Nợ quốc gia của Mỹ cán mốc đáng ngại
Ngày 4/10, tổng nợ quốc gia của Mỹ lần đầu tiên vượt ngưỡng 31 nghìn tỷ USD, một dấu mốc đáng ngại trong bối cảnh bức tranh tài khoá dài hạn của Mỹ trở nên u ám vì lãi suất liên tục tăng.
Ngưỡng này bị phá vỡ vào thời điểm không thuận lợi, khi mức lãi suất thấp lịch sử đang được thay thế bằng các mức lãi suất mới vì Cục Dữ trữ liên bang (Fed) cố gắng chống lạm phát.
Dù tình trạng nợ chính phủ tăng cao kỷ lục để chống đại dịch COVID-19 và giảm thuế từng được cho là có thể chấp nhận được, nhưng việc tăng lãi suất khiến các khoản nợ của Mỹ trở nên đắt đỏ hơn.
Báo cáo về nợ của Bộ Tài chính Mỹ vừa đưa ra vào thời điểm kinh tế chênh vênh, khi giới đầu tư đang vừa phải tính toán giữa nguy cơ suy thoái toàn cầu và sự lạc quan rằng có thể tránh nguy cơ đó.
Ngày 4/10, chứng khoán Mỹ đóng cửa với mức tăng gần 3%, nhờ thông tin lạc quan từ báo cáo của chính phủ về thị trường việc làm. Các nhà đầu tư coi đó là dấu hiệu cho thấy Fed sẽ tăng lãi suất chậm hơn.
Lãi suất tăng có thể khiến chính phủ liên bang phải chi thêm 1 nghìn tỷ USD để trả tiền lãi trong thập kỷ này. Đó là khoản bổ sung cho khoản nợ 8,1 nghìn tỷ USD mà Chính phủ Mỹ phải trả, theo ước tính của Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) hồi tháng 5. Chi cho lãi suất sẽ vượt mức chi cho quốc phòng vào năm 2029, nếu lãi suất nợ công chỉ cần tăng 1 điểm so với ước tính của CBO cho vài năm tới.
Ngưỡng nợ 31 nghìn tỷ USD trở thành một vấn đề chính trị đối với Tổng thống Joe Biden, vì ông cam kết sẽ đưa Mỹ đi theo lộ trình tài chính bền vững hơn và giảm thâm hụt ngân sách liên bang thêm 1 nghìn tỷ USD trong 10 năm. Thâm hụt xảy ra khi chính phủ chi nhiều hơn mức thu từ thuế.
Văn phòng ngân sách liên bang ước tính các chính sách của Tổng thống Biden đã tạo thêm khoản thâm hụt 5 nghìn tỷ USD từ khi ông nhậm chức. Khoản thâm hụt đó bao gồm chương trình kích thích kinh tế trị giá 1,9 nghìn tỷ USD mang tính dấu ấn của Tổng thống Biden, nhiều sáng kiến chi tiêu đã được Quốc hội Mỹ thông qua và một kế hoạch xoá nợ cho sinh viên, dự kiến sẽ tiêu tốn gần 400 tỷ USD trong 30 năm tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận