Những lựa chọn khó khăn
Khi bạn đứng trước ngã rẽ cuộc đời mà con đường tiếp tục đi về phía trước rất rõ ràng với cuộc sống thoải mái, sung túc và ổn định lâu dài còn con đường rẽ thì có quá nhiều yếu tố như không ổn định, nhiều nguy cơ và rủi ro, tương lai không có gì chắc chắn làm cho bạn phải thức trắng nhiều đêm.
Với nhiều người thì sẽ có suy nghĩ ‘Không ngu dại gì lại chọn con đường khó và nhiều chông gai để đi’ và nhất là những người ở tuổi về hưu như tôi.
Con đường phía trước cho một Tenured Full Professor (GS ) thì rất rõ ràng. Ở Mỹ có hai nghề đó là Thẩm phán và giáo sư đại học là không có giới hạn tuổi về hưu. Họ có thể làm việc và ăn lương cho đến khi sức khỏe họ không cho phép họ tiếp tục. Mức lương của hai nghề này thuộc vào dạng trung bình cao nên đảm bảo cuộc sống thoải mái chứ không phải dạng sang chảnh. Áp lực công việc sau 60 cho GS thì giảm nhiều so với hành trình thăng tiến từ Assistant Professor lên Full Professor. Đó là con đường phía trước nếu tôi tiếp tục với Đại học Utah.
Nhưng sau bao nhiêu trăn trở thì tôi cũng đã quyết định chọn ngã rẽ. Một ngã rẽ hứa hẹn nhiều thử thách và đường đi không hề dễ dàng. Điều gì thôi thúc tôi chọn ngã rẽ này? Như chia sẻ trong post trước tôi phải trằn trọc nhiều đêm để trả lời câu hỏi ‘Tại sao tôi chọn ngã rẽ và vì mục đích gì?’ Nếu mà nói là vì muốn có cuộc sống ổn định, sung túc và thoải mái cho tuổi già thì đây là một quyết định ngu xuẩn. Tôi đã và đang đi trên con đường đó đã 30 năm rồi mà. Lý do mà tôi chọn ngã rẽ và những giá trị mà nó có thể đem lại phải vượt qua khỏi cuộc sống cá nhân tôi thì may ra nó mới có thể cân bằng với những thứ mà tôi đang có và chấp nhận đánh đổi.
Chấp nhận đánh đổi những gì tôi đang có là điều không hề dễ dàng bạn ạ. Nhưng để hiểu được quyết định của tôi thì bạn thử đánh giá:
Một đứa trẻ bán thuốc lá ở bến xe lam chợ Gò Vấp chuyển qua đi cày thuê cuốc mướn ở Lái Thiêu rồi một ngày nó được trao cho cơ hội để được học. Sau hành trình đào tạo đầy thử thách và chông gai hơn 12 năm, nó đã trở thành một GS đại học Utah khá nổi tiếng ở Mỹ. Trong 30 năm làm GS, nó đã gầy dựng cho mình một thương hiệu cá nhân trong cộng đồng khoa học hóa tính toán quốc tế và có cuộc sống thoải mái. Nó được cơ hội đi khắp năm châu tích tụ nhiều kiến thức xã hội và vốn sống.
Đương nhiên để đứa trẻ ấy có thể làm được như vậy thì nó phải kiên trì và dùng rất nhiều nghị lực để vượt qua biết bao nhiêu thử thách trên hành trình mà nó đi qua.
Nhưng bạn có nghĩ rằng ông trời đã ưu ái và ban phước lành cho đứa trẻ đó quá không? Có biết bao nhiêu đứa trẻ ở Việt Nam không được trời cho một cơ hội để được thử thách như nó!
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận