Nỗi lo lạm phát toàn cầu, diễn viên hài và showbiz Việt
Hơn một thập niêm qua, kinh tế toàn cầu trải qua giai đoạn “bình thường mới” với việc sức cầu suy giảm, khiến cho lạm phát chưa bao giờ đạt được mục tiêu mong muốn của các ngân hàng trung ương. Ngân hàng trung ương Mỹ (Fed) chưa bao giờ tiến tới lạm phát mục tiêu 2% bất chấp các gói kích thích tiền tệ, tài khóa lớn chưa từng có trong lịch sử.
Nhưng có khả năng sắp tới kinh tế toàn cầu sẽ bước vào một “vùng lãnh thổ mới” hoàn toàn xa lạ. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 của Mỹ tăng 4,2%, mức cao nhất trong 13 năm qua.
CPI tăng cao không chỉ là hiện tượng riêng của Mỹ mà là vấn đề chung của kinh tế toàn cầu. Các nhà kinh tế đang quan sát liệu có một siêu chu kỳ giá hàng hóa mới (giá hàng hóa như thép, đồng, gỗ, xăng dầu, ngũ cốc, cafe… tăng mạnh trong thời gian dài).
Có những dấu hiệu ban đầu cho thấy có hiện tượng thắt cổ chai nguồn cung trên toàn thế giới. Trầm trọng nhất là ở Mỹ, chi tiêu dùng tăng mạnh lên đến 10% (tính theo năm) do người Mỹ bắt đầu sử dụng 2 ngàn tỷ USD tiết kiệm dư thừa (chưa tính đến các gói kích thích kinh tế các nước sắp triển khai, số tiết kiệm thặng dư của các hộ gia đình hiện xấp xỉ 5,4 ngàn tỷ USD).
Bùng nổ tiêu dùng dẫn đến 2 dạng nút cổ chai. Dạng thứ nhất liên quan đến nút cổ chai chuỗi cung ứng, khiến cho giá cả hàng hóa toàn cầu tăng cao. Dạng thứ hai là nút thắt cổ chai trên thị trường lao động.
Chi tiêu dùng có xu hướng tăng mạnh, trong khi vào tháng 4 nước Mỹ chỉ có 266.000 người nộp đơn xin việc, thay vì 1 triệu người như kỳ vọng. Điều này khiến cho các doanh nghiệp không thể mở rộng năng lực sản xuất đáp ứng nhu cầu bùng nổ hậu đại dịch.
Bùng nổ trong sức cầu gặp phải thắt cổ chai nguồn cung nghẹt thở khiến cho lạm phát tăng tốc ngay lập tức trong năm 2021 và sau đó. Đó là nhận định chung của nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu.
Trái ngược với những lo lắng trên, Fed phát tín hiệu tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất chính sách 0% và vẫn duy trì chương trình bơm tiền mua trái phiếu chính phủ thêm mỗi tháng 120 tỷ USD, ít nhất cho đến hết 2023.
Chính quyền Mỹ cũng sẽ tiếp tục các chương trình siêu kích thích kinh tế như dự định bằng các “hành động lớn”, đúng khẩu hiệu “xây dựng lại nước Mỹ tốt hơn” của chính quyền Joe Biden đã hứa hẹn với cử tri.
Giải thích cho quyết định của mình, một số quan chức cấp cao Fed dường như chơi chữ, rằng tuy chính quyền “hành động lớn” nhưng CPI tăng cao chỉ là hiện tượng “tạm thời lớn” (largely transitory), rồi sẽ tàn phai trong thời gian ngắn?
Việc các đồng tiền kỹ thuật số tăng giá “lên mặt trăng”, phần nào cho thấy lập luận của Fed thuyết phục thị trường đến đâu. Các nhà đầu tư rất bối rối. Họ đang phản ứng bằng cách chuyển một phần tiền đến các tài sản như tiền kỹ thuật số để đa dạng hóa rủi ro.
Trong khi đó, kinh tế Việt Nam chứng kiến nghịch lý. CPI tháng 4-2021 giảm 0,04% so với tháng trước. Tổng cục Thống kê lý giải cách tính CPI rất “trung thực”, tuân theo các chuẩn mực quốc tế.
Tuy nhiên, nhìn vào CPI thật khó thấy những gì đang diễn ra trong thực tế, khi mà giá cả nhiều mặt hàng như xăng dầu, vật liệu xây dựng, thức ăn chăn nuôi lại tăng rất mạnh và có khả năng còn kéo dài.
Ngoài ra, tác động tâm lý từ diễn biến lạm phát toàn cầu và những điều chỉnh chính sách (nếu) không hợp lý sắp đến, cùng với dịch bệnh diễn biến phức tạp, có khả năng tạo ra các nút cổ chai hình thành kỳ vọng lạm phát trong nước.
Các nhà hoạch định chính sách tuyên bố, kinh tế vĩ mô trong nước ổn định, chính sách tiền tệ vẫn đang được Ngân hàng Nhà nước điều hành linh hoạt bảo đảm khả năng kiểm soát lạm phát trong mục tiêu.
Vậy mà một số nghệ sĩ tên tuổi trong giới showbiz Việt thời gian qua bỗng dưng quảng bá rầm rộ cho đồng tiền kỹ thuật số như là kênh đầu tư bảo toàn vốn và siêu sinh lợi. Hiện tượng này cho thấy tác động các thông tin giá cả toàn cầu tăng cao tác động đáng kể lên tâm lý thị trường nội địa.
Một bộ phận showbiz Việt đã chứng minh chân thực cho điều mà John Oliver, diễn viên hài nổi tiếng người Mỹ, định nghĩa về đồng bitcoin như là “mọi thứ bạn không hiểu về tiền kết hợp với mọi thứ bạn không hiểu về máy tính”. Và có lẽ, kết hợp với mọi thứ đang được “diễn” từ hậu trường thông qua giới showbiz và ai nữa?
Kinh tế toàn cầu đang bước vào những vùng lãnh thổ lạ chưa từng khám phá. Việt Nam cũng chứng kiến điều lạ: tỷ lệ lạm phát thấp nhưng tại sao lại xuất hiện làn sóng đầu tư vào tiền ảo cùng tình trạng sốt nóng trong giá tài sản đất đai, chứng khoán?
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận