menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vũ Như Hoa

Nhiều nhà đầu tư hạ tầng giao thông nguy cơ phá sản

Chủ đầu tư cầu Văn Lang (nối Việt Trì với Hà Nội) hay dự án nâng cấp quốc lộ 91 (Cần Thơ) đang thua lỗ do khoản thu phí chỉ đạt dưới 30% phương án tài chính.

Tại tọa đàm về tháo gỡ bất cập dự án PPP hạ tầng giao thông ở Hà Nội sáng 31/10, ông Lê Minh Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH BOT Phú Hà, cho hay dự án BOT cầu Văn Lang hoàn thành đầu năm 2019. Năm đầu tiên thu phí chỉ đạt 48% phương án tài chính và giảm dần đến nay còn khoảng 25%. Nguồn thu này chỉ đủ trả 30% chi phí lãi vay của dự án, chưa nói đến việc trả vốn gốc.

Ngoài ra, nhà đầu tư phải bỏ ra hàng chục tỷ đồng vận hành, duy tu cầu hàng năm. Dự án lỗ lũy kế trung bình khoảng 75 tỷ đồng mỗi năm, vỡ phương án tài chính. "Chúng tôi ngày càng khó khăn, nguy cơ phá sản hiện hữu. Nhà nước mua lại dự án là phương án tốt nhất", ông Nghĩa kiến nghị.

Theo ông Nghĩa, nguyên nhân sụt giảm doanh thu là lưu lượng xe qua cầu bị phân lưu sang các đường phát sinh, như cầu Việt Trì cũ không thu phí xe 9 chỗ trở xuống, thêm đường tránh trạm thu phí BOT Hùng Thắng do tỉnh Phú Thọ đầu tư, thêm nút giao IC7 trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Cùng cảnh ngộ, ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch Hội đồng quản trị doanh nghiệp dự án nâng cấp quốc lộ 91 (Cần Thơ), nói: "Chúng tôi bị ngân hàng đưa vào nợ xấu nhóm 5, lãnh đạo công ty vay tiền cá nhân cũng không được".

Dự án BOT cải tạo quốc lộ 91 từ Cần Thơ đi An Giang hoàn thành 2016, thu phí tại hai trạm T1 và T2 ổn định. Đến năm 2019, cầu Vàm Cống đưa vào khai thác phát sinh vướng mắc tại trạm T2 và phải ngừng thu phí từ 2019 đến nay.

Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp với địa phương nghiên cứu xóa bỏ trạm T2, nhà đầu tư thu phí trạm T1 để hoàn vốn cho dự án BOT như hợp đồng. Tuy nhiên, phương án này không khả thi do trong khu vực dự án có các tuyến đường song hành, phương tiện được sử dụng không mất phí dẫn đến phân chia lưu lượng, không bảo đảm hiệu quả tài chính của dự án. Hiện nay doanh thu dự án chỉ đạt 15-20%, vỡ phương án tài chính.

"Nhà nước cần nhanh chóng xử lý dự án này bởi chủ đầu tư phải gánh lãi vay ngân hàng nên càng thua lỗ kéo dài thì nhà đầu tư và nhà nước càng thiệt hại", ông Khang nói.

Cầu Văn Lang, nâng cấp quốc lộ 91 là 2 trong số 8 dự án BOT giao thông gặp vướng mắc, cùng với dự án quốc lộ 3 Thái Nguyên - Chợ Mới, hầm Đèo Cả, cải tạo nâng cấp luồng sông Sài Gòn, dự án đường tránh TP Thanh Hóa, cầu Thái Hà... Các dự án này đang phải dừng thu phí, thu phí thấp dưới 30% so với phương án tài chính. Nguyên nhân khách quan xuất hiện sau khi ký kết hợp đồng, hoặc thay đổi chính sách tại địa phương.

Về giải pháp xử lý các dự án, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, đề nghị các nhà đầu tư, ngân hàng, cơ quan nhà nước phê duyệt dự án cùng ngồi để làm rõ, chia sẻ trách nhiệm. Khi chính sách đã thay đổi ảnh hưởng đến dự án thì cần được đàm phán lại hợp đồng. Với dự án có cơ sở pháp lý chặt chẽ, lỗi hoàn toàn do cơ quan nhà nước thì nhà nước phải trả tiền theo nội dung cam kết, cộng thêm lãi suất, hoặc trả lại quyền thu phí cho doanh nghiệp.

Với trường hợp chưa có kinh phí mua lại dự án thì các bên cần đàm phán, ví dụ tính toán điều chỉnh lãi vay, dừng xử lý nợ xấu đối với doanh nghiệp vì "nợ xấu là hệ lụy từ nhà nước song hiện nay bắt nhà đầu tư phải chịu", hoặc trước mắt nhà nước trả lại vốn chủ sở hữu nhà đầu tư đã góp.

Theo PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư hạ tầng giao thông (VARSI), các nhà đầu tư đã hoàn thành trách nhiệm trong hợp đồng, sản phẩm đã mang lại hiệu quả cho xã hội. Khó khăn của dự án là do khách quan và chủ quan của Nhà nước thông qua việc thay đổi chính sách, quy hoạch sau khi dự án BOT đã triển khai. Theo hợp đồng, nhà nước là một bên có trách nhiệm trong thực hiện dự án, chứ không chỉ nhà đầu tư.

Hiệp hội sẽ kiến nghị Chính phủ giải quyết dứt điểm sớm các dự án PPP gặp vướng mắc để doanh nghiệp không bị phá sản, tạo niềm tin cho nhà đầu tư tư nhân và ủng hộ phương án hợp tác giữa nhà nước và tư nhân.

Giai đoạn 2005-2020, trong bối cảnh ngân sách nhà nước khó khăn, các tuyến quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh... hư hỏng, Bộ Giao thông Vận tải đã huy động khoảng 247.570 tỷ đồng để đầu tư 72 dự án hạ tầng theo phương thức đối tác công tư (PPP). Đến nay, các dự án này đã hoàn thành, đưa vào khai thác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông.

Theo hợp đồng ký kết với các dự án hạ tầng, Nhà nước sẽ hỗ trợ, chia sẻ rủi ro khi dự án đạt doanh thu thấp, song qua nhiều năm vướng mắc của các dự án trên vẫn chưa được giải quyết. Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất Chính phủ cho phép mua lại 8 dự án với chi phí 13.115 tỷ đồng để chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nội dung này.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
2 Yêu thích
1 Bình luận 7 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại