menu
Nhiều yếu tố tác động tích cực lên chính sách tiền tệ năm 2025
Nguyễn Anh Hưng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Nhiều yếu tố tác động tích cực lên chính sách tiền tệ năm 2025

Áp lực tỷ giá được cho là không còn lớn, trong khi mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm sâu… là các yếu tố tác động tích cực lên chính sách tiền tệ vào đầu năm 2025.

Tỷ giá không quá áp lực

Trong báo cáo cập nhật mới nhất về kinh tế Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered dự báo, USD tăng mạnh trong năm 2025, nhưng sẽ suy yếu vào đầu năm. GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh 6,7% vào năm 2025, với mức tăng trưởng nửa đầu năm đạt 7,5% so với cùng kỳ năm trước và 6,1% trong nửa cuối năm.

Theo Standard Chartered, USD dự kiến tăng mạnh vào nửa cuối năm 2025 khi các chính sách thuế quan và biện pháp tài khóa dưới nhiệm kỳ thứ 2 của Tổng thống Donald Trump được làm rõ và triển khai. “USD có thể phải đối mặt với giai đoạn suy yếu vào đầu năm 2025 do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục cắt giảm lãi suất và sự bất ổn trong việc thực hiện chính sách. Những tác động kéo dài của việc tăng lãi suất và USD mạnh lên kể từ tháng 10/2024 có thể gây thêm áp lực lên đồng tiền này”, Standard Chartered cho biết.

Cũng theo Standard Chartered, việc cắt giảm lãi suất gần đây của Fed được kỳ vọng sẽ hỗ trợ các loại tiền tệ châu Á, bao gồm VND. Tuy nhiên, dữ liệu kinh tế Mỹ khả quan hơn dự kiến gia tăng áp lực cho thị trường ngoại hối châu Á. Các yếu tố như bất ổn trong chính sách thương mại và các biện pháp có thể gây lạm phát dưới thời Tổng thống Donald Trump có thể làm giảm tính ổn định của chính sách tiền tệ trong khu vực.

Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam cho hay, năm 2024, chính sách ưu tiên ổn định tỷ giá, qua đó tạo niềm tin đến nhà đầu tư nước ngoài trong việc đảm bảo giá trị vốn đầu tư vào Việt Nam, đã được cơ quan quản lý thực hiện nhất quán và hiệu quả. Hơn 11 tháng qua, USD tiếp tục khẳng định giá trị vượt trội nhờ sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ từ Mỹ, lãi suất USD tiếp tục neo ở mức cao kỷ lục trong nhiều thập kỷ.

Gần như toàn bộ các đồng tiền quan trọng nhất trong thương mại và đầu tư toàn cầu gánh chịu sức ép giảm giá từ 1 đến 10% so với USD, trong đó VND giảm giá khoảng 4,5%, nằm ở mức trung bình. Đây là một thành công lớn trong công tác ổn định tỷ giá trong bối cảnh các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng khá lớn trên thị trường chứng khoán và chuyển vốn về nước.

Chính sách tiền tệ duy trì nới lỏng?

Mặt bằng lãi suất VND vài tháng qua vẫn ổn định, với lãi suất huy động từ các ngân hàng thương mại cho các kỳ hạn dưới 6 tháng khoảng 4-4,5% và kỳ hạn 12 tháng là 5-5,5%. Theo UOB, đây là mức lãi suất phù hợp trong tổng thể lạm phát năm 2024 dưới 4% và lãi suất USD quốc tế quanh mức 4,5%. UOB dự báo, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục giữ các mức lãi suất chính sách như hiện nay trong một chính sách tiền tệ trung hòa vài tháng đầu năm 2025.

Ông Đinh Đức Quang cho rằng, chính quyền mới tại Mỹ đã phát tín hiệu mạnh mẽ với các biện pháp bảo hộ thương mại thông qua việc tăng thuế nhập khẩu hàng hóa, trục xuất lao động nhập cư bất hợp pháp, giảm thuế nội địa…, có thể tạo áp lực lạm phát cao hơn. Từ đó, chu kỳ cắt giảm lãi suất USD có thể chậm lại so với những gì thị trường kỳ vọng. Điều này có thể tạo áp lực lên tỷ giá và mặt bằng lãi suất của tất cả các đồng tiền khác.

Hiện UOB tiếp tục giữ dự báo về đợt cắt giảm lãi suất USD là 0,25% vào kỳ họp ngày 17-18/12/2024, sau đó là các đợt cắt giảm tổng cộng 1% trong năm 2025, đưa lãi suất USD xuống quanh mức 3,5% vào cuối năm 2025. Dự báo này là cơ sở thuận lợi cho Ngân hàng Nhà nước tiếp tục ổn định lãi suất VND và tỷ giá như hiện nay.

Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế khu vực Thái Lan và Việt Nam của Standard Chartered cho biết, ngân hàng này kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong quý II/2025. Kỳ vọng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ từ Chính phủ đang hỗ trợ mức lãi suất thấp trong hiện tại. Các động thái của Fed cũng là yếu tố trọng yếu ảnh hưởng đến các quyết định về chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Vietcombank (VCBS), năm 2024, tốc độ tăng trưởng tín dụng có thể đạt mục tiêu 15%, năm 2025 tiếp tục duy trì mức 14 - 15%. Các động lực sẽ đến từ mặt bằng lãi suất thấp tạo lực đẩy cho nhu cầu vốn; tín dụng bán lẻ tăng tốc với lực đẩy từ hoạt động kinh doanh và tiêu dùng cũng như vay mua nhà; tín dụng bán buôn tiếp tục duy trì ổn định.

VCBS cho rằng, lãi suất huy động sẽ nhích nhẹ vào cuối năm 2024 và đi ngang trong năm 2025, khi Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nỗ lực thúc đẩy tín dụng. Trong khi đó, lãi suất cho vay tiếp tục duy trì ở mức thấp đến giữa năm 2025 theo định hướng hỗ trợ nền kinh tế, nhưng có sự phân hóa giữa các nhóm ngành và các ngân hàng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
25523.00 -7.00 (-0.03%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả