Nối gót các nền kinh tế mới nổi, nhiều nước giàu cũng tăng tốc gom vàng
Các ngân hàng trung ương của một số nền kinh tế tiên tiến nhận định, vàng sẽ chiếm tỷ lệ cao hơn so với đồng USD trong dự trữ ngoại hối toàn cầu.
Theo kết quả khảo sát được Hội đồng Vàng thế giới (WGC) công bố ngày 18/6, gần 60% ngân hàng trung ương của các nước giàu tin rằng tỷ lệ vàng dự trữ toàn cầu sẽ tăng trong 5 năm tới, tăng vọt so với mức 38% trong cuộc khảo sát thực hiện vào năm ngoái.
Trong năm 2025, khoảng 13% các nền kinh tế tiên tiến có kế hoạch tăng lượng vàng dự trữ, cao hơn nhiều so với 8% trong cuộc khảo sát năm 2023 và là mức cao nhất kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu được thực hiện năm 2018.
Quan điểm này được đưa ra sau khi các ngân hàng trung ương ở các thị trường mới nổi là những bên mua vàng nhiều nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Cuộc khảo sát này cho thấy tỷ lệ các ngân hàng trung ương có kế hoạch dự trữ vàng ở mức cao kỷ lục kể từ khi bắt đầu thực hiện cách đây 6 năm, đạt 29%. Trong số các ngân hàng trung ương của các nền kinh tế mới nổi tham gia khảo sát, gần 40% có kế hoạch tăng tỷ lệ dự trữ kim loại quý.
Hơn một nửa (56%) các ngân hàng trung ương của các nền kinh tế phát triển tin rằng tỷ trọng của USD trong dự trữ toàn cầu sẽ giảm (tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái), trong khi 64% người đại diện cho các thị trường mới nổi có cùng quan điểm.
Có 3 lý do hàng đầu khiến các ngân hàng trung ương trên thế giới muốn nắm giữ vàng là giá trị trong dài hạn của kim loại quý, hiệu suất trong thời kỳ khủng hoảng và vai trò của vàng như một công cụ hiệu quả giúp đa dạng hóa danh mục đầu tư.
Theo WGC, các ngân hàng trung ương đã mua thêm hơn 1.000 tấn vàng vào kho dự trữ ngoại hối trong năm 2022 và 2023. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với các loại tài sản định danh bằng USD của Nga đã thúc đẩy các định chế tài chính ngoài phương Tây đổ xô mua vàng.
Tốc độ mua vàng của các ngân hàng trung ương tiếp tục kéo dài trong những tháng đầu năm nay, qua đó đẩy giá vàng tăng lên gần 2.450 USD/ounce vào tháng trước. Mức giá này đã leo dốc tới 42% kể từ khi xung đột Israel - Hamas xảy ra vào tháng 10/2023.
Theo báo cáo khảo sát của WGC, việc đa dạng hóa dự trữ ngoái hối sang vàng diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều ngân hàng trung ương dự báo, vai trò của đồng bạc xanh với tư cách là đồng tiền dự trữ của thế giới tiếp tục suy giảm.
Nghiên cứu mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế cho thấy, trong tháng này, tỷ trọng của đồng USD trong dự trữ ngoại hối toàn cầu (không bao gồm vàng) đã giảm mạnh từ hơn 70% vào năm 2000 xuống còn khoảng 55% vào năm ngoái. WGC cho biết, nếu tính cả vàng, thì tỷ trọng của đồng USD đã giảm 50%.
Dù tỷ trọng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc trong dự trữ ngoại hối toàn cầu đã tăng lên, song việc nền kinh tế số hai thế giới giảm tốc đã khiến số ngân hàng trung ương kỳ vọng tăng dự trữ nhân dân tệ giảm từ 79% vào năm ngoái xuống còn 59% trong năm nay.
Kết quả khảo sát được công bố gần 2 tuần sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) công bố dữ liệu cho thấy nước này không tăng thêm dự trữ vàng trong tháng 5, chấm dứt chuỗi 18 tháng liên tiếp mua ròng. Tuy nhiên, các nhà phân tích của WGC lưu ý, ngay cả khi Trung Quốc dừng mua thì nhiều ngân hàng trung ương khác vẫn xem vàng là tài sản để đa dạng hóa dự trữ.
“Chúng tôi tin rằng các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ vẫn mua ròng vàng. Một số ngân hàng trung ương khác tiếp tục đẩy mạnh dự trữ vàng ngay cả khi giá kim loại quý liên tục phá kỷ lục. Dù nhu cầu vàng của khu vực ngân hàng trung ương trong năm này có thể không đạt đến mức cao như năm 2022 hoặc 2023, chúng tôi tin nhu cầu ổn định trong thời gian còn lại của năm” - nhà phân tích cấp cao Krishan Gopaul tại WGC nói trong cuộc trao đổi gần đây với Kitco News.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận