Những nhóm ngành tiềm năng để đầu tư trong tháng 12
Khép lại tháng 11, VN-Index giảm hơn 1%, là tháng thứ hai liên tiếp thị trường giảm điểm.
Trước áp lực bán ròng mạnh mẽ của khối ngoại, cùng tâm lý thận trọng của nhà đầu tư, tháng 11 thị trường cũng giao dịch khá trầm lắng, nhiều phiên chỉ giao dịch khoảng 10.000 tỉ đồng. Theo thống kê, thanh khoản kể từ đầu tháng 11 đạt 15.652 tỉ đồng, giảm 10,5% so với tháng 10 và sụt 18,9% so với cùng kỳ, ghi nhận mức thấp nhất kể từ tháng 5/2023. Lũy kế từ đầu năm đạt gần 21.900 tỉ đồng, tăng 25% so với năm 2023.
Những phiên giao dịch cuối cùng của tháng 11, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng có những diễn biến tích cực hơn khi khối ngoại mua ròng nhẹ trở lại, tâm lý nhà đầu tư cũng cải thiện khi một vài dự án bất động sản được "gỡ khó".
Trên bình diện thế giới, nhà đầu tư đang kỳ vọng rằng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước của ông Trump sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp, đưa chứng khoán Mỹ có thể sẽ đạt đỉnh mới trước khi ông Trump nhậm chức vào ngày 20/1 tới.
“Ở thời điểm hiện tại, cả nhà đầu tư tổ chức và cá nhân trên Phố Wall đều tỏ ra không quan tâm đến việc đầu tư vào cổ phiếu bên ngoài Mỹ”, theo chiến lược gia Christopher Wood của công ty Jefferies.
Trái ngược với sự thăng hoa của chứng khoán Mỹ hậu bầu cử, các thị trường khác đang thoái lui. Báo cáo của Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho thấy sự phân hóa rõ rệt giữa tài sản của Mỹ và bên ngoài Mỹ đã trở nên rõ rệt hơn, khi nội các của chính quyền Tổng thống Trump bắt đầu hình thành, với những người sẵn sàng thực hiện các đề xuất "Nước Mỹ trên hết" được bổ nhiệm cho các vị trí chủ chốt. Điều đó đã dẫn tới nỗi sợ hãi tồi tệ nhất của các nhà đầu tư rằng các động thái tăng thuế quan, đặc biệt là đối với Trung Quốc, sẽ tiếp tục gia tăng, cùng với một loạt các chính sách có khả năng gây gián đoạn có thể đẩy lạm phát lên cao hơn và trói buộc các Ngân hàng Trung ương.
Nguồn: MBS.
Nhìn lại thị trường chứng khoán Việt Nam, sau nhịp giảm hơn 100 điểm kể từ đỉnh tháng 10 về vùng hỗ trợ tâm lý 1.200 điểm, thị trường trong nước đã tìm được vùng cân bằng và có nhiều kỳ vọng tạo đà cho nhịp phục hồi trong tháng 12.
Theo MBS, có một số tín hiệu vốn là nút thắt đối với thị trường ở tháng 10 đã dần được tháo gỡ, đang hỗ trợ nhịp phục hồi trong “nghi ngờ” hình chữ V của chỉ số VN-Index.
Đầu tiên, đối với thị trường thế giới, Chứng khoán Mỹ vẫn tiếp tục vượt trội so với phần còn lại của thế giới, nhưng đáng chú ý là chỉ số Dollar (DXY) và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã có sự điều chỉnh giảm, qua đó giảm sức ép lên tỉ giá USD/VND đối với thị trường trong nước.
Thứ hai, ở trong nước, càng về giai đoạn cuối năm, thị trường càng nhận được nhiều thông tin hỗ trợ tích cực, qua đó giúp chỉ số VN-Index phục hồi từ ngưỡng tâm lý 1.200 điểm và có nhiều cơ hội để mở rộng đà tăng.
Đơn cử như câu chuyện hạ nhiệt của tỉ giá, tín hiệu rõ nét nhất hỗ trợ thị trường từ câu chuyện tỉ giá hạ nhiệt là việc khối ngoại đã quay trở lại mua ròng 6 phiên liên tiếp sau chuỗi bán ròng kỷ lục hơn 3,3 tỉ USD trên toàn thị trường kể từ đầu năm.
Thứ hai, thanh khoản toàn thị trường có tín hiệu tạo đáy khi thanh khoản tháng 11 đang ở mức thấp nhất kể từ đầu năm.
Bên cạnh đó, thị trường cũng đón nhận một số thông tin vĩ mô tích cực từ chính sách như các luật sửa đổi, các đề xuất giảm thuế, hay những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
“Dù là nhịp phục hồi trong nghi ngờ khi thanh khoản vẫn tiếp tục giảm, nhưng khả năng chỉ số VN-Index tiếp tục mở rộng đà tăng đang được hỗ trợ từ các thông tin hỗ trợ trong nước. Thị trường có khả năng rung lắc ở vùng cản đáng chú ý 1.260 điểm trong tuần này, đây là cơ hội cho dòng tiền đến sau, cũng như là cơ hội để nhà đầu tư cơ cấu danh mục. Chúng tôi khuyến nghị cơ hội đầu tư đối với các nhóm cổ phiếu như bất động sản, bất động sản khu công nghiệp, logistics, xuất khẩu, Viettel, thép, hóa chất, chứng khoán”, MBS nhận định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường