi nhuận tích cực trong quý 4 và triển vọng sáng trong năm 2025.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận