Những kịch bản nào xảy ra với thị trường BĐS năm 2022?
Nhiều chuyên gia và Bộ Xây dựng cho rằng, thị trường bất động sản (BĐS) năm 2022 với nhiều điểm sáng và vẫn có khả năng hiện tượng sốt đất xẩy ra tại nhiều nơi.
Ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam, xét kịch bản lạc quan nhất là các hoạt động kinh tế được khôi phục hoàn thì các phân khúc cũng sẽ hồi phục với tốc độ không giống nhau. BĐS công nghiệp, nhà ở và văn phòng sẽ có nhiều ưu thế để lấy lại và tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ ngay trong năm tới, trong khi đó, BĐS nghỉ dưỡng cần thêm thời gian và có quan hệ chặt chẽ với đà hồi phục của ngành du lịch – có khi cần đến 2 hoặc 3 năm để đạt mức tăng trưởng như giai đoạn trước đại dịch.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, công nghệ sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn trong lĩnh vực bất động sản, nổi bật là việc các chủ đầu tư ứng dụng các giải pháp thông minh cho các khu căn hộ để gia tăng trải nghiệm sống cho cư dân. Một số chủ đầu tư cũng đã bắt đầu xây dựng các sàn giao dịch trực tuyến để giúp các giao dịch diễn ra nhanh chóng và thuận tiện hơn. Quá trình "số hóa" cũng sẽ giúp các cơ quan chức năng dần có các biện pháp quản lý thị trường hữu hiệu hơn, chẳng hạn như ngăn chặn hiện tượng "sốt đất" trên diện rộng.
Theo đại diện đơn vị này, trong năm 2022, nhiều khả năng BĐS công nghiệp sẽ tiếp tục tỏa sáng. Sự chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc cũng như một loạt Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) được ký kết đã làm gia tăng nhu cầu về đất công nghiệp trên cả nước. Bên cạnh đó, các dịch vụ nhà xưởng, kho bãi, với đà tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử, mảng dịch vụ logistics cũng hứa hẹn tiềm năng lớn.
Tại báo cáo của Bộ Xây dựng về thị trường BĐS năm 2021, Bộ Xây dựng vẫn lo ngại hiện tượng "sốt giá" bất động sản trong năm 2022. "Đặc biệt, khi Nhà nước sử dụng các giải pháp kích cầu, hỗ trợ phục hồi kinh tế sau giai đoạn giảm phát cũng có thể tác động làm thị trường bất động sản phát triển nóng nếu không được kiểm soát tốt (kinh nghiệm cho thấy từ gói kích thích kinh tế năm 2008 - 2009)", Bộ Xây dựng nhận định.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng - cũng đã đề cập tới giải pháp để hạn chế tác động tiêu cực khi nhiều "cò đất", môi giới vẫn vin vào cái cớ về gói phục hồi với lượng tiền bơm ra để đồn thổi về nguy cơ lạm phát, rồi thị trường bất động sản sẽ tăng giá để kích thích người mua.
Cụ thể theo ông Khởi, một trong những giải pháp để hạn chế vấn đề này là cung cấp thông tin về dự án, đẩy mạnh cung cấp thông tin về quy hoạch, đảm bảo cho người dân, khách hàng tiếp cận được thông tin chính xác, biết được chỗ nào làm đúng, chỗ nào có cơ sở pháp lý, chỗ nào làm sai...
Bộ Xây dựng đang trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 117 về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản. Trong đó có những quy định cho các địa phương cung cấp thông tin để làm sao liên thông từ địa phương lên Bộ, từ đó có những cung cấp thông tin kịp thời hơn, chính xác hơn.
"Quan trọng nhất là thông tin phải nhanh chóng. Trong đó tối thiểu có những thông tin về quy hoạch dự án, dự án đủ điều kiện được bán. Cùng với đó sẽ có những quy định quản lý chặt chẽ hơn các nhà môi giới", ông Khởi nói. Tình trạng sốt đất có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc môi giới kích giá, đẩy giá để làm "nóng" thị trường. Bộ Xây dựng đã có nhiều văn bản gửi các địa phương. Từ đó đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra giám sát xử lý. Để các nhà môi giới không lợi dụng làm nóng thị trường lên thì phải công khai thông tin một cách kịp thời.
Theo ông Khởi, Bộ Xây dựng đang trình sửa Nghị định 139, tới đây ban hành, sẽ tăng mức nặng xử lý môi giới vi phạm. Trong dài hạn, sẽ đề xuất sửa đổi Luật Nhà ở, trong đó có giải pháp quản lý chặt môi giới, ví dụ như đào tạo quản lý môi giới, sát hạch thi cử, quản lý hoạt động ngành nghề.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận