Nới mạnh room tín dụng có thể thổi bùng lên cơn sốt tăng lãi suất huy động và cho vay
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, lãi suất huy động và tỷ giá 6 tháng đầu năm có tăng lên, song vẫn trong tiên lượng và tầm kiểm soát.
Giới chuyên gia cho rằng, nếu NHNN nới mạnh room tín dụng, một cơn sốt tăng lãi suất huy động sẽ được thổi bùng lên. Do đó, dù thông cảm với nỗi khổ của người dân, doanh nghiệp, song nhiều chuyên gia cũng cảnh báo, việc nới mạnh room tín dụng có thể thổi bùng lên cơn sốt tăng lãi suất huy động và cho vay.
Lãnh đạo nhiều ngân hàng cho biết, bản thân ngân hàng và doanh nghiệp rất xoay xở với room tín dụng hiện nay, song cũng thông cảm với động thái thận trọng của NHNN. Cố gắng duy trì mặt bằng lãi suất huy động và cho vay những tháng cuối năm là vô cùng khó khăn vì tín dụng toàn ngành tăng 9,91%, nhưng huy động vốn chỉ tăng 3,8%.
“Huy động vốn là vấn đề rất nóng hiện nay, nhiều tổ chức tín dụng phải tăng lãi suất huy động. Vietcombank vẫn cố gắng duy trì mặt bằng lãi suất huy động thấp để giữ lãi suất cho vay hợp lý, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp”, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban Điều hành Vietcombank nói.
Theo tính toán của Báo Đầu tư, mặc dù NHNN vừa nới room tín dụng cho một số ngân hàng thương mại, song NHNN vẫn chưa sử dụng hết room tăng trưởng tín dụng 14% của năm nay.
Theo dự báo của các chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán VCBS, tăng trưởng tín dụng năm 2022 vẫn ở mức khoảng 14% và được phân bổ theo nhiều đợt, với khả năng 2-3%/đợt. Đặc biệt, lãi suất huy động sẽ giữ mặt bằng cao như hiện nay và tiếp tục nhích nhẹ, cả năm tăng khoảng 1-1,5%.
Hiện nay, thách thức lớn nhất trong điều hành chính sách tiền tệ là áp lực lạm phát và tỷ giá. Dự kiến, cuối tháng này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất 0,75%. Một loạt ngân hàng trung ương các quốc gia khác cũng vừa tăng lãi suất để đối phó với lạm phát. Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, VND đã mất giá gần 3%.
Nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh lạm phát vẫn kiểm soát được như hiện nay, room tín dụng - nếu nới - cũng chỉ tối đa thêm 1-2% nữa, nếu không sẽ gây tác động bất lợi đến lạm phát, lãi suất. Điểm mấu chốt hiện nay là bên cạnh tín dụng, cần phải gỡ nhanh các điểm nghẽn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán, không nên dồn hết lên vai ngân hàng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận