menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Bùi Duy Anh

Những xu hướng kinh doanh, rủi ro trong năm 2024

Trí tuệ nhân tạo (AI) hiện là câu chuyện công nghệ lớn trong năm 2024, trong khi làn sóng niêm yết lên sàn chứng khoán của nhiều công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân (PE) cũng thu hút nhiều sự chú ý.

Năm 2023 đã khiến thế giới lo lắng về các công cụ chatbot thông minh, còn năm nay thế giới sẽ biết liệu trí tuệ nhân tạo đã sẵn sàng để sử dụng rộng rãi hơn hay chưa. Financial Times đã xem xét làn sóng AI cùng với các xu hướng khác có thể ảnh hưởng đến khối doanh nghiệp ra sao trong năm mới.

Những xu hướng kinh doanh, rủi ro trong năm 2024

CÔNG NGHỆ

Xu hướng cần theo dõi

Nếu câu chuyện công nghệ lớn nhất của năm 2023 là cuộc đua xây dựng các hệ thống AI có thể tạo ra văn bản và hình ảnh giống như con người, thì năm 2024 sẽ mang đến một bài kiểm tra về việc liệu nó đã sẵn sàng để áp dụng rộng rãi hay chưa.

Các công ty Internet tiêu dùng như Google đã ghép AI vào các dịch vụ miễn phí của họ. Nhưng vẫn chưa rõ liệu người tiêu dùng có sẵn sàng trả phí cao hơn cho AI hay không. Những dấu hiệu ban đầu cho thấy tốc độ tiếp nhận của doanh nghiệp sẽ chậm lại.

Những hệ thống như vậy thường tạo ra thông tin sai lệch hoặc tạo ra kết quả thất thường, và nhiều công ty chỉ đang ở giai đoạn đầu trong việc khám phá cách sử dụng AI để giúp nhân viên của họ làm việc hiệu quả hơn. Sau những hy vọng và cường điệu, việc chậm trễ áp dụng AI trong năm 2024 có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý hưng phấn của thị trường chứng khoán đối với công nghệ.

Những xu hướng kinh doanh, rủi ro trong năm 2024

Sam Altman

Rủi ro lớn nhất

Trong 13 năm kể từ khi Brussels mở cuộc điều tra đầu tiên về cáo buộc hành vi chống cạnh tranh của Google, các công ty công nghệ lớn nhất hầu như không phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt chống độc quyền ngoài việc nộp các khoản phạt tài chính “dễ thở”.

Điều đó có thể thay đổi vào năm 2024 khi một thẩm phán ở Washington chuẩn bị đưa ra phán quyết trong một vụ kiện chống lại Google, và nó có khả năng mở đường cho những thay đổi về cấu trúc hoặc cách thức hoạt động của “gã khổng lồ” này theo lệnh của toà án.

Đồng thời, EU sẽ thực hiện những bước đầu tiên trong việc thực thi Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số mới, được thiết kế để phá vỡ sự kiểm soát của những doanh nghiệp đang thống trị các mảng quan trọng của kỹ thuật số. Đối với người tiêu dùng, điều này có thể dẫn đến nhiều lựa chọn hơn trong các dịch vụ kỹ thuật số. Sau đợt tăng bứt phá của nhóm cổ phiếu công nghệ vào năm 2023, nó cũng sẽ gây ra rủi ro nghiêm trọng cho các nhà đầu tư.

Nhân vật cần theo dõi

Sau khi gây sốc vì bị sa thải và được phục chức giám đốc điều hành tại OpenAI, công ty phát triển ChatGPT, Sam Altman sẽ thậm chí còn được chú ý nhiều hơn vào năm 2024. Biến động này đã mang đến một sự căng thẳng khó chịu khi OpenAI và các đối thủ của họ chạy đua phát triển công nghệ mà bản thận họ thừa nhận cũng có thể gây ra tác hại nghiêm trọng.

Trở lại vị trí lãnh đạo sau làn sóng phản đối của nhân viên có vẻ như là sự minh oan mạnh mẽ cho Altman và đồng thời là “đèn xanh” để họ tiến về phía trước. Nhưng hội đồng quản trị mới và có kinh nghiệm hơn sẽ tìm cách thực hiện sứ mệnh đặt an toàn lên hàng đầu, và hành vi trong quá khứ của Altman đang bị hội đồng quản trị điều tra. Thử thách của ông ấy là phải nghiêm túc thể hiện cam kết về an toàn mà không bị thụt lùi trong cuộc đua AI.

Điều ngạc nhiên lớn nhất

Vị thế công ty có giá trị nhất thế giới của Apple, vị trí mà hãng đã nắm giữ gần như liên tục trong hơn một thập kỷ qua, có thể chấm dứt vào năm 2024. Nhà sản xuất iPhone dường như chậm chân trong việc sử dụng AI để nâng cao dịch vụ của mình. Trong khi đó, thiết bị mới quan trọng nhất của “táo khuyết” trong nhiều năm qua, kính Vision Pro, dự kiến chỉ bán được với số lượng nhỏ khi tung ra thị trường trong năm nay.

Ngược lại, Microsoft đang thúc đẩy làn sóng AI thế hệ mới nhờ sớm hợp tác với OpenAI. Nếu áp dụng AI có thể thúc đẩy doanh số bán phần mềm và th nền tảng điện toán đám mây Azure, Microsoft có thể tiến lên trở thành công ty dẫn đầu về vốn hóa thị trường trong ngành công nghệ. Hiện vốn hóa của Microsoft thấp hơn Apple khoảng 9%.

VỐN CỔ PHẦN TƯ NHÂN

Xu hướng cần theo dõi

Các tập đoàn đầu tư vốn cổ phần tư nhân như Blackstone từ lâu đã tung hô các quỹ đầu tư của họ như là cách có thể đánh bại thị trường đại chúng. Nhưng bản thân Blackstone là những công ty đại chúng và vẫn là trụ cột trong danh mục đầu tư của nhiều cổ đông phổ thông trên toàn thế giới. Hồi tháng 9/2023, Blackstone đã trở thành tập đoàn đầu tư vốn cổ phần tư nhân đầu tiên được đưa vào chỉ số S&P 500, và các đối thủ là Apollo Global và KKR cũng đang hy vọng làm được điều tương tự vào một ngày không xa. Sự chấp nhận của các tập đoàn cổ phần tư nhân trên thị trường đại chúng đã đẩy cổ phiếu của họ lên mức cao kỷ lục.

Triển vọng tươi sáng đó đang thu hút những công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân khác bao gồm CVC Capital, General Atlantic và L Catterton niêm yết lên sàn chứng khoán. CVC có thể sẽ là công ty đầu tiên làm điều này, và nếu việc niêm yết được đón nhận nồng nhiệt, nó có thể thúc đẩy một làn sóng IPO sau đó.

Những xu hướng kinh doanh, rủi ro trong năm 2024

Rủi ro lớn nhất

Một phần lớn tiền đổ vào ngành này là dưới dạng phí bảo hiểm từ những người tiết kiệm đang muốn tìm kiếm thu nhập khi nghỉ hưu. Phần nhỏ còn lại là nguồn tiền truyền thống đến từ những nhà đầu tư tổ chức đang tìm cách tài trợ cho các thương vụ mua lại doanh nghiệp.

Các nhà quản lý đã bắt đầu lo lắng về xu hướng này khi có những nhà đầu tư tư nhân hiểu biết như JC Flowers tham gia vào. Theo IMF, gần 10% (tương đương 850 tỷ USD) tài sản bảo hiểm nhân thọ của Mỹ được sở hữu hoặc quản lý bởi các công ty cổ phần tư nhân vào cuối năm 2021. Xu hướng thay đổi này đồng nghĩa với việc tài sản kém thanh khoản do các công ty bảo hiểm nắm giữ tăng mạnh, và IMF đã từng cảnh báo về tác động nguy hiểm có thể lây lan sang lĩnh vực tài chính rộng lớn hơn và nền kinh tế thực.

Nhân vật cần theo dõi

Harvey Schwartz, cựu Chủ tịch của Goldman Sachs, đã nắm quyền điều hành Tập đoàn Carlyle vào tháng 2/2023 và phải đối mặt với điều mà nhiều nhà giao dịch cho rằng là một nhiệm vụ hết sức khó khăn.

Ba nhà đồng sáng lập tỷ phú của Carlyle là những người tiên phong trong lĩnh vực này, nhưng với kế hoạch kế nhiệm tồi tệ, hiệu quả hoạt động ở mức trung bình và môi trường gây quỹ khó khăn đã khiến tập đoàn này rơi vào thế phòng thủ.

Kể từ khi tiếp quản, ông Schwartz đã cải thiện mối quan hệ với các nhà đầu tư tổ chức và bắt đầu cải tổ hoạt động để cải thiện tỷ suất lợi nhuận và vực dậy đà tăng trưởng. Gần đây, tập đoàn đã sa thải một số nhà thương thảo và cắt giảm chi phí. Đó là công việc mà ông Schwartz đã giỏi trong nhiều thập kỷ làm việc tại Goldman Sachs. Tuy nhiên, ông sẽ sớm phải vạch ra một chiến lược toàn diện cho Carlyle và các mục tiêu tài chính mới.

Điều ngạc nhiên lớn nhất

Giám đốc của các công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân khẳng định ngành này đang bước vào giai đoạn hợp nhất, khi những công ty nhỏ hơn bị những người chơi lớn hơn, đa dạng hơn thâu tóm.

Các tập đoàn như Apollo, Brookfield, CVC, TPG và General Atlantic gần đây đều đã đồng ý mua lại các công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân. Trong khi đó, BlackRock đang săn lùng các thương vụ mua bán và sáp nhập. Một làn sóng sáp nhập khác có thể sắp diễn ra.

Các công ty bảo hiểm như Prudential, MetLife và Allianz cũng có thể tiến sâu hơn vào thị trường này bằng cách hợp tác đầu tư với các công ty vốn cổ phần tư nhân lớn hoặc bằng cách mua lại chúng.

NĂNG LƯỢNG

Xu hướng cần theo dõi

Tổ chức OPEC+ đã dành cả năm qua để cắt giảm sản lượng nhằm đẩy giá lên. Sau khi cắt giảm 2 triệu thùng/ngày vào tháng 10/2022, tương đương 2% lượng tiêu thụ toàn cầu, Ả-rập Xê-út tiếp tục thực hiện các đợt cắt giảm liên tiếp vào năm 2023. Cho đến quý 1/2024, nhóm này sẽ cắt giảm tổng gần 6 triệu thùng/ngày.

Đồng thời, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), sản lượng dầu của Mỹ tăng mạnh đồng nghĩa với việc thị phần của OPEC+ đã giảm xuống chỉ còn 51%, mức thấp nhất kể từ khi liên minh này được thành lập vào năm 2016. Và bất chấp các đợt cắt giảm sản lượng, giá dầu vẫn đang dao động dưới 80 USD/thùng, thấp hơn mức gần 100 USD/thùng vào tháng 9 năm ngoái.

Do sản lượng từ các thành viên không thuộc OPEC+ dự kiến tiếp tục tăng trong năm tới, nên đặt ra câu hỏi là Ả-rập Xê-út và các đồng minh có thể tiếp tục nhường thị phần trong bao lâu.

Những xu hướng kinh doanh, rủi ro trong năm 2024

Rủi ro lớn nhất

Lạm phát và lãi suất cao đã đẩy chi phí cho các dự án năng lượng tái tạo trong năm 2023 tăng cao, cản trở nỗ lực chuyển đổi hệ thống năng lượng toàn cầu thoát khỏi nhiên liệu hóa thạch.

Nếu lãi suất vẫn ở mức cao, như một số nhà kinh tế dự đoán, thì 2024 có thể là một năm đáng thất vọng nữa đối với các dự án năng lượng sạch. Ngành công nghiệp gió ngoài khơi đang phải đối mặt với những thách thức đặc biệt gay gắt. Công ty đầu ngành Ørsted là một trong những công ty phải ghi giảm giá trị với danh mục đầu tư của họ trong năm 2023.

Nhân vật cần theo dõi

Giám đốc điều hành của BP, bất kể đó sẽ là ai, cũng sẽ là tâm điểm. Murray Auchincloss, Giám đốc điều hành tạm thời, đã đảm nhận vị trí này vào tháng 9 năm ngoái sau khi Bernard Looney từ chức vì từ chối tiết lộ các mối quan hệ trong quá khứ với hội đồng quản trị. Việc tìm kiếm người thay thế mất nhiều thời gian hơn dự kiến.

Ông Auchincloss, người trước đây giữ chức giám đốc tài chính, được nhà đầu tư yêu mến và được các nhân viên hiện tại cũng như cựu nhân viên ưu ái trong nội bộ. BP cũng đang xem xét việc lần đầu tiên thuê ngoài một giám đốc điều hành.

Dù là chọn ứng cử viên bên trong hay bên ngoài, thì việc này có thể xác định liệu công ty năng lượng 114 tuổi này có bám sát kế hoạch chuyển đổi xanh do ông Looney khởi xướng hay không.

Điều ngạc nhiên nhất

Ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ đã trải qua 3 tháng hợp nhất , với ExxonMobil, Chevron và Occidental đều chi hàng tỷ đôla để mua các đối thủ nhỏ hơn. Làn sóng mua lại rầm rộ đã dẫn đến những suy đoán về các vụ sáp nhập ở châu Âu và đặc biệt là liệu Shell có thể mua BP hay không. Việc hợp nhất giữa hai công ty năng lượng lớn nhất của Vương quốc Anh là điều mà Shell đã xem xét trong nhiều năm qua. Với mức giá 166 tỷ bảng Anh, vốn hóa thị trường của Shell hiện gấp đôi BP.

Tuy nhieine, giám đốc điều hành Shell, Wael Sawan, cho biết các thương vụ mua lại lớn không phải là ưu tiên hàng đầu của tập đoàn từ nay đến năm 2025, vì vậy bất kỳ động thái nào trong năm nay sẽ là một bất ngờ lớn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Mã liên quan
Giá
Biểu đồ

5,187.70

+6.96 (+0.13%)

Biểu đồ mã S&P 500
2 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại