Những người kinh doanh nhà 'nặng vía' ở Nhật
Tại Nhật Bản, những ngôi nhà nơi có người chết thường bị coi là "nặng vía", khiến việc bán hay cho thuê chúng trở nên khó khăn. Tuy nhiên, một số nhân viên bất động sản gây dựng sự nghiệp bằng việc xử lý những ngôi nhà “nặng vía” này. Một số bất động sản dạng này có thể được giảm giá đến 50%.
Lần đầu Koji Hanahara bước vào một bất động sản "nặng vía” tại Nhật Bản, đó là nơi một cụ già chết cô độc trong căn hộ của mình và thi thể của cụ chỉ được phát hiện 2 tháng sau.
Điều đó thật đáng sợ, nhưng nhắc cho Hanahara nhớ vì sao anh chọn nghề này. Là CEO của Marks - một công ty bất động sản Nhật Bản chuyên lau dọn, tu sửa và bán nhà "nặng vía", công việc của anh là đưa những nơi như thế này trở lại thị trường - bất kể lịch sử của chúng.
“Tôi nghĩ tôi nên làm điều này. Ở thời điểm đó, tôi nhận ra nhiệm vụ của tôi là giúp càng nhiều người càng tốt”, Hanahara nói với tờ Insider.
Kinh doanh dựa trên những ngôi nhà khó bán
Thuật ngữ “jik bukken” - nghĩa là bất động sản "nặng vía" hay “nhà tai nạn” - thường được dùng để mô tả các căn nhà, căn hộ có vụ tự tử, giết người hay có người chết vì nguyên nhân tự nhiên.
“Ở Nhật Bản, khoảng 30.000 người chết một mình ở nhà, 13.000 người tự tử, 2.000 vụ sát hại và chết vì hoả hoạn mỗi năm, tổng cộng khoảng 45.000 người. Không phải tất cả các bất động sản đó là nhà thuê hay mua đứt, nhưng tình hình hiện tại là có một lượng lớn nhà nặng vía”, Hanahara cho biết.
Những ngôi nhà này không chỉ khó làm sạch, mà còn gần như không thể bán.
“Ở Nhật, nhiều người có ấn tượng rằng nhà tai nạn ‘đáng sợ, có ma và bẩn', điều này khiến họ loại trừ chúng khi chọn mua bất động sản", anh cho biết.
Koji Hanahara, CEO của Marks. Ảnh: Marks
Trong khi phần lớn các nhân viên tư vấn bất động sản tránh nhắc đến những chi tiết rùng rợn, Hanahara lại làm điều ngược lại.
Sau khi làm việc lại công ty xây dựng nhà dân dụng, Hanahara mở đơn vị kinh doanh bất động sản của riêng mình, Marks, vào năm 2016. Anh chuyển sang chuyên xử lý các bất động sản "nặng vía" từ năm 2019.
Các thông tin trên trang web của công ty anh, Jobutsu Real Estate, gồm mô tả về phòng, chi tiết về cách thức và thời điểm người chủ trước qua đời. “Tự sát vào tháng 12/2018” là những lời về một căn hộ có giá 26,8 triệu yên, tương đương 194.857 USD. Một căn khác ghi “Chủ trước chết trong nhà năm 2014” có giá 21,8 triệu yên.
Giá thuê và mua rẻ hơn đáng kể
Dù mang tiếng "nặng vía", những căn nhà này có một điểm cộng lớn với người mua hay thuê: giá cả.
Hanahara ước tính các bất động sản nơi diễn ra cái chết cô độc thường có giá thấp hơn 5-10% so với mặt bằng, trong khi nhà có người tự tử sẽ giảm giá khoảng 20-30%. Giá của bất động sản có vụ sát hại có thể giảm đến 50%, anh cho biết thêm.
Trên trang web Jobutsu, một căn hộ 29 m2 dạng này ở Shinagawa-ku, Tokyo, có giá 21,8 triệu yên. Trong khi đó, căn bình thường có kích cỡ tương đương được bán với giá 27,6 triệu yên, theo dữ liệu của nền tảng bất động sản Utinokati.
Với vài gia đình trẻ, giá thuê rẻ là một điều hấp dẫn. Kasia Pawlus-Ono, một bà mẹ nội trợ người Ba Lan, chuyển đến Nhật từ Australia với chồng người Nhật và con gái vào năm 2019.
Họ sống tại một căn hộ "nặng vía" ở Hanamigawa, vùng Chiba, từ tháng 3/2019 đến tháng 5/2021. Người thuê cũ là một bà mẹ trẻ đã chết trong căn nhà, Pawlus-Ono cho biết.
“Giá thuê sau khi giảm một nửa còn khoảng 25.000 yên. Chúng tôi đã trả trước tiền thuê một năm, giá được giảm một nửa so với ban đầu vì trạng thái nặng vía của căn hộ", cô nói.
Trái lại, tiền thuê trung bình của một căn hộ tại Hanamigawa là 56.084 yên, theo Utinokati.
Một khu căn hộ ở quận Shinagawa, Tokyo. Ảnh: AFP
Pawlus-Ono cho biết: “Tôi cho rằng đây là một trải nghiệm tích cực vì hàng xóm của chúng tôi khá tốt. Họ có vẻ vui mừng khi có người chuyển vào, vì việc nó bị bỏ trống lâu như vậy thật kỳ lạ". Cô nói thêm rằng giá thuê về mức bình thường - khoảng 50.000 yên - sau một năm.
Tiền thuê có thể phục hồi theo thời gian, nhưng không đồng nghĩa các nhân viên tư vấn không cần thông báo cho người thuê tương lai về vụ việc. Theo anh Hanahara, luật về giao dịch bất động sản ở Nhật cấm môi giới không tiết lộ sự thật về những sản phẩm họ bán.
Vào tháng 10/2021, hướng dẫn mới từ Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản làm rõ các nhà môi giới phải đưa ra thông tin về những cái chết tại đó nếu là vụ việc được biết đến rộng rãi, có liên quan đến cạnh tranh không lành mạnh, hay có tác động đáng kể đến việc ra quyết định. Môi giới cũng phải tiết lộ tất cả cái chết tại bất động sản trong quá khứ, dù là nguyên nhân nào, nếu người thuê hỏi.
Scott Rothman, một giám đốc kỹ thuật người Mỹ, chuyển đến căn hộ studio "nặng vía" ở Shibuya, Tokyo, vào tháng 9/2017. Anh sống ở đó trong khoảng hơn 3 năm.
Rothman cho biết: “Tôi được miễn phí 2 tháng tiền thuê và giá thuê cũng được giảm khá nhiều”.
Người thuê trước là một cụ bà, cụ đã chết vì nguyên nhân tự nhiên trong căn hộ. Rothman nói: “Tôi cân nhắc ưu và nhược của căn hộ, rồi tôi nghĩ người ta phải chết ở đâu đó chứ, có gì khác đâu?”.
Cách tìm những căn hộ nặng vía ở Nhật
Người thuê có thể tìm thấy những bất động sản tai nạn tại Nhật trên website có tên Oshimaland.
Trang web này lập bản đồ các căn hộ, ngôi nhà đi kèm chi tiết và thời gian của vụ việc đã xảy ra ở đó. Tuy nhiên, nhà sáng lập website - Teru Oshima - cho biết đây không phải hồ sơ chính thức, vì bất cứ ai cũng có thể tạo bài đăng trên website.
“Các chủ nhà thường xem website vì mọi thứ viết trên đó có tác động tiêu cực đến giá cho thuê tài sản của họ. Họ có thể gửi email, đăng tải bình luận, gửi tin nhắn qua Twitter, Facebook hoặc bất cứ phương tiện nào đến tôi để chỉnh sửa thông tin chưa chính xác", Oshima nói.
Google Maps Street View của khu căn hộ nơi nhà Pawlus-Ono sống. Ảnh: Google Maps
Mỗi ngày, Marks nhận được khoảng 2-3 thông báo về các bất động sản tiềm năng dạng này, phần lớn là trực tiếp từ gia đình của người qua đời. Công ty cũng hợp tác với các nhà tang lễ và công ty vệ sinh đặc biệt để tìm kiếm thêm, Hanahara cho biết.
Xét về xu hướng của người thuê, anh nhận thấy nổi bật là người ở độ tuổi 20-30, mẹ đơn thân và phụ nữ độc thân sống trong các nhà "nặng vía". Dù giá rẻ hơn là một điểm hấp dẫn của những căn hộ này, ví dụ, tại Tokyo - thành phố nơi giá mua bất động sản cao thứ 4 thế giới, đó không phải là tất cả.
Hanahara cho biết: “Khi sống ở một nhà tai nạn, bạn có thể nghĩ rằng mình chọn nó vì không có tiền". Tuy nhiên, theo anh, các bất động sản này có thể có những ưu điểm khác, như gần phương tiện công cộng hay toà nhà mới.
Một số nhà môi giới bất động sản bày tỏ sự dè dặt về buôn bán các nhà "nặng vía".
Yuki Yanagita, một đại diện kinh doanh của công ty J&F Plaza chuyên hỗ trợ người nước ngoài tìm bất động sản tại Nhật, chia sẻ: “Tôi biết có lượng cầu nhất định, nhưng thực sự rất rủi ro".
Theo anh, ngoài lượng người mua nhỏ, chi phí dọn dẹp chuyên sâu ngôi nhà cũng do bên môi giới chi - khoản tiền không phải công ty nào cũng sẵn sàng bỏ ra. Người Nhật cũng thường gắn các bất động sản tai nạn với hiện tượng siêu nhiên.
Nhưng với Hanahara, mục tiêu của anh là bước vào thị trường, xử lý chính xác những gì người khác cố gắng tránh xa.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận