Nhịp đập Thị trường 30/06: Rơi nhanh và sâu, NĐT lại trở tay không kịp
VN-Index lại rơi ngay khi bước vào phiên chiều, rơi nhanh và sâu cho đến cuối ngày. Dù có 2-3 lần hồi nhẹ, nhưng sau mỗi lần hồi như thế chỉ số lại rơi sâu hơn.
Diễn biến này có thể nói là bất ngờ so với phiên sáng, cũng như hôm nay vốn ý kiến dự đoán tích cực, do là ngày chốt NAV của các quỹ lớn. Nhưng nếu nhìn từ chứng khoán… Mỹ, thì có thể thấy phản ứng của VN-Index rất là nhạy, khi future Mỹ giảm là VN-Index giảm theo ngay. Đây có lẽ là cái cớ dễ nhất khi giải thích cho biễn biến của chỉ số chính sàn chứng Việt Nam chiều nay.
Hơn 70% số lượng cổ phiếu giảm giá trên sàn HOSE vào cuối ngày hôm nay. Ở nhóm vốn hóa tỷ USD, chỉ có 5 mã tăng giá là BCM, PGV, SAB, VRE và VIC, so với hơn 30 mã khác giảm giá. Tương quan tăng – giảm giá cũng nghiêng ngả mạnh về phía giảm ở các nhóm vốn hóa còn lại. Nhìn ở góc độ nhóm ngành, chỉ có nhóm sản xuất và phân phối điện là còn có nhiều cổ phiếu tăng giá.
Khối ngoại lại có thêm một phiên nhặt hàng rơi khi mua ròng khá mạnh trên HOSE. Họ mua ròng nhiều nhất ở STB, VND, HDB, GEX. HPG cũng là cổ phiếu mua mạnh, nhưng bán cũng nhiều, nên đâm ra thành mua ròng nhẹ. Ở chiều bán ròng, đáng kể là MWG, VHM, VNM… nhưng lực bán ròng không lớn.
Tâm lý tiêu cực lan rộng từ HOSE sang cả 2 sàn còn lại. Hai chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index cũng giảm sâu đồng dạng với VN-Index, tuy nhiên UPCoM-Index “lợi dụng” 15 phút cuối ngày (đóng cửa chậm hơn HOSE và HNX) để kéo hồi lại không ít, cho nên chốt lại giảm có 0.3%.
Tổng thể 3 sàn vào cuối ngày, số lượng cổ phiếu giảm giá chiếm đến hơn 60% số có khớp lệnh, so với chưa đến 30% tăng giá. Ở các nhóm vốn hóa từ midcap trở lên, đa số giảm giá, nhưng ở Small Cap, nhất là trên UPCoM, thì tình hình có vẻ sáng sủa hơn khi còn đến hơn 200 mã tăng giá.
Trên các nhóm ngành lớn 3 sàn, chỉ còn nhóm sản xuất và phân phối điện còn được coi là phân hóa trung tính, tức số cổ phiếu tăng – giảm giá cân bằng. Các nhóm lớn khác như ngân hàng, BĐS, xây dựng, thực phẩm, bán lẻ, logistics… đến cả những nhóm còn tích cực trong phiên sáng như sắt thép hay dầu khí cũng đều bị thổi bay gần hết sắc xanh và chìm vào trong sắc đỏ.
FTS và TVS vẫn là 2 cổ phiếu tăng cứng, có lẽ vì những nguyên nhân nào đó, còn đa số cổ phiếu nhóm chứng khoán đã giảm sâu trong phiên chiều. So với những nhóm ngành lớn khác trên 3 sàn chứng, nhóm chứng khoán có thể coi là rơi sâu nhất. Ở những cổ phiếu lớn hàng đầu, SSI giảm gần 5%, HCM, VND, VCI giảm hơn 6%, thậm chí VCI còn giảm sàn. Không ít cổ phiếu nhỏ hơn cũng giảm 5-6% hoặc hơn (tùy sàn có biên độ lớn). Rõ ràng chứng khoán là nhóm ngành có độ nhạy cảm cao với diễn biến trên sàn chứng hàng ngày, chưa nói đến hôm nay cũng là ngày chốt cuối quý 2 đánh giá lời/lỗ tự doanh. Với diễn biến giảm giá trên diện rộng so với đầu quý 2, dĩ nhiên nhiều người sẽ suy đoán các kho tự doanh lỗ nặng.
Dù có biến biến tích cực trong cả phiên sáng, và cầm cự tốt trong gần như cả phiên chiều, nhưng HPG cũng phải chịu giảm sâu trong đợt ATC, khi cả thị trường đỏ lửa. Hơn nữa, thông tin hơn 1,3 tỷ cổ phiếu (phát hành thêm) sắp chào sàn cũng mang đến tâm lý e ngại lượng cung tăng lên khi thị trường xấu đi, khiến cho cổ phiếu khó giữ được kỳ vọng tăng giá tiếp.
Thị trường đỏ khiến đa số nhóm ngành bay mất sắc xanh, nhưng vẫn còn một số nhóm ngành giữ được nhiều sắc xanh, ví dụ như dệt may, phân bón, hóa chất hay nhiệt điện. Thậm chí bảo hiểm vốn không hề nổi bật trong phiên sáng, đến chiều lại nổi lên khá nhiều sắc xanh.
Bảo hiểm lại nổi lên như là 1 nhóm mang tính cố thủ, chống chịu sức nặng của thị trường. Chiều nay vẫn có không ít cổ phiếu nhóm này tăng giá, dù ban sáng đa số còn loanh quanh bên tham chiếu, ví dụ như ABI, AIC, BIC, BLI, PTI hay PVI. Tuy nhiên 2 ông lớn là BVH và MIG thì giảm hơn 4%.
Tương tự, nhiều cổ phiếu dệt may vẫn giữ được sắc xanh kéo dài từ phiên sáng cho đến cuối phiên chiều, như EVE, GIL, GMC, VGG hay VGT. Ở nhiều cổ phiếu khác trong nhóm, nhìn chung có giảm, nhưng mức giảm không lớn so với không ít nhóm ngành khác.
Phiên sáng: GAS và MSN kéo VN-Index lên lại trên tham chiếu
Chỉ số VN-Index giảm 3 điểm vào khoảng giữa phiên sáng, mọi chuyện tưởng chừng xấu hơn, nhưng chỉ số được kéo hồi trở lại, đến cuối phiên sáng đã thành công leo lên trên tham chiếu. Diễn biến của chỉ số VN-Index, và đồng dạng là VN30 index, có sự giúp sức từ 2 mã vốn hóa tỷ USD là GAS và MSN.
VN-Index và cả VN30-Index được kéo lên lại trên tham chiếu vào cuối phiên sáng, nhưng tổng thể sàn HOSE vẫn không có gì thay đổi tích cực hơn so với đầu hoặc giũa phiên. Số lượng cổ phiếu giảm giá trên sàn này vẫn trên 50%, so với chỉ khoảng 35% tăng giá. Trên cả 3 nhóm vốn hóa, số mã giảm giá đều nhiều hơn số tăng giá. Ở largecap, ngoài PGVthì không có mã nào tăng hơn 3%. Ngược lại, DIG và VHC nổi lên là 2 largecap giảm giá đáng kể nhất. Khối ngoại mua ròng, trong đó mua nhiều nhất vẫn là HPG, tuy nhiên đáng lưu ý là họ lại bán ròng trên 1 số mã được cho là có triển vọng tích cực ở mùa BCTC Q2 này, ví dụ như MWG, DCM, VHC, VNM, VHM…
GAS giao dịch lình xình quanh tham chiếu hơn nửa thời gian đầu phiên sáng, song đến gần 11h thì bắt đầu tăng, kéo dài đến cuối phiên thì tăng hơn 1%. Dù mức tăng không lớn, nhưng rõ ràng có tác động tích cực lên các chỉ số quan trọng của sàn HOSE. Chỉ có điều, diễn biến tại GAS không lan tỏa mấy đến các cổ phiếu khác trong nhóm dầu khí nhà PVN. PGS vẫn tăng hơn 5% chỉ với 1 deal đầu phiên, 1 số mã khác gần như giữ nguyên đà tăng giá trong suốt phiên sáng như DCM, DPM, PVD, PVS… BSR tăng giá 500 đồng/cp đầu phiên, nhưng giảm dần đều, đến giữa trưa may mắn còn tăng 100 đồng.
Chỉ số HNX-Index sém chút nữa cũng rơi hẳn về tham chiếu, nhưng trong những phút cuối lại được kéo lên 1 chút, không rõ có phải nhờ tác động từ VN-Index hay không. Dù vậy, tương tự HOSE, số cổ phiếu giảm giá trên sàn HNX vẫn cao hơn 50%. Rõ ràng chỉ số đang được trợ lực từ mấy largecap là THD, PVS, MBS và nhất là KSF, cổ phiếu này tăng liên tục trong suốt phiên sáng, và đến lúc trưa là +7,6%. Nhóm khai thác than trên sàn này có thể coi là nổi bật, với mấy mã tăng rất tốt như TDN, TVD, NBC, TC6…
Chỉ số UPCOM-Index không kịp hồi vào cuối phiên, thậm chí chỉ số càng rơi thì giao dịch trên sàn này càng ít dần. Trong số Large Cap sàn UPCoM, đáng kể nhất là 2 mã GE2 (giảm sàn 14,6% với vài deal tẻ tẻ) và MSR (giảm hơn 2%). Ngược lại, cũng có 1 số largecap tăng giá nhẹ trên dưới 1% như VTP, VGT, FOX, QNS…
Về tổng thể 3 sàn, sắt thép, điện lực và dầu khí vẫn là các nhóm lớn có thể coi là giữ nguyên vị thế tích cực trong hầu hết thời gian giao dịch phiên sáng. Ngân hàng vào cuối phiên có vài tín hiệu tốt, 1 số mã đã tăng giá trở lại, tuy nhiên số cổ phiếu giảm giá vẫn chiếm đa số. Ngược lại, BĐS, bán lẻ, chứng khoán, xây dựng vẫn là những nhóm chìm nhiều trong sắc đỏ.
BCM đã tăng giá trở lại, tương tự SZL cũng tăng gần 1% dù giữa phiên còn giảm tới 4%, tuy nhiên nhóm BĐS khu công nghiệp vẫn đang có vị thế khá tiêu cực trong nửu cuối phiên sáng nay.
FTS, TVS và DSC là 3 mã tăng nổi bật nhất trong nhóm cổ phiếu chứng khoán. Mấy phiên gần đây, TVS lại nổi lên với câu chuyện cũ, là mức lời khủng khi trước đây may mắn đầu tư vào Momo. Ngược lại, đa số cổ phiếu nhóm này đang giảm giá, với mức giảm bình quân khoảng 1,5%. Không rõ tác động tích cực của thông tin giảm thời gian Thanh toán bù trừ tại VSD còn kéo dài được bao lâu, khi mà mùa BCTC Q2 đang đến, và với nhóm ngành này, NĐT đang tự hỏi bộ phận tự doanh có còn lời khủng như hồi Q1 hay không? Ở các công ty tốp đầu thị phần, HCM, VND, SHS đã quay về tham chiếu, SSI, VCI giảm nhẹ, chỉ có MBS vẫn còn tăng khá 1.7%.
HPG đã hồi sức tích cực hơn 10% trong 7 phiên gần đây, và có vẻ đã tạo đáy ngắn hạn. Khối ngoại mua ròng có lẽ là yếu tố không nhỏ góp phần tạo ra cú hồi này, và sáng nay HPG tăng 250 đồng, giống phiên hôm qua. Nhóm sắt thép nhìn chung vẫn duy trì trạng thái tích cực, với nhiều mã tăng giá, nhưng mức tăng đang yếu dần, thậm chí 1 số mã như HSG hay NKG đã lùi về tham chiếu.
MWG vẫn giảm giá 1,7% kèm theo khối ngoại bán ròng. Ở nhóm bán đồ công nghệ này, PET cũng giảm giá, chỉ có FRT và DGW còn tăng nhẹ, nhưng yếu hươn hẳn so với hồi đầu phiên. FRT mới đây cũng được 1 công ty chứng khoán dự báo lợi nhuận khủng quý 2, nhưng không rõ có bao nhiêu NĐT đọc được tin này đây?
Một số nhóm ngành khác được coi là có diễn biến khá tích cực cho đến lúc này, bao gồm khai khoáng, dệt may, hóa chất, thủy sản, phân bón, than đá, nhiệt điện, giải trí và truyền thông, thiết bị điện,…
10h30: Chuyển biến xấu trên HOSE
Sau nửa đầu phiên sáng thận trọng, VN-Index đang phát tín hiệu xấu đi khi chọc thủng tham chiếu và tiếp tục hướng xuống dưới vào giữa phiên. Thực tế chỉ số đã 3 lần chọc thủng dưới tham chiếu tính từ đầu phiên, nhưng lần này diễn biến thị trường rõ ràng xấu hơn, với thông tin về chính sách tiền tệ được nhận định là đang thắt chặt hơn.
Trên sàn HOSE vào giữa phiên sáng, đang có xấp xỉ 50% số cổ phiếu giảm giá, so với gần 40% tăng giá. So với hồi đầu phiên thì rõ ràng sàn HOSE đang có nhiều sắc đỏ hơn. Ở nhóm Large Cap, ngoài PGV thì không còn mã nào tăng hơn 3%, thậm chí số cổ phiếu giảm giá đang nhiều hơn số tăng giá. Ở Small Cap, vẫn có nhiều cổ phiếu tăng trên 5%, nhưng ngược lại cũng có rất nhiều mã giảm hơn 5%. Khối ngoại đang bán ròng trên sàn này.
Chỉ số HNX-Index vẫn treo bên trên tham chiếu, và rõ ràng tích cực hơn so với VN-Index. Tuy nhiên so với đầu phiên thì HNX-Index cũng đã thoái lui dần đều về gần tham chiếu.
Nhóm ngân hàng đang có số cổ phiếu giảm giá nhiều hơn so với đầu phiên sáng, dù mức giảm giá nói chung còn rất thấp. Các nhóm lớn khác như BĐS, thực phẩm, bán lẻ, chứng khoán… cũng đang tràn ngập sắc đỏ. Ngược lại, sắt thép, dầu khí – khí đốt, điện lực là các nhóm vẫn có nhiều mã tăng giá.
Khai khoáng và hóa chất - nông dược là các nhóm ngành nổi bật nhất giữa phiên sáng nay, với nhiều cổ phiếu tăng giá hơn 5%, ví dụ như SPI, KHD, SQC, MTA, MIC… của khai khoáng hay SFG, VAF, VET, VNY… của nhóm còn lại.
HDG đang là cổ phiếu nổi bật trong nhóm ngành BĐS nhà ở tầm trung sáng nay khi tiếp tục đà tăng giá kể từ giữa tháng 5 đến nay. Khối ngoại cũng mua ròng ở mã này. Ngoài ra, cặp đôi DXG, DXS và vài mã nhỏ khác cũng tăng giá nhẹ, tuy nhiên nhìn chung nhóm BĐS nhà ở vẫn chìm trong sắc đỏ.
Nhóm BĐS công nghiệp cũng chuyển biến xấu, số lượng mã chuyển qua màu đỏ nhiều lên và hiện chỉ còn vài mã tăng như TID hay VRG. ITA sau khi được kéo mạnh và khớp khủng chiều qua thì hiện đang giảm hơn 1.7%. BII và SZL giảm hơn 5%, tuy nhiên BII lại đang có thanh khoản rất tốt.
GAS liên tục trồi sụt quanh mức tham chiếu, nhưng nhóm dầu khí may mắn vẫn có nhiều mã tăng giá trong hầu hết thời gian giao dịch kể từ đầu phiên cho đến lúc này, ví dụ như DCM, DPM, PVD, PVG, POW… PGS vẫn tăng hơn 5% như thực ra chỉ có 1 deal khớp hồi đầu phiên.
MWG tiếp tục bị khối ngoại bán ròng, nhưng đến gần giữa phiên thì khối ngoại cũng tăng mua, nên chênh lệch bán ròng bị thu hẹp. Dù vậy, cổ phiếu này đang giảm 1.8%, gần như xóa bỏ 2 phiên tăng trước đó.
VHC giảm sâu hơn so với đầu phiên, nhưng thanh khoản thấp. Đáng chú ý là khối ngoại đang bán gần ½ tổng số lượng khớp ở mã này. Ngoài ra, ANV, FMC cũng đã chuyển từ tăng về giảm, còn MPC thì đang đổi màu liên tục quanh tham chiếu.
PLX đứng giá, nhưng nhóm phân phối xăng dầu đang có 2 mã giảm rất mạnh là COM (-6.9%) và PMS (-10%).
VN-Index mở cửa tăng nhẹ trong không khí thận trọng
VN-Index mở cửa chỉ tăng… 1 điểm, tiếp tục phản ánh tâm lý thận trọng của NĐT trước khả năng hồi phục của thị trường. Diễn biến của các chỉ số future bên Mỹ hay nhiều chỉ số lớn sàn châu Á (trừ Trung Quốc) đang đỏ, có thể cũng là yếu tố tác động lên sàn chứng Việt. Lưu ý rằng chỉ số đã thoát hiểm cuối phiên chiều qua, bất chấp thông tin tích cực từ Tổng cục thống kê.
Ở các nhóm ngành lớn, chỉ có sắt thép và dầu khí nhà PVN tiếp tục có nhiều cổ phiếu tăng giá. Hai nhóm được coi là tăng khá chiều qua là ngân hàng và chứng khoán thì qua sáng nay đang có nhiều sắc đỏ. Tương tự, nhóm BĐS nhà ở đa số giảm giá ngay hoặc khi thời điểm mở cửa, nhưng nhóm BĐS khu công nghiệp lại có nhiều mã tăng. Ở các nhóm ngành khác, thủy sản, phân bón, cảng biển & kho bãi tiếp tục có diễn biến tích cực nối đà từ chiều qua.
Sàn HOSE phân hóa ngay thời điểm mở cửa sáng nay. Tương quan tăng giảm giá sắp xếp như đội hình bóng đá 4 (khoảng 40% số cổ phiếu tăng giá) – 4 (khoảng 40% giảm giá) – 2 (20% đứng giá). Ở 2 nhóm Large Cap và Mid Cap, chỉ có lẻ tẻ vài mã tăng nổi bật như PGV (tăng gần 5%) hay HTN (tăng hơn 5%), tuy nhiên ở nhóm Small Cap thì có nhiều mã hơn như SVI, DTT, QBS, ST8, VTB…
Chỉ số chính sàn HNX tăng từ sớm, và tích cực hơn so với VN-Index tại thời điểm 9h15. Tuy nhiên dường như chỉ số tích cực là nhờ nhóm Mid Cap, trong khi ở Large Cap, hầu hết chỉ tăng/giảm trong phạm vi -1% đến 1%.
Dù GAS giảm giá nhẹ sau ATO, nhưng nhóm dầu khí PVN nhìn chung đang có khởi đầu khá tốt, với nhiều mã tăng giá trên 1%, trong đó nổi bật lên có PGS, PVB tăng hơn 5%.
Nhóm chứng khoán khởi đầu với đa số sắc đỏ, nhưng sau ATO vài phút đã nổi lên nhiều sắc xanh hơn, trong đó có VCI, VND và nhiều cổ phiếu các công ty nhỏ. Có lẽ thông tin từ Trung tâm lưu ký vẫn đang có tác động tích cực lên nhóm này, tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng Quý 2 là quý không hề tốt đối với 3 sàn chứng khoán, giá cổ phiếu đa số giảm, có thể khiến các kho tự doanh thua lỗ.
Nhóm thủy sản đa số tăng giá nhẹ khi mở cửa, bao gồm cả VHC, tuy nhiên cổ phiếu đầu tàu này bỗng quay qua giảm gần 1% chỉ sau đó vài phút.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường