menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Cao Vân

Những nền kinh tế thua thiệt trong trật tự thế giới mới

Các gói trợ cấp khổng lồ của Mỹ, châu Âu đang đe dọa toàn cầu hóa, khiến các nền kinh tế nhỏ hơn, ngay cả Anh hay Singapore, cũng thua thiệt, theo WSJ.

Những nền kinh tế lớn nhất thế giới đang tung ra các khoản trợ cấp khổng lồ để chạy đua chiếm lĩnh ngành công nghiệp của tương lai.

Các khoản ưu đãi thuế dành cho sản xuất pin, thiết bị năng lượng mặt trời và công nghệ xanh khác đang hút dòng vốn đổ vào Mỹ. Liên minh châu Âu cố gắng phản ứng bằng gói hỗ trợ năng lượng xanh riêng. Nhật Bản công bố kế hoạch vay 150 tỷ USD để tài trợ đầu tư vào công nghệ xanh. Tất cả đều đang nỗ lực để ít phụ thuộc vào Trung Quốc, nước dẫn đầu các lĩnh vực như pin và khoáng sản sản xuất pin.

Điều này khiến một số quốc gia nhỏ hơn, đang trên đà phát triển trong nhiều thập kỷ tự nhờ thương mại tự do gặp bất lợi. Ngay cả những nước công nghiệp như Anh và Singapore cũng thiếu quy mô để cạnh tranh về khả năng trợ cấp với các nền kinh tế lớn nhất. Các thị trường mới nổi như Indonesia, vốn hy vọng sử dụng tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế, cũng bị đe dọa trước các thay đổi.

Intel đã nhận được khoản trợ cấp 11 tỷ USD từ chính phủ Đức để xây dựng hai nhà máy bán dẫn. Thủ tướng Olaf Scholz gọi đây là khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất trong lịch sử đất nước. Khoản cam kết tài trợ này nhiều hơn đáng kể so với ngân sách hàng năm của Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore. "Để tôi nói rõ với quý vị: Chúng ta không thể chi trả (trợ cấp) cao hơn các nước lớn", Phó thủ tướng Singapore Lawrence Wong nói trong sự kiện gần đây.

Với nhiều công ty công nghệ ra đời ở Anh, triển vọng tăng trưởng lại nằm ở nơi khác. Gọi vốn hơn 200 triệu USD năm ngoái, startup về pin Nexeon sẽ xây nhà máy đầu tiên ở Hàn Quốc và sau đó có thể là tại Bắc Mỹ. "Tiếc rằng nhà máy không đặt ở Anh", Scott Brown, CEO Nexeon nói. Ông cho rằng điều này sẽ không thay đổi nếu chính phủ không hỗ trợ nhiều hơn cho ngành công nghiệp pin.

AMTE Power, một trong số ít các nhà sản xuất pin trong nước của Anh, có thể suy nghĩ lại về kế hoạch xây một nhà máy trị giá hơn 200 triệu USD ở Scotland do sự khác biệt về trợ cấp ở Mỹ và châu Âu. Startup xe điện Arrival cũng muốn tập trung sản xuất ở Mỹ thay vì Anh vì được giảm thuế.

Những nền kinh tế thua thiệt trong trật tự thế giới mới
Công trường xây dựng nhà máy sản xuất pin Panasonic EV gần DeSoto, Kansas. Ảnh: AP

Mỹ đang cung cấp 369 tỷ USD ưu đãi cho năng lượng sạch như một phần của Đạo luật Giảm lạm phát (IRA). Điều này giúp họ đón làn sóng đầu tư nước ngoài. Nhà sản xuất ôtô Đức BMW vừa động thổ một nhà máy pin mới ở Nam Carolina. Các công ty Hàn Quốc như Hyundai và LG công bố xây nhà máy pin trị giá 4,3 tỷ USD ở Georgia. Panasonic của Nhật Bản đang xây dựng nhà máy ở Kansas.

Trật tự 'phi toàn cầu hóa'

Cuộc chạy đua trợ cấp đánh dấu một bước xa rời khỏi xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế trong nhiều thập kỷ qua. Toàn cầu hóa đã đưa những nơi từng nghèo khó như Hàn Quốc và Đài Loan thành các nền kinh tế phát triển, công nghệ cao.

Người tiêu dùng phương Tây có nhiều hàng hóa giá cả phải chăng và mức sống cao hơn. Cùng với hàng hóa và nguồn vốn, tiến bộ công nghệ và giải pháp quản trị mới cũng được di chuyển tự do hơn giữa các quốc gia.

Nhưng mô hình này cũng có cái giá của nó. Các cộng đồng từng thịnh vượng ở Mỹ và Tây Âu tiêu điều khi sản xuất chuyển đến châu Á hoặc các quốc gia thuộc Liên Xô cũ. Vấn đề môi trường trở nên đáng ngại khi thế giới tiêu thụ nhiều tài nguyên thiên nhiên hơn. Một số nền kinh tế phải đối mặt với những bất ổn mỗi khi dòng vốn đổ vào rồi tháo chạy đi.

Ngược lại, theo các nhà kinh tế, việc đảo ngược toàn cầu hóa - dù là vì lý do an ninh quốc gia, cạnh tranh địa chính trị hay những lo lắng về chuỗi cung ứng - cũng dẫn đến những hệ quả. Trong đó, các nền kinh tế nhỏ đang phát triển đặc biệt chịu rủi ro. Bởi lẽ, họ cần tiếp cận thị trường toàn cầu để đạt được sự thịnh vượng nhờ thương mại quốc tế.

David Loevinger, cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ, hiện là Giám đốc các thị trường mới nổi của công ty quản lý tài sản TCW Group, cho rằng thế giới đang trở nên hướng nội hơn và quay lưng lại với thương mại, đầu tư mở. "Châu Âu, Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh trợ cấp và những người thua cuộc trong cuộc cạnh tranh đó là các nền kinh tế nghèo hơn với ít nguồn lực tài chính hơn", ông nói.

Việc phương Tây áp dụng chính sách trợ cấp công nghiệp có thể ảnh hưởng lớn đến các nước từng hy vọng tận dụng công nghệ xanh để phát triển kinh tế, ví dụ Indonesia. Nước này có tham vọng dựa vào nguồn niken dồi dào để xây dựng ngành công nghiệp pin hàng đầu thế giới.

Nhưng Mỹ từ chối trợ cấp cho pin xe điện có chứa hàm lượng lớn khoáng chất từ các quốc gia không phải là đối tác thương mại tự do của nước này. Và Indonesia nằm trong số đó. Arsjad Rasjid, người đứng đầu Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia, nói rằng nước ông có tất cả, từ tài nguyên thiên nhiên đến nguồn nhân lực. "Xin đừng đóng cửa với chúng tôi", ông nói.

Mỹ hút tiền, Anh bối rối

Là nước đi đầu trong cuộc đua trợ cấp, Mỹ đang chứng kiến bùng nổ đầu tư. Theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc, Mỹ đã nhận khoảng 22% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu vào năm ngoái, trở thành nước nhận đầu tư hàng đầu thế giới.

Con số này thấp hơn một chút so với mức 26% mà họ nhận được vào năm 2021 khi đầu tư toàn cầu phục hồi sau thời gian tạm lắng trong đại dịch. Nhưng nó vẫn cao hơn đáng kể so với mức 13% vào năm 2019. Chi tiêu cho xây dựng liên quan đến sản xuất đã tăng 76% trong tháng 5 so với cùng kỳ 2022, lên 194 tỷ USD, theo dữ liệu của Cục điều tra dân số.

"Tính kinh tế của các dự án ở Mỹ đã vượt tưởng tượng", Guy Debelle, Cựu phó thống đốc ngân hàng trung ương Australia và hiện là Giám đốc của công ty năng lượng xanh Fortescue Future Industries,thuôc nhà khai khoáng Fortescue Metals ở Tây Australia nhận xét. Công ty ông đang tìm kiếm cơ hội đầu tư và hiện xem Mỹ khả thi nhất vì chi phí phát triển dự án có thể giảm đến 60% nhờ trợ cấp.

Công suất ở các dự án sản xuất pin ở Mỹ đã tăng 67% kể từ khi IRA được công bố và hiện tương đương với quy mô của châu Âu, theo ước tính của công ty dữ liệu Benchmark Minerals Intelligence (Anh)

Những nền kinh tế thua thiệt trong trật tự thế giới mới

Phản ứng lại, Liên minh châu Âu đang chuẩn bị gói ưu đãi riêng, nới lỏng các giới hạn trợ cấp công nghiệp mà các nước thành viên có thể triển khai. Đến 2030, EU muốn 40% công nghệ then chốt cần thiết cho quá trình chuyển đổi xanh được sản xuất trong khối, bao gồm thiết bị năng lượng mặt trời, tuabin gió và pin.

Hậu Brexit, Anh còn ở trong tình thế thách thức hơn. Tại Nexeon, nguồn tài trợ eo hẹp mà họ nhận được cho thấy sự khác biệt với Mỹ. Ngoài số vốn tư nhân huy động được vào năm ngoái, Nexeon đã nhận được hai triệu bảng Anh (2,55 triệu USD) từ một quỹ công nghiệp xe điện của chính phủ Anh. Nhưng ở Mỹ, hai đối thủ của họ là Sila Nanotechnologies và Group14 Technologies, đều nhận được 100 triệu USD từ Bộ Năng lượng theo chương trình tài trợ cho ngành công nghiệp pin.

Sự thay đổi trong thương mại toàn cầu diễn ra vào thời điểm đặc biệt khó xử với Anh, khi họ đang phải vật lộn để vạch ra một lộ trình mới trong nền kinh tế toàn cầu sau khi rời Liên minh châu Âu năm 2020. Nước này không còn dễ dàng tiếp cận thị trường EU khổng lồ như trước.

Những người ủng hộ Brexit nghĩ rằng Anh có thể ký các thỏa thuận thương mại song phương với các quốc gia khác. Nhưng kể từ đó, thương mại tự do toàn cầu bị đình trệ và giờ dường như đang thụt lùi. "Khi bỏ phiếu Brexit, không ai nghĩ sẽ chứng kiến sự hồi sinh của chính sách công nghiệp ở Mỹ", Gernot Wagner, nhà kinh tế khí hậu tại Trường Kinh doanh Columbia nói.

Giờ đây, chính phủ Anh đang phải đối mặt với những lời kêu gọi từ mọi phía của nền kinh tế về việc có biện pháp đáp lại chiến lược công nghiệp mới ở các nước lớn. Ngành ôtô gần đây được quan tâm, với Jaguar Land Rover dự kiến xây dựng một nhà máy pin mới nhờ trợ cấp, dù quy mô ưu đãi kém xa Mỹ.

Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt hứa sẽ công bố các chính sách cụ thể vào mùa thu này nhưng cũng nói rằng Anh sẽ không "đối đầu trực tiếp với bạn bè và đồng minh trong cuộc đua trợ cấp toàn cầu gây nhiễu loạn". Thay vào đó, chính phủ sẽ tìm cách hướng trợ cấp vào các lĩnh vực mà Anh có lợi thế cạnh tranh rõ ràng.

Giải pháp liên minh mới

Chad Bown, Nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, từng làm việc tại Ngân hàng Thế giới, cho rằng giải pháp cho các quốc gia không thể cạnh tranh là thu hút các đối tác thương mại giàu có lại gần hơn và hưởng lợi từ các chính sách công nghiệp của họ, như Canada và Mexico đã thực hiện thông qua thỏa thuận thương mại tự do với Mỹ.

Chính phủ Indonesia đang tham gia vào "Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì Thịnh vượng" do Mỹ dẫn đầu, một hiệp ước kinh tế mà họ hy vọng sẽ cải thiện khả năng tiếp cận thị trường cho khoáng sản nước này.

Những nền kinh tế thua thiệt trong trật tự thế giới mới
Một khu phức hợp chế biến niken ở Indonesia. Ảnh: WSJ

Năm ngoái, Bộ trưởng Đầu tư Bahlil Lahadalia cho biết Indonesia sẽ tìm cách thành lập một liên minh giống như OPEC đối với niken - loại khoáng sản quan trọng trong pin mà nước này có lợi thế về trữ lượng. Ý tưởng của ông Bahlil là một tổ chức theo mô hình OPEC sẽ điều phối chung mức cung ứng niken để đảm bảo duy trì giá cao cho các nước sản xuất.

Nhưng các nhà phân tích nghi ngờ kế hoạch này, một phần vì các nhà sản xuất niken ngoài Indonesia không muốn đối đầu với các bạn hàng lớn như Mỹ và Trung Quốc. Những ý tưởng tương tự về một tổ chức gồm các nhà sản xuất lithium giống như OPEC cũng đã được các nhà lãnh đạo cánh tả ở Mỹ Latinh đưa ra, nhưng chưa được triển khai.

Indonesia và Zimbabwe đã đưa ra các hạn chế xuất khẩu đối với các khoáng sản như niken, bauxite và lithium, cùng với yêu cầu các công ty nước ngoài phải xây dựng cơ sở chế biến tại nước này như một điều kiện để xuất khẩu. Simon Evenett, Giáo sư phát triển kinh tế và thương mại quốc tế tại Đại học St. Gallen (Thụy Sĩ) xác nhận các chính sách này đang trở nên phổ biến. "Rõ ràng nó sẽ đẩy giá lên cao và làm tăng sự bất ổn", ông nhận định.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại