Nhựa Opec của doanh nhân Đinh Đức Thắng: 1.000 đồng doanh thu chỉ mang về hơn 2 đồng lãi
Doanh thu của Nhựa Opec những năm gần đây có sự phát triển vượt bậc, bỏ xa nhiều ông lớn cùng ngành nhựa đang niêm yết như Nhựa An Phát Xanh, Nhựa Tiền Phong hay Nhựa Bình Minh.
Xếp hạng 40 trong Top 100 Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam
Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần Nhựa Opec, tiền thân là Nhà máy Nhựa Á Châu, được thành lập từ tháng 9/2009 với vốn điều lệ 55 tỷ đồng, trong đó ông Đinh Đức Thắng - Chủ tịch HĐQT Kiêm Tổng Giám đốc sở hữu 55% (tương ứng 30,25 tỷ đồng); Ông Nguyễn Đức Hà góp 10% (tương ứng 5,5 tỷ đồng) và ông Nguyễn Minh Tú góp 35% còn lại (tương ứng 19,25 tỷ đồng).
Hơn một thập kỷ hoạt động, Nhựa Opec đã trải qua nhiều lần tăng vốn, hiện nay vốn điều lệ của doanh nghiệp ở mức 550 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty này đang sở hữu 2 nhà máy sản xuất bao bì nhựa xuất khẩu tại KCN Phố Nối A, Hưng Yên và tại Km 56, Quốc Lộ 5, TP. Hải Dương với tổng diện tích gần 10ha đã đi vào hoạt động từ năm 2012.
Quá trình tăng vốn của Nhựa Opec
Trong phần giới thiệu trên Website opec.vn của Nhựa Opec cho biết, Opec Plastics đang là nhà phân phối hạt nhựa lớn nhất tại thị trường Việt Nam và Đông Nam Á, đồng thời cũng được biết đến như một trong những doanh nghiệp sản xuất bao bì sinh học tự hủy hàng đầu cả nước, xếp hạng 40 trong Top 100 Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam và thứ hạng 91 trong Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2020.
Công ty có Trụ sở chính tại Tầng 13, Tháp BIDV, 194 Trần Quang Khải, Hà Nội, các Văn Phòng đại diện và nhiều trung tâm Logistics tại 3 Miền Bắc – Trung – Nam, cùng các văn phòng đại diện tại Singapore, Indonesia, Philipines, Trung Quốc, Dubai và Hoa Kỳ.
Bằng những kết quả đã đạt được, Nhựa Opec đã hoàn toàn khẳng định được vị thế TOP đầu ngành nhựa Việt Nam cả về quy mô chiều rộng và chiều sâu.
Đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Nhựa Opec đạt 7.210 tỷ đồng, gần gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2016. Vốn chủ sở hữu thậm chí đã tăng gấp hơn 8 lần trong khoảng thời gian này, đạt mức 675 tỷ đồng vào cuối năm 2019.
Doanh thu của Nhựa Opec tăng trưởng vượt bậc qua từng năm.
Doanh thu nghìn tỷ, lãi chỉ vài chục tỷ đồng
Nếu nhìn vào doanh thu những năm gần đây có thể thấy, doanh thu của Nhựa Opec những năm gần đây có sự phát triển vượt bậc, bỏ xa nhiều ông lớn cùng ngành nhựa đang niêm yết như Nhựa An Phát Xanh (mã AAA), Nhựa Tiền Phong (mã NTP) hay Nhựa Bình Minh (mã BMP)...
Cụ thể, nếu trong giai đoạn 2016-2019, Nhựa Opec ghi nhận doanh thu thuần liên tiếp tăng trưởng, từ 6.700 tỷ đồng lên 16.160 tỷ đồng vào cuối chu kì. Thì mức biến động doanh thu gian đoạn này ở Nhựa An Phát Xanh là 2.143 tỷ đồng lên 9.258 tỷ đồng; Nhựa Tiền Phong là 4.354 tỷ đồng lên 4.759 tỷ đồng, mức tăng không đáng kể, trong khi đó mức tăng của Nhựa Bình Minh từ 3.308 tỷ đồng lên 4.337 tỷ đồng.
Bất chấp doanh thu tăng đều đặn cả nghìn tỷ mỗi năm, Nhựa Opec chỉ duy trì lợi nhuận ở mức vài chục tỷ đồng, tỷ suất sinh lời trên doanh thu có năm sụt còn 0,22%.
Đặc biệt, chỉ tinh riêng năm 2019, doanh thu của Nhựa Opec đạt 16.160 tỷ đồng, cao gần gấp đôi tổng doanh thu của 2 ông lớn là Nhựa Tiền Phong và Nhựa Bình Minh cộng lại. Tuy nhiên, lợi nhuận của công ty thu về chỉ vọn vẹn 37 tỷ đồng, thấp hơn khá nhiều so với các doanh nghiệp cùng ngành khác.
Cùng năm 2019, Nhựa Tiền Phong và có doanh thu đạt 4.759 tỷ đồng, lãi ròng hơn 409 tỷ đồng; Nhựa Bình Minh ghi nhận doanh thu 4.337 tỷ đồng, lãi sau thuế 422 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận