NHNN bắt đầu lỏng tay hơn với chính sách tiền tệ
Việc Fed giảm lãi suất trong tháng 9 và tỷ giá hạ nhiệt được đánh giá là sẽ tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng hơn trong thời gian tới, nhằm hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng và nền kinh tế.
Trước đó, trong bối cảnh tỷ giá liên tục tăng mạnh khi Fed trì hoãn lộ trình giảm lãi suất và nhu cầu ngoại tệ trong nước gia tăng, NHNN đã phải mở lại kênh phát hành tín phiếu từ trung tuần tháng 3 nhằm hút về lượng thanh khoản dư thừa trên thị trường liên ngân hàng. Bên cạnh đó, Nhà điều hành cũng đã tăng dần lãi suất tín phiếu lên mức 4,5% vào cuối tháng 6, song song với việc nâng lãi suất OMO lên mức 4,5%.
Động thái này nhằm giảm sức ép lên tỷ giá thông qua việc xác lập một mặt bằng lãi suất VND cao hơn trên thị trường liên ngân hàng, thu hẹp chênh lệch lãi suất USD - VND.
Bên cạnh các biện pháp tác động vào chênh lệch lãi suất, NHNN cũng thực hiện bán ngoại tệ can thiệp nhằm tăng cung USD trên thị trường kể từ cuối tháng 4. Theo các nguồn thạo tin, lượng ngoại tệ mà NHNN đã bán cho các ngân hàng thương mại đến cuối tháng 6 đã chạm mốc 6 tỷ USD, tương đương mức ngoại tệ mua được của cả năm 2023.
Việc triển khai đồng thời các công cụ trên cho thấy Nhà điều hành đã rất nỗ lực trong việc kiềm chế đà tăng của tỷ giá khi các yếu tố thị trường không mang tính hỗ trợ.
Giải trình trước Quốc hội hồi cuối tháng 5 về diễn biến tăng nóng của tỷ giá, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhận định, tỷ giá tăng là diễn biễn chung của nhiều đồng tiền trên thế giới và trong khu vực, nhiều đồng tiền trong khu vực đã mất giá ở mức độ tương đối cao. Đối với NHNN, trong môi trường kinh tế thế giới biến động như vậy, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng tỷ giá có diễn biến tăng và lúc tăng, lúc giảm là điều hết sức bình thường.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khi đó dự báo: "nhu cầu ngoại tệ các doanh nghiệp trong nước sẽ giảm trở lại trong những tháng tới. Đồng thời, Fed có thể điều chỉnh giảm lãi suất vào cuối năm. Qua đó, tỷ giá vào cuối năm nay sẽ được hạ nhiệt".
Thực tế, tỷ giá USD đến nay chỉ còn tăng khoảng 2,8% so với cuối năm 2023, hạ nhiệt đang kể so với mức mất giá gần 4,4% hồi cuối tháng 5, cho thấy diễn biến thị trường dường như đã đi sát kịch bản mà NHNN mong đợi.
Trong bối cảnh sức ép từ tỷ giá hạ nhiệt, phiên 5/8, NHNN đã đồng loạt giảm 0,25 điểm % lãi suất OMO và lãi suất tín phiếu, xuống còn 4,25%. Và đến phiên 20/8, lãi suất tín phiếu đã giảm về còn 4%/năm.
Giới phân tích cho rằng, việc NHNN giảm lãi suất tín phiếu nhằm hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng, có vai trò định hướng cho một mặt bằng lãi suất liên ngân hàng thấp hơn trong thời gian tới. Trước đó, lãi suất liên ngân hàng liên tục duy trì ở mức 4 - 5%/năm kể từ đầu quý 2 đã phần nào gây sức ép lên chi phí vốn của các ngân hàng, đặc biệt là những nhà băng vừa và nhỏ.
Chính vì vậy, sự điều chỉnh của Nhà điều hành được cho là cần thiết khi tăng trưởng tín dụng đang có dấu hiệu tăng tốc và lãi suất huy động liên tục tăng kể từ đầu quý 2. Số liệu của NHNN, cho thấy, tăng trưởng tín dụng vào cuối tháng 6/2024 đã đạt 6%, cao hơn nhiều mức 3,4% ghi nhận vào cuối tháng 5. Trong khi đó, lãi suất huy động đã tăng trên diện rộng vào quý 2 và đầu quý 3 khi có tới hàng chục ngân hàng điều chỉnh tăng mỗi tháng.
"Nhờ khả năng cao tỷ giá, lạm phát hạ nhiệt vào cuối năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ có nhiều dư địa hơn để nới lỏng, duy trì lãi suất ở mức hợp lý nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tiếp tục đà phục hồi", Chứng khoán Shinhan (SSV) cho biết trong báo cáo vĩ mô mới đây.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận