Những góc khuất cần nhìn nhận sau đề xuất thương nhân phân phối được mua bán xăng dầu lẫn nhau
Mua bán lòng vòng gây đội chi phí, thu lợi bất chính, vi phạm pháp luật nghiêm trọng…Những góc khuất này của kinh doanh xăng dầu cần được nhìn nhận, xử lý.
Thực tế không tăng nguồn cung, chỉ mua bán lòng vòng lẫn nhau
Dự thảo Nghị định thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu được Bộ Công Thương xây dựng và trình Chính phủ ban hành quy định thương nhân phân phối xăng dầu không được mua bán xăng dầu lẫn nhau.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp phân phối xăng dầu lại kiến nghị về việc cần được mua bán xăng dầu lẫn nhau và có thông tin chưa đầy đủ, toàn diện tới các cơ quan truyền thông. Bên cạnh đó, thời gian qua, một vài cơ quan báo chí cũng đăng tải những thông tin chưa hoàn toàn khách quan, toàn diện, thậm chí có thông tin thiếu chính xác, cho rằng Bộ Công Thương đang hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.
Để có cái nhìn bao quát về vấn đề này, Báo Công Thương ghi nhận ý kiến của chuyên gia, cơ quan quản lý để làm rõ thêm một số vấn đề.
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu đang được Bộ Công Thương trình Chính phủ (Ảnh: VGP)
Trước tiên, để làm rõ quy định này, cần phân tích nguồn xăng dầu đang sử dụng trong nước đến từ đâu? Theo đó, nguồn cung xăng dầu trong nước đến từ nguồn sản xuất của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn và nguồn nhập khẩu.
Bà Nguyễn Thuý Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương cho biết, bên cạnh nguồn xăng dầu sản xuất trong nước, tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 được Bộ Công Thương phân giao cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu (36 thương nhân) thực hiện tổng cộng là 28.437.856 m3/tấn xăng dầu các loại.
Theo báo cáo của 2 nhà máy và Tổng cục Hải quan, tổng nguồn sản xuất và nhập khẩu xăng dầu 8 tháng năm 2024 đạt khoảng 19,6 triệu m3/tấn xăng dầu các loại (nhập khẩu chiếm 42%, sản xuất trong nước chiếm 58%).
Còn theo báo cáo từ các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, tổng nguồn nhập khẩu và mua trong nước thực hiện 8 tháng đầu năm 2024 đạt 18,16 triệu m3/tấn xăng dầu các loại, bằng 63,7% tổng nguồn tối thiểu Bộ Công Thương phân giao, bằng với 8 tháng đầu năm 2023 (8 tháng đầu năm 2023 đạt 18,17 triệu m3/tấn xăng dầu các loại).
Tiêu thụ 8 tháng đầu năm 2024 khoảng 18 triệu m3 tấn (bình quân tiêu thụ khoảng 2,25 triệu m3/tấn/tháng xăng dầu các loại), tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023. Dự kiến, nguồn cung xăng dầu được phân giao cho doanh nghiệp và nguồn sản xuất trong nước sẽ đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong cả năm 2024.
Như vậy, về xuất xứ, nguồn xăng dầu của các thương nhân phân phối ở đâu? Họ mua từ của các thương nhân đầu mối và nhà sản xuất. Còn bản thân thương nhân phân phối không tự tạo ra một nguồn nào, ở đâu cả. Như vậy, khi thương nhân phân phối mua hàng từ thương nhân đầu mối, rồi bán lại cho các thương nhân phân phối khác sẽ tạo thêm một khâu trung gian, gây đội chi phí.
Bài học từ sự cố thiếu xăng dầu năm 2022 cho thấy việc mua bán lòng vòng là nguyên nhân khiến chiết khấu tại các khâu bán lẻ thấp và không khuyến khích bán lẻ ra thị trường, khiến hàng loạt cây xăng đóng cửa, người dân rơi vào tình trạng “dở khóc dở cười” khi có tiền cũng không mua được xăng.
Đồng thời, việc này cũng khẳng định rằng quan điểm thương nhân phân phối đưa ra khi mong muốn được mua bán hàng hoá lẫn nhau với lý do “có nguồn hàng với giá cả cạnh tranh” như phát biểu trên một số cơ quan báo chí thời gian vừa qua là không logic.
Thời gian qua, qua các kết luận của thanh tra và cơ quan điều tra, còn có tình trạng các thương nhân khi mua bán lẫn nhau để phục vụ mục đích kinh doanh tài chính của doanh nghiệp, tạo doanh thu cho thương nhân phân phối xăng dầu để chứng minh tài chính khi vay vốn ngân hàng, không đảm bảo đúng mục tiêu kinh doanh xăng dầu phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Gây đội chi phí, thu lợi bất chính, cơ quan pháp luật yêu cầu có giải pháp quản lý
Đáng chú ý, thời gian vừa qua, việc mua bán xăng dầu lẫn nhau của các thương nhân phân phối còn gây ra những sai phạm đã được ghi rõ trong kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Theo Thông báo kết luận số 15/TB-TTCP ngày 4/1/2024 của Thanh tra Chính phủ thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu, việc mua bán xăng dầu lòng vòng lẫn nhau là một trong những nguyên nhân khiến thị trường xăng dầu tồn tại nhiều bất ổn.
Cụ thể, kết luận thanh tra chỉ rõ, quy định quyền được mua/bán xăng dầu giữa thương nhân đầu mối với thương nhân đầu mối khác; giữa các thương nhân phân phối xăng dầu với nhau đã dẫn đến nhiều hành vi mua bán xăng dầu trái quy định, hệ thống kinh doanh xăng dầu bị phá vỡ.
Theo kết luận thanh tra, nghĩa vụ, trách nhiệm của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu là thực hiện tổng nguồn cung xăng dầu do Bộ Công Thương phân giao hàng năm và bình ổn thị trường khi cần thiết, nhưng khi mua bán xăng dầu của nhau thì thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã trở thành các thương nhân phân phối, có cơ hội để mua bán thông qua trung gian làm tăng chi phí lưu thông (Công ty CP Đầu tư Nam Phúc làm trung gian mua bán xăng dầu để hưởng chênh lệch giá số tiền là 2.096 triệu đồng).
Khi thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu mua bán xăng dầu với nhau; thương nhân phân phối xăng dầu mua bán xăng dầu với nhau đã tạo ra tầng nấc trung gian để hưởng chiết khấu, chênh lệch giá, tăng chi phí lưu thông, dẫn đến một phần tiền chiết khấu, chênh lệch giá thuộc về các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Cụ thể, trong 5 năm (từ năm 2017 đến năm 2022), một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu hưởng tiền chiết khấu/chênh lệch giá khoảng 9.770.751 triệu đồng; 01 thương nhân phân phối, việc mua bán xăng dầu hưởng số tiền chiết khấu là 75.198 triệu đồng; phần còn lại cho các đơn vị khác tham gia thị trường. Từ đó, chiết khấu của các đại lý, cửa hàng bán lẻ… bị giảm, thậm chí không còn tiền chiết khấu như thời gian vừa qua. Đây là một trong những nguyên nhân đại lý, cửa hàng bán lẻ bị lỗ, dừng bán, gây gián đoạn nguồn cung cho thị trường, ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng, an ninh năng lượng, phát triển kinh tế.
Về việc thực hiện kinh doanh xăng dầu của thương nhân đầu mối, từ năm 2017 đến tháng 9/2022, một số thương nhân phân phối xăng dầu bán xăng dầu cho một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu sai quy định, với khối lượng 828.963 m3 để hưởng tiền chiết khấu/chênh lệch giá bất hợp pháp với số tiền khoảng 950.000 triệu đồng, ảnh hưởng đến chiết khấu cho các đại lý, cửa hàng bán lẻ… Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã không tạo nguồn xăng dầu theo nghĩa vụ và trách nhiệm theo quy định, ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu và đáp ứng yêu cầu của thị trường. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến gián đoạn nguồn cung xăng dầu.
Cơn khủng hoảng xăng dầu năm 2022 vẫn còn là bài học nhãn tiền, gây ám ảnh với người tiêu dùng Việt. Các cơ quan chức năng vẫn đang nỗ lực để xây dựng một văn bản mới về kinh doanh xăng dầu sao cho hài hoà nhất. Với bất cứ một quy định nào đưa ra thì mục tiêu cao nhất vẫn là đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho nhu cầu sử dụng trong nước, tránh tối đa các "cơn khủng hoảng" xăng dầu như đã xảy ra năm 2022.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận