Những ngân hàng có tỷ trọng bán lẻ lớn sẽ sớm bộc lộ nợ xấu
Các ngân hàng có tỷ trọng bán lẻ cao sẽ sớm ghi nhận tăng nợ xấu trên báo cáo tài chính. Ngược lại, nợ xấu phát sinh từ cho vay doanh nghiệp và đầu tư trái phiếu sẽ mất nhiều thời gian hơn, phụ thuộc vào mức độ hồi phục của nền kinh tế và mức độ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Trong báo cáo chiến lược đầu tư mới đây, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam đánh giá ngành ngân hàng vẫn sẽ duy trì tăng trưởng tín dụng tích cực, dự báo đạt hơn 13%.
Nhóm phân tích cũng nhận định sự dịch chuyển dòng tiền trong nền kinh tế sang các kênh đầu tư khác chỉ ảnh hưởng đến tiền gửi trong ngắn hạn. Các hoạt động kinh tế hồi phục sẽ giúp gián tiếp thúc đẩy nhu cầu đầu tư, sử dụng vốn. Mặt khác các gói hỗ trợ kinh tế cũng được kỳ vọng hỗ trợ cho thanh khoản.
Tuy nhiên, trong năm 2022, các ngân hàng cũng sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực lạm phát. Hiện lạm phát tại Việt Nam chỉ ghi nhận mức tăng nhẹ, áp lực lạm phát dự kiến gia tăng trong thời gian sắp tới dưới tác động của việc tăng giá của các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng; thặng dư thương mại thấp, và các gói hỗ trợ kinh tế sắp tới. Việt Nam có thể điều chỉnh tăng lãi suất nếu áp lực lạm phát trở lại trong năm 2022.
NIM của các ngân hàng cũng có thể giảm nhẹ trong năm 2022 khi chịu áp lực từ việc lãi suất huy động tăng; trong khi nhu cầu huy động tăng để đáp ứng tăng trưởng tín dụng hậu Covid-19.
Song song với đó, chất lượng tài sản của các ngân hàng được dự báo sẽ có sự phân hóa lớn. Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho rằng, các ngân hàng có tỷ trọng ngân hàng bán lẻ cao như VPBank, VIB, TPBank, tỷ lệ nợ xấu sẽ sớm được phản ánh trên báo cáo tài chính.
Ngược lại, nợ xấu phát sinh từ cho vay doanh nghiệp và đầu tư trái phiếu sẽ mất nhiều thời gian hơn, phụ thuộc vào mức độ hồi phục của nền kinh tế và mức độ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Do vậy, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng sẽ tăng nhẹ trong thời gian tới. Gần đây, một số ngân hàng đã đưa ra kết quả sơ bộ với tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao đột biến, cho thấy quyết tâm gia tăng chất lượng tài sản.
Rủi ro nợ xấu tăng cao tại các ngân hàng vẫn tồn tại. Do tác động của Thông Tư 14/2021/TT-NHNN, ngân hàng được phép cơ cấu một phần dư nợ của khách hàng mà không chuyển nhóm. Vì vậy, tỷ lệ nợ được tái cơ cấu dựa trên TT14 có thể không đáng kể, nhưng một khi doanh nghiệp mất khả năng hoàn thành nghĩa vụ nợ thì nợ xấu tiềm năng từ các khoản nợ còn lại có thể khiến nợ xấu của ngân hàng tăng cao.
Về định giá, hiện các ngân hàng Việt Nam đang được giao dịch ở mức 2,3 lần giá trị sổ sách, cao hơn nhiều so với đa phần các ngân hàng trong khu vực. Tuy nhiên, Mirae Asset cho rằng, mức định giá hiện tại là hợp lý do tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của các ngân hàng Việt Nam cao hơn gấp đôi so với những ngân hàng tương đương trong khu vực. Ngoài ra, tăng trưởng lợi nhuận luôn được duy trì ở mức trên 20% cũng là một yếu tố giúp ngân hàng được hưởng mức định giá hiện tại.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận