Những cổ đông sáng lập "kín tiếng" của Thế giới Di động đang sở hữu khối tài sản thế nào sau 8 năm niêm yết?
Không chỉ là các cổ đông lớn của Thế giới di động (MWG), 5 khai quốc công thần đã làm nên lịch sử của doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam còn thuộc thứ hạng cao trong sách những người giàu nhất trên sàn chứng khoán đồng thời sở hữu hàng loạt công ty riêng với tổng tài sản hàng ngàn tỷ đồng.
Tổng tỷ lệ sở hữu của các nhà sáng lập MWG là 28,76% tương đương với 31.991 tỷ đồng
Theo thống kê, tuần qua, sau gần 8 năm niêm yết vốn hóa của nhà bán lẻ lớn nhất tại Việt Nam là Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới di động (MWG) đã vượt mốc 5 tỷ USD tương ứng gần 114.200 tỷ đồng. Khi lên sàn vào tháng 7/2014, định giá bán ban đầu của công ty chỉ ở mức 5.100 tỷ đồng. Và với vốn hóa hiện đang đứng TOP đầu sàn chứng khoán, đội ngũ sáng lập của Thế giới di động hiện cũng đang sở hữu khối tài sản đáng kể. Theo đó, ngay trước khi lên sàn tính đến thời điểm ngày 3/6/2014, 5 thành viên sáng lập bao gồm ông Trần Lê Quân, ông Nguyễn Đức Tài, ông Đinh Anh Huân, ông Điêu Chính Hải Triều, ông Trần Huy Thanh Tùng vẫn sở hữu 50,7% cổ phần của công ty. Tính đến cuối năm 2021, nhóm sáng lập vẫn đang sở hữu 28% cổ phần của công ty. Trong đó ông Đinh Anh Huân đã rời công ty trước thời điểm niêm yết. Ông Trần Lê Quân hiện cũng không còn tham gia vào bộ máy lãnh đạo nhưng vẫn là cổ đông lớn thứ hai của Thế giới di động thông qua Công ty TNHH Tri Tâm.
Ông Nguyễn Đức Tài là người giữ chức vụ cao nhất tại Thế giới di động với vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị và cũng là cá nhân sở hữu tỷ lệ cổ phần cao nhất tại đây (2,39%) tương đương với 2.662 tỷ đồng. Bên cạnh đó, vợ ông Tài là bà Phan Thị Thu Hiền cũng nắm 0,41% tương đương với 457 tỷ đồng.
Ngoài ra, hai vợ chồng ông còn thành lập Công ty TNHH MTV tư vấn Đầu tư thế giới bán lẻ với vốn điều lệ là 800,8 tỷ đồng (riêng cá nhân ông Tài sở hữu 800 tỷ đồng). Được biết, đơn vị này hiện đang là cổ đông lớn nhất tại Thế giới di động với 10,76% tương đương 11.976 tỷ đồng. Như thế, tổng tài sản của ông Nguyễn Đức Tài cùng gia đình đang nắm giữ trong tay ước tính lên đến 15.086 tỷ đồng. Hiện nay, ông Nguyễn Đức Tài đang là người giàu thứ 13 trên sàn chứng khoán.
Ông Điêu Chính Hải Triều cùng với vợ trở thành cổ đông của Thế giới di động, hiện ông đang nắm giữ vị trí Giám đốc kỹ thuật và nắm 0,8% cổ phần, vợ alf bà Nguyễn Xuân Đoài đang sở hữu 0,51%. Họ đã thành lập Công ty TNHH Một thành viên Sơn Ban - doanh nghiệp này hiện đang sở hữu 2,26% vốn của MWG. Tổng tài sản mà gia đình ông Triều hiện đang nắm giữ là 3.979 tỷ đồng.
Cũng tương tự, ông Trần Huy Thanh Tùng cùng với vợ đang nắm giữ tổng tài sản là 3.885 tỷ đồng. Hiện ông Tùng đang là CEO kiêm Thành viên Hội đồng quản trị không điều hành của MWG với tỷ lệ sở hữu là 0,75%, vợ ông Tùng là bà Nguyễn Thị Thu Hương nắm giữ 0,47%. Được biết, doanh nghiệp của gia đình ông là Công ty TNHH Tư vấn đầu tư Trần Huy sở hữu 2,28% tương đương với 2.531 tỷ đồng.
Ông Đinh Anh Huân và ông Trần Lê Quân hiện không còn góp mặt trong hàng ngũ lãnh đạo của Thế giới di động, cũng không còn là cổ đông. Tuy nhiên thì ông Quân vẫn gián tiếp sở hữu 8,13% cổ phần MWG thông qua doanh nghiệp riêng là Công ty TNHH Tri Tâm tương đương với 9.041 tỷ đồng. Ông Quân hiện còn là người giàu thứ 32 trên sàn chứng khoán.
Khi rút khỏi MWG, ông Huân đã trở thành gương mặt quen thuộc trong giới khởi nghiệp với Seedom - đơn vị chuyên đầu tư hỗ trợ các startup và hiện đã thành công với Tiki, Giaohangnhanh, The Coffee House,... Như thế, tổng tỷ lệ sở hữu của 4/5 nhà sáng lập Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới di động tính đến thời điểm ngày 31/12/2021 là 28,76% tương đương với 31.991 tỷ đồng.
Năm 2022, Thế giới di động đặt mục tiêu doanh thu thuần là 140.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 6.350 tỷ đồng
Và tính đến nay, Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới di động đang có mạng lưới hơn 4.500 cửa hàng trên toàn quốc. Theo đó, Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới di động vận hành các chuỗi bán lẻ thegioididong.com, Điện Máy Xanh, Bách Hóa Xanh. Bằng vốn hóa đạt mức cao nhất lịch sử, trong năm 2022, Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới di động đã đặt mục tiêu tăng trưởng cao với doanh thu thuần hợp nhất dự kiến là 140.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 6.350 tỷ đồng tương ứng với 14% và 30% so với thời điểm năm 2021.
Ghi nhận sau 2 tháng đầu năm, doanh thu của Thế giới di động đạt 25.383 tỷ đồng, tăng 17% và hoàn thành 18% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế thu về 1.077 tỷ đồng, tăng 8% và đã hoàn thành 17% mục tiêu của cả năm.
Bên cạnh đó, doanh thu online cũng đạt hơn 4.100 tỷ đồng trong 2 tháng, so với cùng kỳ tăng 150% và là mức cao nhất trong lịch sử hoạt động từ trước đến nay. Tăng trưởng ghi nhận chủ yếu nhờ vào sự bứt phá của Thế giới di động/ Điện máy xanh với mức doanh thu online đạt kỷ lục là 4.000 tỷ đồng, tăng 160% và chiếm gần 19% tổng doanh thu của chuỗi này.
Mới đây, Thế giới di động cũng tiếp tục đặt tham vọng đánh chiếm tại thị trường Indonesia sau khi công bố hợp tác chiến lược với Tập đoàn Erajaya để thành lập liên doanh PT Era Blue Elektronik. Mục tiêu của liên doanh này chính là phát triển chuỗi cửa hàng bán lẻ điện máy số 1 tại Indonesia đồng thời niêm yết công ty này trong thời gian 5 năm tới. Cửa hàng Era Blue đầu tiên dự kiến sẽ được mở cửa phục vụ người tiêu dùng vào giữa năm 2022 tại Jakarta.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận