menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Chi An

Nhiều người Hàn Quốc vỡ mộng làm giàu, mua nhà

Nhiều người trẻ ở Hàn Quốc cho rằng dù bản thân có nỗ lực, họ cũng không đủ tiền mua nhà, trong khi sự bất bình đẳng xã hội ngày càng trầm trọng. 

Ngày càng nhiều người có mức thu nhập thấp và trung bình ở Hàn Quốc trở nên bi quan, khi nấc thang phát triển trong xã hội bị phá vỡ. Nói cách khác, họ dường như không có cơ hội để thăng tiến và khoảng cách phân biệt giàu nghèo ngày càng rõ trong xã hội.

Anh Kim Jae-sung (26 tuổi), một cử nhân tốt nghiệp đại học ở Seoul nằm trong số nhiều người nhận thấy cơ hội leo lên nấc thang mới trong xã hội là không còn. Chuẩn bị gia nhập thị trường việc làm, nhưng anh Kim nhận thấy mức thu nhập thấp cùng các khoản nợ dai dẳng sẽ khiến cuộc sống cá nhân trở nên khó khăn hơn trong tương lai.

“Tôi có thể làm việc cả đời, nhưng tôi sẽ không bao giờ có đủ tiền để mua nhà”, câu nói mà anh Kim và bạn bè của mình thường nói với nhau mỗi lần có dịp hội ngộ.

“Những người bạn và tôi đều cho rằng mức thu nhập hàng tháng không thể đảm bảo cho tương lai gần, chứ không nói tới hy vọng trở thành người giàu có. Nếu không trúng số nhờ tiền điện tử, chứng khoán hoặc nổi tiếng trên YouTube, hy vọng đổi đời của tôi là gần như không thể”, anh Kim chia sẻ với Korea Times.

Trong khi đó, anh Kim Jeong-seok (41 tuổi), một kỹ sư ở thành phố Suwon thuộc tỉnh Gyeonggi, cũng đã chia sẻ với bạn bè và đồng nghiệp về những khó khăn liên quan tới tình trạng bất bình đẳng xã hội.

“Giờ đây dù bản thân đã nỗ lực, tôi vẫn thấy rất khó để có được cuộc sống tốt đẹp hơn so với thời điểm mới ngoài 20 tuổi. Sự bất bình đẳng dường như ngày càng trầm trọng hơn khi mà thu nhập tài chính từ các khoản đầu tư đã vượt xa mức lương hàng tháng", anh Kim Jeong-seok nói.

Theo một cuộc điều tra được Viện Thống kê Hàn Quốc công bố hôm 17/11, 6/10 người trưởng thành ở nước này tin rằng họ dường như không có cơ hội để cải thiện tình hình kinh tế xã hội cá nhân. Chỉ 25,2% trong tổng số 36.000 tham gia cuộc điều tra cho hay, những nỗ lực của bản thân có thể giúp họ cải thiện tình trạng kinh tế xã hội cá nhân.

Sự thiếu niềm tin trở nên càng lớn ở nhóm người tự nhận mình ở nhóm thu nhập thấp. Cụ thể, trong số những người tham gia cuộc điều tra, 55,9% người tự nhận thuộc nhóm thu nhập cao cho biết tầng lớp của họ có cơ hội cao để tăng mức sống. Nhưng con số này ở nhóm thu nhập thấp chỉ là 14,9%.

“Không kể tới yếu tố giáo dục và ngành nghề làm việc, vấn đề tầng lớp xã hội và quyền thừa kế tài sản đã đẩy nhiều người lên nấc thang cao hơn trên bậc thang xã hội”, ông Lee Byoung-hoon, Giáo sư xã hội học tại Đại học Chung-Ang nhận định.

Cô Hong Seul-ki (30 tuổi), một nhà tiếp thị tự do đến từ thành phố Gwangmyeong của tỉnh Gyeonggi, thừa nhận cô bị phân biệt đối xử tại nơi làm việc chỉ vì trình độ học vấn cá nhân.

"Ở thế hệ của tôi, việc một người vào Đại học và xin việc làm sẽ phụ thuộc vào năng lực kinh tế của cha mẹ. Điều tồi tệ hơn là nhiều người lại ủng hộ sự phân biệt này", cô Hong cho hay.

Vụ bê bối vào năm 2019 của cựu Bộ trưởng Tư pháp Hàn Quốc Cho Kuk chính là ví dụ điển hình. Theo đó, ông Cho và vợ bị cáo buộc lợi dụng địa vị và tầm ảnh hưởng cá nhân để giúp con cái được học tại những ngôi trường Đại học danh giá.

"Chuyện này phổ biến trên thế giới, khi các bậc cha mẹ có xu hướng giáo dục con cái để duy trì hoặc nâng cao vị thế xã hội. Ngoài ra, tầm ảnh hưởng lớn hơn của họ đối với thị trường việc làm cùng khối tài sản cá nhân cũng là vấn đề chính trong xã hội Hàn Quốc và dẫn tới bất bình đẳng xã hội", Giáo sư Lee cho biết.

Một yếu tố khác ảnh hưởng đến xã hội Hàn Quốc chính là bất động sản. Theo đó, khoảng cách giàu nghèo giữa những người sở hữu nhà và người không có nhà ngày càng nới rộng và khó có thể bắt kịp.

“Về tài sản, khoảng cách giữa người sở hữu bất động sản ở khu vực thủ đô và người không có nhà ngày càng mở rộng hơn trong 10 năm qua. Khoảng cách này không thể lấp đầy chỉ trong một sớm một chiều”, anh Park Mun-su (31 tuổi), một nhà phát triển chương trình nhận định.

Bản báo cáo toàn cầu cũng đã hé lộ Hàn Quốc xếp ở vị trí khá thấp về mức độ dịch chuyển xã hội so với tình trạng kinh tế quốc gia. Cụ thể, theo Báo cáo Chỉ số Di chuyển xã hội toàn cầu năm 2020 của WTO, Hàn Quốc xếp thứ 25 trong số 82 quốc gia về mức độ dịch chuyển xã hội, trong khi tiềm lực kinh tế lại đứng thứ 12.

Báo cáo nhấn mạnh, "Kết quả của việc thiếu sự dịch chuyển xã hội là do các cơ hội trong đời sống cá nhân vẫn bị ràng buộc bởi yếu tố kinh tế xã hội kể từ khi họ được sinh ra, dẫn tới sự bất bình đẳng kéo dài".

Các chuyên gia cho rằng chính phủ Hàn Quốc nên có thêm nỗ lực để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo nhằm xóa bỏ vấn nạn bất bình đẳng xã hội.

“Công tác giáo dục người dân cần được tăng cường, các cá nhân nên được đánh giá bằng chính năng lực bản thân, thay vì xem họ ở tầng lớp nào trong xã hội”, Giáo sư Lee kết luận.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại