Nhịp đập Thị trường 29/09: Lại rơi rụng cuối phiên chiều
VN-Index lại rơi khi bước vào phiên chiều, chỉ sau vài phút là đâm thủng tham chiếu, đi ngang cho đến trước ATC khoảng 15 phút thì giảm sâu thêm 10 điểm.
Chốt ATC, chỉ số giảm đến 17.55 điểm (-1.53%), thấp nhất trong ngày, và có lẽ hoàn toàn bất ngờ với những nhận định đầu phiên sáng, hay với tin tốt trong ngày hôm nay. Như vậy diễn biến điểm số cuối ngày của VN-Index đi ngược với nhiều chỉ số lớn của châu Á. Đồng bộ với VN-Index, 2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index, cũng như hầu hết các chỉ số phụ của cả 3 sàn đều rơi rụng.
Tại sao VN-Index và giá cổ phiếu giảm sâu bất chấp tin tốt từ Tổng cục thống kê? Trong khi chờ cập nhật thêm, một trong những thông tin phải nhắc đến đó là diễn biến của DJ future. Chỉ số này cũng giảm sâu trong cùng khoảng thời gian “rơi rụng” của VN-Index, và khi sàn HOSE gõ chuông điểm ATC, DJ future cũng đã giảm hơn 1.1%. VN-Index có chạy theo chỉ số này?
Với diễn biến sớm ảm đạm ngay khi bước vào phiên chiều, thanh khoản trên sàn HOSE cũng tụt xuống. Đến trước thời điểm VN-Index rớt sâu thêm, giá trị giao dịch nơi đây thấp chỉ còn đạt chừng 60% so với chiều qua. Dù giao dịch có đột biến đôi chút trước ATC vài phút, nhưng đến cuối ngày, giá trị giao dịch vẫn thấp hơn đáng kể ngày hôm qua. Đồng thời, sàn HOSE có hơn 60% số cổ phiếu giảm giá, và chỉ chưa đến 25% tăng giá, gần như nghịch đảo với thời điểm cuối phiên sáng.
VIC vẫn là tội đồ đạp chỉ số nhóm VN30 lẫn VN-Index như phiên sáng, nhưng đến cuối phiên chiều đã không còn “lẻ loi”. Trong nhóm VN30, có không ít mã giảm hơn 2% trở lên như BVH, VIB, PVB, POW hay MSN. Nhóm này có đến 20 cổ phiếu giảm giá, so với 6 tăng giá. Cổ phiếu tăng giá tốt nhất là VRE, cũng có liên quan đến VIC, nhưng chỉ tăng có 1.3%. GAS vẫn nằm trong nhóm tăng giá, nhưng chỉ còn tăng đúng 1%. Hầu hết cổ phiếu ngân hàng trong nhóm này đều mất sắc xanh, chuyển qua vàng và đỏ, trừ mỗi TPB.
Tổng thể 3 sàn, có gần 55% số cổ phiếu giảm giá, so với 30% tăng giá. Các nhóm ngành lớn hầu hết đều đổi màu (mất xanh), kể cả ngân hàng, dầu khí hay BĐS. Có không ít cổ phiếu Large Cap hàng đầu của mỗi nhóm ngành trở nên giảm sâu vào cuối phiên chiều, ví dụ như VIC, VPB, BSR, DCM, DPM, CTG, DXG, BCM, VCI, HCM, BVH, DGC, PAN, PGV, CTD, VGC… Điều tương tự với đa số nhóm ngành nhỏ hơn còn lại, kể cả những nhóm còn tràn ngập sắc xanh ban sáng. Tuy nhiên vẫn có 1 số ít nhóm ngành còn giữ được sắc xanh như đồ uống, thuốc lá, giấy, dịch vụ truyền thông, phần mềm…
Cổ phiếu giảm giá, khối ngoại vẫn bán ròng trong ngày hôm nay, nhưng có lẽ họ lại đẩy mạnh mua vào trong phiên chiều. HPG, STB, KDH vẫn là những cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất, với lượng bán ròng hàng triệu đơn vị mỗi mã. Ngoài ra, NLG cũng bị đẩy bán hơn triệu cổ phiếu, khiến mã này tưởng hồi mạnh trong phiên sáng mà đến cuối phiên chiều giảm 0.8%. Tuy nhiên, DXG, VRE, VNM, HDB, GMD… lại là những địa chỉ được khối ngoại ưu ái mua ròng đáng kể.
Trong nhóm dầu khí nhà PVN, GAS vẫn còn may mắn giữ được sắc xanh với mức tăng 1%, nhưng hầu hết những tên tuổi còn lại đều rơi rụng, đỏ hết. Thậm chí GAS cũng có thể coi là rơi rụng khi từng tăng tới 5% trong phiên sáng. Trong họ này, những mã giảm sâu có thể kể đến như DCM, DPM, PVB, PVG, PVC, PVD… Có thể nhận định giá cổ phiếu nhóm này cũng chạy theo sức nóng thị trường, bất chấp giá dầu thế giới chỉ dao động nhẹ trong cùng giờ.
Nhóm ngân hàng cũng bị đảo ngược tình thế, với 17 trên 27 cổ phiếu giảm giá lúc đóng cửa. chỉ có 4 mã tăng giá, trong đó EIB như thường lệ (đi ngược nhóm), tăng tới 5% vào đúng thời điểm ATC.
Phiên sáng: Các chỉ số lớn lấy lại cân bằng
Diễn biến 3 sàn lấy lại chút cân bằng sau khi “lao dốc” trong nửa đầu phiên sáng. Thực tế đa số cổ phiếu vẫn tăng giá, và cả 3 chỉ số chính vẫn luôn cao hơn tham chiếu, tuy nhiên sau khởi đầu ATO tích cực, diễn biến thị trường lại chùng xuống vào giữa phiên, bất chấp đón nhận thông tin tích cực từ Tổng cục Thống kê. Đến lúc này, 2 chỉ số VN-Index và HNX-Index đã hãm được đà rơi và đi ngang, tuy nhiên khả năng “có tăng trở lại hay không”, sẽ phải chờ vào diễn biến của phiên chiều.
Sàn HOSE có gần 60% số cổ phiếu tăng giá vào cuối phiên sáng nay, dù thấp hơn so với đầu phiên, nhưng lại cao hơn so với lúc giữa phiên, điều này cho thấy dù VN-Index đi ngang trong nửa cuối phiên sáng nay, nhưng thực tế không ít cổ phiếu đã quay lại với đà tăng lúc ban đầu, thậm chí ở Large Cap có vài mã tăng mạnh hơn, ví dụ như GAS hay MSN. Thanh khoản sáng nay trên sàn này tương đương phiên sáng qua, dù về những phút cuối phiên lại kém đi 1 chút. Tuy nhiên khối ngoại đẩy mạnh bán ròng lại là yếu tố đáng lưu ý, dù lúc này tác động của hoạt động đó lên giá cổ phiếu chưa thực sự rõ.
Sàn UPCoM tiếp tục có nhiều sắc đỏ trên nhóm Large Cap, tình trạng này đã xuất hiện từ giữa phiên sáng và đến giờ chưa cải thiện được bao nhiêu, dù chỉ số đã tăng nhẹ trở lại. những mã vốn hóa lớn của sàn này giảm giá kể từ giữa phiên cho đến lúc này có thể kể đến như ACV, BSR, FOX, QNS, SIP… ngoài ra, MML tiếp tục mất giá tới hơn 4%, còn VGT giảm hơn 5% và đặc biệt GE2 giảm đến 13% chỉ với 1 lô khớp lệnh duy nhất.
Tổng thể 3 sàn vẫn có hơn 50% số cổ phiếu tăng giá, còn số giảm giá chưa đến 30%. Tương quan tăng giá nghiêng mạnh nhất vẫn ở nhóm Large Cap, nói cách khác, nhóm này vẫn đang giữ nhịp hồi cho thị trường sau 3 phiên giao dịch tiêu cực trước đó. Tuy nhiên ở nhóm Small Cap, số lượng cổ phiếu giảm giá vẫn nhiều thêm (so với đầu hay giữa phiên sáng nay), không ít mã giảm trên 5%.
Thống kê theo nhóm ngành, thì ngân hàng và dầu khí vẫn là 2 nhóm lớn có số cổ phiếu tăng giá áp đảo số giảm giá. Đặc biệt ngân hàng có 22 trên 27 mã tăng giá, và chỉ có 1 giảm giá là PGB ở sàn Upcom. Dầu khí dù có đôi chút chùng xuống vào giữa phiên , tuy nhiên đến trước thời điểm nghỉ trưa thì nhiều mã đã tăng trở lại, thậm chí còn tăng mạnh hơn, kể cả GAS. Tuy nhiên ở các nhóm lớn khác, bao gồm BĐS, xây dựng, chứng khoán, bán lẻ, điện… thì dù sắc xanh chiếm đa số, nhưng sắc đỏ vẫn nổi lên khá nhiều.
VIC tiếp tục là tội đồ của nhóm VN30 lẫn mang lại tác động tiêu cực lớn nhất lên chỉ số VN-Index khi giảm 4.2% vào cuối phiên sáng nay. Trong nhóm VN30, vẫn có đến 27 cổ phiếu tăng giá, so với chỉ 1 giảm giá chính là mã VIC này. Lưu ý rằng cổ phiếu đại gia này giảm 5.7% cuối chiều qua. ngược lại, VHM, 1 đại gia cùng “họ nhà Vin” khác dù giảm mạnh trong phiên, nhưng đến lúc này đã tăng nhẹ trở lại 100 đồng (+0.2%).
Xây dựng vốn là nhóm tưởng như hồi phục khi sớm có đa số cổ phiếu tăng giá mạnh ngay khi mở cửa, tuy nhiên đến gần cuối phiên thì càng có nhiều mã đuối, thậm chí quay qua giảm giá. Đến lúc này, 1 số mã có thể nêu tên vì giảm khá sâu như C4G, CTD, FCN, HBC, HHV, VCG, LCG…
Khối ngoại bán ròng mạnh trên nhiều largecap, trong đó bạn mạnh nhất (theo khối lượng) ở HPG, STB và DXG. Khá nhiều mã khác cũng ở trạng thái bán ròng đáng kể, ví dụ như BSR, CTG, KDH, DCM, DPM, VHM… Tuy nhiên điều an ủi là đa số những cổ phiếu được nêu tên này vẫn tăng giá vào cuối phiên sáng nay.
Dược phẩm đang là nhóm nổi lên nhiều sắc đỏ vào cuối phiên sáng nay, ví dụ như tại DCL, DHG, DP3, DMC, IMP, OPC, PBC…, dù đa phần cổ phiếu chỉ giảm dưới 1%, ngoại trừ PBC giảm hơn 3%.
PTI tiếp tục là cổ phiếu nóng nhất nhóm bảo hiểm sáng nay, khi giảm tới hơn 7,7%, sau khi giảm 9.2% chiều qua. Ngoài PTI, chỉ có vài mã khác giảm nhẹ như MIG hay BIC, còn lại đa phần tăng giá, trong đó nổi lên BLI tăng tới 13,6% với 2 deal khớp, mỗi deal 100 cổ phiếu.
10h30: VN-Index rơi gần về tham chiếu khi tin tốt được công bố
Diễn biến thị trường có phần chùng xuống sau ATO, thậm chí sau 10h, khi nhiều web tài chính đồng loạt đăng tin tốt từ Tổng cục thống kê, rằng GDP quý 3 tăng tới 13.7% (vượt mọi dự báo trước đó) nhờ “nền” năm ngoái thấp, thì VN-Index vẫn chưa hề có dấu hiệu tăng trở lại. Đến lúc này, VN-Index chỉ đang cao hơn tham chiếu có chừng 5 điểm. Tuy nhiên còn quá sớm để nói thị trường đang lờ đi thông tin này.
Sàn HOSE có gần 30% số cổ phiếu giảm giá, tức là số mã đỏ đã tăng khá nhiều so với hồi đầu phiên, dù chỉ số VN-Index lẫn các chỉ số phụ khác vẫn cao hơn tham chiếu. Số mã giảm giá nhiều lên, chủ yếu ở 2 dòng Mid và Small Cap, trong đó có không ít tên tuổi trong lĩnh vực xây dựng và nhất là xây dựng hạ tầng như HHV, FCN, LCG, CTD, HBC… Ở nhóm Large Cap, tính tích cực vẫn duy trì rõ rệt hơn, dù cũng có tăng thêm 1 vài cổ phiếu “quay xe” giảm giá như SAB, BCM, VIC, VJC, KDC… hay DIG. Khối ngoại đang bán ròng khoảng 5 triệu cổ phiếu trên sàn này, hầu hết là Large Cap.
Ở các nhóm ngành lớn trên sàn HOSE, nhìn chung vẫn duy trì được sắc xanh dù mức tăng giá bình quân đang yếu đi, như ở nhóm ngân hàng, dầu khí, sắt thép, chứng khoán, thực phẩm… Đồng thời, nhiều nhóm nhỏ hơn, nhất là những nhóm tăng nổi bật đầu phiên như lâm sản & chế biến gỗ, vận tải thủy, nhựa & sợi, giấy… cũng đang cố níu kéo giữ sắc xanh.
Diễn biến chỉ số chính 2 sàn HNX và UPCoM có lẽ cũng đang chịu ảnh hưởng từ VN-Index, tức là cũng lùi dần về tham chiếu, thậm chí chỉ số UPCoM chỉ cách tham chiếu chưa đến nửa điểm. Sắc đỏ đang loang rộng hơn trên nhóm Large Cap sàn UPCoM, với nhiều mã đang giảm nhẹ như ACV, BSR, FOX, QNS, VGT, VTP… 2 ngôi sao sáng đầu phiên là MML và SIP hiện cũng đã đổi màu, thậm chí MML còn giảm bất ngờ hơn 4% chỉ với 4 deal với lượng khớp rất nhỏ bé.
Tổng thể 3 sàn, số lượng cổ phiếu tăng giá đang đạt khoảng 52%, so với hơn 25% giảm giá (tính trên số mã có khớp lệnh). Tính tích cực vẫn thể hiện ở Large Cap, nhưng yếu dần khi xuôi về Small Cap. 1 số Large Cap đang giảm khá sâu bất ngờ (so với đầu phiên) như BSR, VCG, MML, SAB, BCM… ở Mid Capcũng có 1 số mã tên tuổi giảm sâu như HHV hay VGT.
Nhóm BĐS dân dụng lẫn công nghiệp lại nổi lên khá nhiều đốm đỏ, trong đó có những tên tuổi nổi tiếng như VIC, VHM, BCM, DXS, AGG, PHR, SIP, CRE.
Mở cửa: Tăng đồng loạt sau khi bão qua
DJ tăng hơn 500 điểm đêm qua có lẽ là một liều thuốc tinh thần tốt giúp gia tăng lòng tin bắt đáy cổ phiếu Việt sáng nay, sau cơn bão giảm giá mạnh chiều qua. Chỉ số chính sàn HNX đã sớm tăng hơn 1% trước cả khi HOSE mở cửa. Sau đó 15 phút, VN-Index mở cửa tăng gần 15 điểm, tức hơn 1%.
Sàn HOSE có đến hơn 80% số lượng cổ phiếu tăng giá ngay khi mở cửa, và chỉ khoảng 10% giảm giá. Ở nhóm vốn hóa tỷ USD, chỉ có 1 cổ phiếu giảm giá là BCM, còn lại tăng hết. Thậm chí BCM sau đó cũng sửa sai, tăng lại ngay 2%. Ở các nhóm Mid và Small Cap, tình hình cũng rất khả quan, số lượng cổ phiếu giảm giá rất khiêm tốn, tuy nhiên cũng có một vài mã giảm sâu như VCF, và đang chờ sửa sai.
Hầu như tất cả các nhóm ngành lớn nhỏ trên HOSE đều ngập sắc xanh sau cơn “bão” chiều qua. Nhiều cổ phiếu đã giảm về đáy 1 năm, thì sáng nay đều tăng lại cũng từ 2-3% hoặc hơn, trong số đó có không ít Large Cap như PLX, DXG, KDH, SIP, NLG, CTG… Ở các nhóm lớn, BĐS, thực phẩm, bán lẻ và xây dựng là những nhóm có mức tăng bình quân tốt nhất. Ngân hàng cũng có 16 trên 17 mã tăng giá, nhưng đa số chỉ tăng hơn 1%. Ở các nhóm nhỏ hơn, nổi bật lên có lâm sản & chế biến gỗ, hóa chất, vận tải thủy, nhựa & sợi, coa su…
Chỉ có 3 mã cổ phiếu trong nhóm VN30 đứng giá trước khi khớp ATO, còn lại dự kiến tăng hết. Đến thời điểm khớp ATO, tình hình còn khả quan hơn, với đủ 30 mã tăng giá, trong đó tăng tốt nhất là GAS và PLX.
Chỉ số UPCoM-Index tăng yếu hơn so với 2 chỉ số bên 2 sàn niêm yết, nhưng thực tế nhiều Large Cap sàn này vẫn tăng khá không kém, ví dụ như MML, MSR, SIP, VGI, TVN, VEF…
Giá dầu Brent future đã tăng lại 6 USD/thùng lên 80 USD/thùng, và đây cũng là yếu tố giúp cổ phiếu dầu khí nhà PVN kéo giá trở lại, sau chuỗi ngày dài mất giá trong tháng 9 này, thậm chí có không ít mã giảm mạnh chiều qua. Đầu phiên sáng nay, GAS và hàng loạt các tên tuổi khác tăng trở lại, với mức tăng bình quân trên 2%.
Hoàng Nam
FILI
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận