menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Minh Nhật

Những doanh nghiệp sẽ thay tên, đổi họ sau mùa đại hội

Có nhiều lý do để doanh nghiệp thay đổi tên, nhưng tựu trung đều muốn tăng độ nhận diện, đại diện cho giai đoạn phát triển mới. Có doanh nghiệp thành công hơn nhưng cũng có đơn vị chưa thể thoát khỏi vận xui sau khi thay tên đổi họ.

Mùa ĐHĐCĐ thường niên 2023 đang dần đi đến cao điểm, nhiều doanh nghiệp dự kiến trình phương án đổi tên để thống nhất thương hiệu, phù hợp hơn với định hướng phát triển tương lai, hay do thay đổi cấu trúc thượng tầng, đổi chủ…

Sau 16 năm hoạt động trên thị trường chứng khoán, CTCP Chứng khoán Bản Việt (HOSE: VCI) được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như VCSC, Viet Capital Securities, VCI, Chứng khoán Bản Việt. Ban lãnh đạo cho rằng việc này làm pha loãng sức mạnh thương hiệu của Công ty và cần nhanh chóng đồng nhất bộ nhận diện thương hiệu. Mặt khác, tên gọi Chứng khoán Bản Việt có thể làm cho khách hàng nhầm lẫn với một số tổ chức trong nước khác có tên tương tự. Do vậy, kỳ họp ĐHĐCĐ năm nay đã thống nhất đổi tên thành CTCP Chứng khoán Vietcap, tên viết tắt đổi từ VCSC thành Vietcap.

HĐQT cho rằng Vietcap là cái tên ngắn gọn, độc đáo và đã được nhà đầu tư (đặc biệt là các nhà đầu tư tổ chức) trên thị trường tài chính trong và ngoài nước biết đến. Đồng thời, xét về mặt ngôn ngữ, từ Vietcap ngắn gọn, súc tích, dễ nhớ và có phát âm giống nhau trong cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt.

Lãnh đạo doanh nghiệp kỳ vọng tên mới sẽ gia tăng mức độ nhận diện thương hiệu cũng như nâng cao sức mạnh thương hiệu, giúp bộ nhận diện thương hiệu của Công ty thay đổi theo hướng hiện đại và đơn giản hơn.

Những doanh nghiệp sẽ thay tên, đổi họ sau mùa đại hội
Nhận diện thương hiệu mới của VCI được công bố tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 - Ảnh: Chí Kiên.

Một đơn vị chứng khoán khác cũng muốn đổi tên trong kỳ đại hội tới đây là CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (HOSE: BSI). Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2023, HĐQT cho rằng tên giao dịch tiếng Việt hiện tại của Công ty chưa gắn đúng với tên đầy đủ của Ngân hàng mẹ là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và chưa chính xác với tên tiếng Anh. Đồng thời, tên gọi tiếng Việt hiện khá dài, gây khó khăn cho khách hàng trong việc ghi nhớ, không thuận lợi trong công tác thiết kế bảng hiệu.

Bởi vậy, HĐQT trình cổ đông thay tên Công ty thành CTCP Chứng khoán BIDV và tên viết tắt là BSC. Việc điều chỉnh này sẽ có các ưu điểm như gắn trực tiếp tên giao dịch của BSC với thương hiệu BIDV, thống nhất giữa tên gọi tiếng Việt và tiếng Anh của Công ty và giúp khách hàng dễ nhớ tên thương hiệu do ngắn gọn hơn…

Trong khi đó, với CTCP Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase, HOSE: BWE), mục tiêu thay đổi tên là để đáp ứng nhu cầu mở rộng quy mô hoạt động và phù hợp với sự tăng trưởng của Công ty thời gian tới. Khi còn 100% vốn Nhà nước, Biwase có tên gọi Công ty TNHH MTV Cấp thoát Nước - Môi trường Bình Dương, sau cổ phần hóa chuyển sang hình thức CTCP. Hiện nay, ban lãnh đạo muốn đổi tên thành CTCP - Tổng Công ty Nước - Môi trường Bình Dương.

Từ năm ngoái đến năm nay, Biwase là cái tên nổi bật trong ngành nước với việc liên tục mua các doanh nghiệp cùng ngành để mở rộng địa bàn kinh doanh. Năm trước, Công ty vươn tay xuống Cần Thơ khi mua cổ phần của CTCP Cấp thoát Nước Cần Thơ (UPCoM: CTW) và CTCP Cấp nước Cần Thơ 2. Năm 2023, Biwase sẽ tiến đến Long An và Quảng Bình bằng cách mua cổ phần 5 công ty hoạt động trong lĩnh vực nước và vệ sinh môi trường với tỷ lệ sở hữu 50 - 100% gồm: CTCP Đầu tư Hạ tầng Nước DNP Long An, CTCP Công trình Đô thị Châu Thành, CTCP Công trình Đô thị Cần Giuộc, CTCP Nước và Môi trường Bằng Tâm và CTCP Đầu tư Hạ tầng nước DNP Quảng Bình.

Cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường mới đây của Louis Capital (HOSE: TGG) đã thông qua việc đổi tên thành CTCP The Golden Group. Đây là lần thứ hai Công ty đổi tên trong vòng ba năm. Doanh nghiệp có tên ban đầu CTCP Xây dựng và Đầu tư Trường Giang thành lập năm 2012. Vào năm 2021, Công ty đổi tên thành Louis Capital khi có sự thay đổi lớn trong cấu trúc thượng tầng, trở thành thành viên của nhóm Louis Hodings và chuyển hướng hoạt động kinh doanh thành công ty đầu tư. Sau sự vụ ông Đỗ Thành Nhân - cựu Chủ tịch Louis Holdings - bị bắt, doanh nghiệp lại có biến động lớn, Louis Holdings rút vốn, nhân sự cao cấp thay đổi.

Do vậy, ban lãnh đạo mới muốn đổi tên nhằm tạo thuận lợi cho quá trình kết nối đối tác, khách hàng khi giao dịch và kinh doanh theo định hướng trong giai đoạn mới, thuận lợi tìm kiếm cơ hội đầu tư và mở rộng thị trường.

Trải qua gần nửa thế kỳ hình thành và phát triển, nay CTCP Bóng đèn Điện Quang (HOSE: DQC) muốn phát triển theo mô hình tập đoàn với 5 ngành hàng gồm chiếu sáng, thiết bị thông minh, năng lượng mặt trời, gia dụng và thiết bị điện. Do đó, trong kỳ ĐHĐCĐ thường niên tới đây, HĐQT trình phương án đổi tên từ CPCP Bóng đèn Điện Quang sang CTCP Tập đoàn Điện Quang.

Lãnh đạo doanh nghiệp kỳ vọng việc đổi tên sẽ tạo thuận lợi trong quá trình tìm hiểu cơ hội đầu tư, mở rộng thị trường và giao dịch kết nối đối tác, khách hàng.

Đổi tên có đổi vận?

Trước Vietcap và Chứng khoán BIDV, vào năm 2018, Chứng khoán Sài Gòn đã đổi tên thành Công ty Chứng khoán SSI (HOSE: SSI) sau 18 năm thành lập. Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT thời điểm đó chia sẻ: tên mới SSI đã bao hàm tất cả và không phải giải thích là Công ty Chứng khoán Sài Gòn nữa. Đồng thời, tên mới kỳ vọng giúp nhà đầu tư, đặc biệt là khối ngoại và cộng đồng quốc tế dễ dàng nhận diện công ty hơn.

Chứng khoán SSI chỉ đổi tên và không thay đổi logo cũng như bộ nhận diện thương hiệu. Mặt khác, việc đổi tên cũng giúp thống nhất giữa tên gọi với tên viết tắt và mã chứng khoán. Sau 5 năm, quy mô, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp duy trì top đầu trong ngành chứng khoán nhưng đã mất đi vị thế dẫn đầu về thị phần môi giới và vốn điều lệ.

Vào năm 2015, sau khi bán mảng bánh kẹo, CTCP Kinh Đô đã đổi tên thành Tập đoàn KIDO (HOSE: KDC). Việc này được cho là để tách bạch với thương hiệu bánh trung thu Kinh Đô vốn đã bán đi và để mở đầu cho giai đoạn mới ở lĩnh vực thực phẩm, các sản phẩm thiết yếu.

Sau nhiều năm phát triển, KDC đã có chỗ đứng cho lĩnh vực dầu ăn và kem, doanh thu tăng mạnh và lợi nhuận mới vượt qua thời làm bánh kẹo trong ba năm gần đây. Đồng thời, từ 2022, KIDO đã trở lại mảng bánh kẹo với việc mở rộng sang các ngành hàng mới như hàng ăn vặt, bánh trung thu, bánh tươi… với tham vọng trở thành tập đoàn thực phẩm số 1 tại Việt Nam.

Khác biệt với sự phát triển từng bước của SSI và KIDO, Chứng khoán ASC (ASCS) đã có những thay đổi chóng mặt khi chính thức đổi tên thành Chứng khoán VPBank (VPBank Securities) vào đầu năm 2022 cùng sự xuất hiện của VPBank (mua lại 97.42% vốn). Nhờ hậu thuẫn của ngân hàng mẹ, VPBank Securities có tốc độ mở rộng quy mô phi mã, vốn từ mức “hạt tiêu” 56 tỷ đồng tăng lên 15,000 tỷ đồng chỉ trong hai năm, trở thành công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất ngành.

Được bơm vốn, Chứng khoán VPBank vốn bị rút nghiệp vụ môi giới từ 2016 thì nay đã có đầy đủ nghiệp vụ kinh doanh trong lĩnh vực chứng khoán như môi giới, tự doanh, bảo lãnh, lưu ký, tư vấn… Bởi vậy, kết quả kinh doanh đột biến với lãi ròng 2022 đạt 433 tỷ đồng, gấp nhiều lần con số 6 tỷ đồng ở năm 2021.

Được tái cấu trúc và đổi tên từ 2019, đến nay, Tập đoàn MBG (HNX: MBG) đã có diện mạo khác, trở thành tập đoàn đa ngành với ba trụ cột chính gồm bất động sản, xây dựng, sản xuất - thương mại. Quy mô vốn điều lệ gấp 3 lần - từ 418 tỷ đồng lên 1,202 tỷ đồng, quy mô tài sản cũng tăng từ 520 tỷ đồng lên 1,455 tỷ đồng.

Về kết quả kinh doanh, Tập đoàn MBG đang có chuỗi 5 năm tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận liên tục. Riêng năm 2022, doanh thu đạt 1,219 tỷ đồng, tăng 36%; lãi ròng 100 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2021. Năm nay, tập đoàn đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận tăng 5% lên 1,280 tỷ đồng và 105 tỷ đồng.

Mới thành lập vào năm 2012 nhưng CTCP Quốc tế Holding (HOSE: LMH) đã ba lần đổi tên. Năm 2016, Công ty đổi tên từ CTCP Dịch vụ tổng hợp Dầu khí Thăng Long thành CTCP Quốc tế Thăng Long Việt Nam, đến 2017 đổi thành CTCP Landmark Holding và đến 2021 có tên như hiện nay. Cùng với việc đổi tên, doanh nghiệp cũng thay ban lãnh đạo, chuyển đổi hoạt động kinh doanh từ xăng dầu sang các lĩnh vực khác như bất động sản, năng lượng...

Tuy nhiên, Quốc tế Holding vẫn chưa thể thay đổi vận mệnh. Doanh thu giai đoạn 2019 - 2022 ghi nhận giảm từ 1,544 tỷ đồng xuống 25 tỷ đồng, lỗ 4 năm liên tiếp. Tính đến cuối năm 2022, Công ty lỗ lũy kế 229 tỷ đồng, trong khi vốn góp chủ sở hữu chỉ 256 tỷ đồng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
7 Yêu thích
1 Bình luận 12 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại