Những ‘đô thị bê tông ma’ làm lộ rõ bong bóng bất động sản tại Trung Quốc
Giá nhà đất đã cao gấp đôi so với Mỹ. Nhiều khác hàng rơi vào tình cảnh phải sống trong những căn hộ chưa hoàn thiện.
Cuối tháng 8/2021, 11 tòa chung cư xây dựng dang dở tại Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đã bị phá sập. Chủ đầu tư trước đó đã lâm vào tình cảnh khó khăn về tài chính và buộc phải bỏ dở các công trình xây dựng. Các tòa nhà đứng trơ trọi trong bảy năm, buộc nhà chức trách phải ra quyết định phá hủy vì lý do an toàn. Chỉ trong chưa đầy một phút, các khối nhà sụp trong đống đổ nát.
Thị trường bất động sản tại Trung Quốc trải qua đợt rúng động, với những vấn đề tồn tại đặc trưng như trong trường hợp của tập đoàn Evergrande Group. Một trong những điểm mấu chốt mà giới lãnh đạo Trung Quốc đang tập trung xử lý là vấn nạn về cái gọi là “các thành phố ma”. Nhưng nhiều người cho rằng đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Giá bất động sản tại Trung Quốc hiện cao gấp 2,6 lần so với ở Mỹ. Theo ước tính của tờ Nikkei Asia, tổng giá trị vốn hóa thị trường của thị trường nhà đất tại Trung Quốc trong năm 2020 ước đạt khoảng 95,6 nghìn tỉ USD. Theo giáo sư Kenneth Rogoff đến từ Đại học Harvard, lĩnh vực bất động sản Trung Quốc chiếm khoảng 29% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc. Tỉ lệ này cao hơn cẩ mức đỉnh tại Tây Ban Nha và Ai-len trong thời kỳ đỉnh điểm khủng hoảng tài chính thập kỉ 2010.
Nếu bất động sản giảm 20%, cả nền kinh tế Trung Quốc sẽ bị chìm theo. Những bất ổn có thể được nhìn thấy rõ qua việc chỉ riêng Evergrande đã gánh núi nợ lên đến hơn 300 tỉ USD. Tại nhiều vùng đô thị, những người giàu có thường sở hữu nhiều nhà đất. Tỉ lệ sở hữu nhà ở Trung Quốc là trên 90%, vượt trên cả Singapore và đứng thứ nhất trong các nền kinh tế lớn. Nhưng tỉ lệ nhà, căn hộ còn trống, chưa có người ở lại lên tới 20% , cũng là mức cao hơn so với Mỹ và Nhật Bản. Thực tế này phản ánh mất cân bằng cung-cầu thực về nhà đất tại Trung Quốc.
Kể từ khi chính sách mới về quyền sử dụng đất trong những năm 1990, thị trường nhà đất vốn được hỗ trợ bởi quy mô dân số lớn nhất thế giới, đã trở thành một biểu tượng tăng trưởng ở Trung Quốc. Thế nhưng GDP danh nghĩa của Trung Quốc mới chỉ bằng 70% của Mỹ trong khi giá nhà đất lại đắt gấp đôi. Vì thế, có lý do để tin rằng sự phình to của thị trường bất động sản tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã lên tới đỉnh.
“Những đồng tiền dành dụm bằng mồ hôi, nước mắt đang nằm ở đâu?”, những dòng than vãn như vậy được đăng tải thường xuyên tại mục “Thông điệp gửi lãnh đạo” trên tờ Nhân dân Nhật báo phiên bản điện tử. Thu thập và phân tích những tin nhắn kiểu như vậy cho thấy một thực tế: Trong hai năm qua, số tòa nhà “xây dựng dở dang” đã vọt lên 4.982 tòa. Riêng tại một vùng ở tỉnh Vân Nam đã có tới 80 tòa như vậy. Phần lớn những lời phàn nàn này đến từ những người dân địa phương, số đã bỏ tiền ra mua căn hộ tại các khu dân cư chưa biết bao giờ mới hoàn thiện.
Nhiều người đã bắt đầu chuyển đến sống tại các tòa nhà vẫn đang còn xây dựng dang dở. Sau khi ký hợp đồng mua bán, chủ đầu tư lâm vào khó khăn tài chính. Thời hạn giao nhà bị trì hoãn, kéo dài. Người mua nhà, do không có khả năng chi trả các khoản cầm cố hay thuê nhà mới, buộc phải dọn tới những căn hộ chưa hoàn thiện. Nhiều tòa bị phá hủy do để hoang, như một tín hiệu về những bất cập trên thị trường bất động sản trong thời kỳ GDP tăng trưởng cao.
“Lin”, nhân vật đã được đổi tên, là một công nhân 37 tuổi, làm việc trong một nhà máy tại Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông. Năm 2017, cô đã đặt cọc khoản tiền tiết kiệm 260.000 nhân dân tệ của gia đình để mua căn hộ trị giá 700.000 nhân dân tệ. Cả nhà hy vọng sớm được chuyển đến nơi ở mới, trong khi mỗi tháng vẫn phải trả khoản tiền vay lãi 2.600 nhân dân tệ. Nhưng công trình bị dừng lại, đơn nguyên nhà không thể hoàn thiện theo đúng lịch vào tháng 11/2019.
Lin vẫn hy vọng dự án sẽ thay chủ đầu tư và chính quyền sẽ can thiệp hỗ trợ. Nhưng nhiều tháng qua đi mà tình trạng vẫn không tiến triển. “Khi nào chúng tôi mới có thể chuyển đến sống tại đó?”, cha của cô Lin đặt câu hỏi. Ông mắc bệnh viêm khớp và mất khi vẫn còn đang lo nghĩ về căn nhà.
Không trả được tiền thuê và khoản cầm cố, Lin quyết định chuyển tới sống tại căn hộ chưa hoàn thiện. Cùng với 10 hộ gia đình khác, Lin sống trong “căn hộ mới” chỉ có khung bê tông. Nhưng khi trở về nhà trong một ngày tháng 12/2021, cô nhận thấy tòa nhà đã bị phong tỏa bằng đinh và xích. Cảnh sát cũng được triệu hồi tới, mọi người được yêu cầu xóa bỏ hình ảnh, đoạn video quay chụp tòa nhà.
Lin và gia đình hiện sống trong một ngôi nhà đi thuê ở ngoại ô, cách xa trường học và chỗ làm. Giá thuê là 1.000 nhân dân tệ/tháng và họ vẫn phải trả tiền cầm cố. “Tôi mua nhà với mong muốn gia đình được sinh sống thoải mái hơn. Nhưng giờ đây chúng tôi buộc phải sống trong u tối”, Lin chia sẻ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận