menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
An Nhiên

Những kịch bản suy thoái Mỹ phải đối mặt

Phần lớn giới chuyên gia và CEO cho rằng Mỹ có thể bước vào suy thoái trong vài tháng tới. Câu hỏi chỉ là nó sẽ diễn ra thế nào.

Các nhà kinh tế học, CEO và cả Wall Street đều đã lên tiếng cảnh báo về triển vọng của Mỹ. Nước này đã tăng trưởng âm trong quý I. Việc Cục Dự trữ liên bang (Mỹ) Fed tiếp tục nâng lãi được cho là sẽ hãm phanh nền kinh tế và đẩy Mỹ vào suy thoái.

Phần lớn đồng ý rằng Mỹ có thể bước vào suy thoái trong vài tháng tới. Câu hỏi hiện tại chỉ là việc này sẽ diễn ra như thế nào.

Suy thoái và phục hồi diễn ra dưới rất nhiều hình thức và quy mô. Vì thế, việc dự báo khá phức tạp. "Từ Covid-19 ở châu Á, xung đột tại Ukraine đến vấn đề năng lượng, các thách thức cứ liên tiếp xảy ra", Nick Tell – CEO ngân hàng đầu tư Armory Group cho biết.

Trong đợt suy thoái được dự báo sắp xảy ra, yếu tố khác biệt là "tác động tâm lý lên lực lượng lao động do Covid và số đợt hỗ trợ khổng lồ được tung vào nền kinh tế", Tell cho biết. Trừ suy thoái thời chiến, việc thiếu hụt lao động chưa bao giờ xảy ra.

Những kịch bản suy thoái Mỹ phải đối mặt

Các mô hình suy thoái được đặt tên theo chữ cái. Ảnh: CNN

"Hãy nhìn vào số việc làm đang tuyển với số người thất nghiệp, anh sẽ thấy chúng ta rõ ràng đang ở trong tình huống chưa bao giờ xảy ra", David Lebovitz – chiến lược gia thị trường toàn cầu tại J.P. Morgan Asset Management cho biết, "Tôi chưa từng thấy việc này trong đời".

Dù vậy, "một số thành phần vẫn gợi nhớ đến các cuộc suy thoái trước", Tell cho biết. Theo giới phân tích, đây là những kịch bản cho khả năng Mỹ suy thoái.

Hình chữ U

"Tôi cho rằng chúng ta sẽ hồi phục theo hình chữ U. Đây là mô hình lâu rồi chưa xảy ra", Tell nói.

Trong mô hình này, GDP sẽ lao dốc mạnh, chật vật một thời gian ở đáy rồi mới bật lên. Thời kỳ suy thoái thường kéo dài 1-2 năm, gây ra bởi nhiều yếu tố xảy ra cùng lúc. Giai đoạn 1973 – 1975, tình trạng tăng trưởng chậm - lạm phát cao, khủng hoảng dầu mỏ và phản ứng của Fed đã khiến kinh tế Mỹ đi theo mô hình này.

Tell cho rằng kinh tế Mỹ sẽ phải chậm lại một thời gian để lực lượng lao động và tỷ lệ thất nghiệp về mốc bình thường. Quá trình này có thể kéo dài vài năm

Hình chữ V

Nếu đi theo mô hình này, GDP sẽ giảm nhanh nhưng cũng bật lại nhanh. Đây được coi là kịch bản tốt nhất khi xảy ra suy thoái. Thi thoảng, quá trình rơi xuống nhanh hơn so với bật lại, tạo thành hình như logo Nike.

Suy thoái dạng này thường dựa trên cú sốc chỉ xảy ra một lần, như 2 tháng trong năm 2020 do Covid-19.

Lebovitz hy vọng nếu có suy thoái, nó sẽ là hình chữ V và chỉ kéo dài vài quý. "Nguyên nhân là sự mất cân bằng", ông nói, "Ví dụ, trong bong bóng cổ phiếu công nghệ là sự mất cân đối về định giá, trong khủng hoảng tài chính 2008 là sự mất cân đối về nhà đất. Tuy nhiên, hiện tại, chúng tôi chưa nhận thấy có sự mất cân bằng nào lớn, có thể gây ra sụt giảm nghiêm trọng với nền kinh tế". Vì thế, Lebovitz cho rằng suy thoái sắp tới sẽ khá nhẹ nhàng.

Ông khuyên nhà đầu tư nên giữ nguyên trạng thái trong 12-18 tháng tới. "Chúng tôi không khuyến nghị bán nếu giá trị danh mục của bạn đã giảm 20%", ông nói. Nhà đầu tư nên tận dụng cơ hội này để tái cân bằng danh mục.

Hình chữ W

Đây là mô hình suy thoái 2 lần. Việc này diễn ra khi nền kinh tế rơi vào suy thoái, sau đó phục hồi và lại tiếp tục suy thoái. Quá trình này đặc biệt đau đớn với các nhà đầu tư nhảy vào thị trường khi tin rằng tình hình đang hồi phục.

Năm 1980, kinh tế Mỹ suy thoái 6 tháng, sau đó hồi phục và suy thoái tiếp 16 tháng sau. Các nhà phân tích cho rằng hiện tại, nếu Fed không đủ kiên quyết trong việc nâng lãi suất, điều này có thể tái diễn.

Hình chữ L

Suy thoái hình chữ L là điều các nhà kinh tế muốn tránh bằng mọi giá. Trong mô hình này, tăng trưởng sẽ giảm suốt thời gian dài. Điều này đồng nghĩa lượng lớn lao động sẽ thất nghiệp khá lâu và nhà xưởng công ty cũng phải nằm im.

Các nhà kinh tế học cho rằng Đại suy thoái thập niên 30 và Khủng hoảng tài chính 2008 đều theo hình chữ L. Mỹ đã mất 6 năm mới quay lại mốc GDP của năm 2007.

Hình chữ K

Trong mô hình chữ K, tốc độ hồi phục của các thành phần trong nền kinh tế là khác nhau. Một số bật lại nhanh, nhưng số khác lại rất chậm. Những thay đổi này phụ thuộc vào ngành công nghiệp, vị trí địa lý, quy mô tài sản. Chúng trở nên trầm trọng hơn bởi bất bình đẳng thu nhập.

Dù suy thoái năm 2020 được coi là hình chữ V, nhiều nhà kinh tế học chỉ ra nó thực chất là chữ K. Nhóm làm việc văn phòng hồi phục tài sản nhanh hơn, nhờ các chính sách kích thích của chính phủ, thị trường chứng khoán tăng điểm và giá nhà tăng trở lại.

Trong khi đó, nhóm không có tiền tiết kiệm và nhóm làm trong lĩnh vực dịch vụ vẫn chịu thiệt hại. Theo số liệu thống kê năm 2020 và 2021, nhóm lao động nhận lương thấp nhất cũng có khả năng mất việc cao nhất trong mọi lĩnh vực.

Hà Thu (theo CNN)
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại