24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hồ Anh Tài
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Nhiều doanh nghiệp vận tải tăng giá cước

Giá xăng dầu tăng cao, một số doanh nghiệp vận tải tăng giá vé xe khách, cước taxi 10-20% từ tuần này.

Ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát (chủ nhà xe Sao Việt) cho biết đã làm hồ sơ gửi các cơ quan chức năng thông báo điều chỉnh thêm 50.000 đồng một vé (tăng 20%) so với giá cũ. Như vậy, mỗi vé xe chặng Hà Nội - Lào Cai từ 230.000 đồng sẽ lên 280.000 đồng cuối tuần này.

Theo ông Bằng, giá xăng dầu chiếm gần 40% chi phí vận tải nên khi xăng tăng giá lên gần 30.000 đồng một lít mà doanh nghiệp không điều chỉnh giá vé sẽ chết ngay. "Hành khách có thể kêu ca khi giá vé tăng, song chúng tôi mong mọi người chia sẻ. Các đơn vị vận tải đang lỗ chồng lỗ, hoạt động cầm cự chứ không có lợi nhuận", ông Bằng nói.

Hiện hãng Sao Việt vận hành khoảng 30% số lượng xe hiện có do ảnh hưởng dịch bệnh, xe còn nằm bãi nhiều ngày. Gần đây, dịch bệnh bùng phát mạnh nên lượng khách đi lại càng giảm, chỉ chiếm 30% công suất xe. Nhiều chuyến do quá vắng khách đã phải cắt để dồn chuyến, dồn khách. Công ty càng chạy càng lỗ, giờ lại thêm giá xăng dầu tăng khiến hoạt động vận tải lúc này rất khó khăn.

Ông Tạ Long Hỷ - Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam kiêm Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP HCM cũng thông tin, mức tăng hiện nay của giá xăng đã quá sức chịu đựng của doanh nghiệp nên công ty phải điều chỉnh giá cước.

Theo ông Hỷ, doanh nghiệp dự kiến xin tăng khoảng 1.000 đồng một km. "Chúng tôi đang chờ quyết định giảm thuế môi trường để tính toán lại cho hợp lý và trình Sở Tài Chính TP HCM xin điều chỉnh giá cước trong tháng 3 này", ông Hỷ nói.

Thông tin từ Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam Nguyễn Công Hùng cũng cho thấy, các hãng taxi, xe hợp đồng hiện phải tăng giá cước 10-15%, tương đương tăng 1.000-2.000 đồng mỗi km, có thể tăng hơn nữa theo tình hình xăng dầu thế giới.

"Nếu không tăng giá cước thì không có thu nhập cho người lao động. Hiện nay doanh thu các hãng taxi đều sụt giảm, số xe hoạt động cầm chừng chỉ 60%", ông Hùng nói.

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội thống kê, nửa đầu tháng 3 đã có 16 đơn vị vận tải gửi hồ sơ xin tăng giá cước, trong đó có 14 hãng xe taxi tăng giá cước từ 5 đến 15% tùy loại xe và 2 doanh nghiệp xe khách tăng 50.000-60.000 mỗi vé so với trước.

Trước đó, Grab - hãng gọi xe có quy mô lớn nhất ở Việt Nam thông báo tăng cước tất cả dịch vụ từ 10/3 để hỗ trợ tài xế khi giá xăng lên cao nhất từ trước tới nay.

Hãng gọi xe công nghệ này tăng giá 2 km đầu tiên của dịch vụ GrabCar 4 chỗ tại Hà Nội, TP HCM lên 29.000 đồng, 7 chỗ lên 34.000 đồng. Cả hai mức này tăng 2.000 đồng so với hiện tại. Mỗi km tiếp theo của 2 dịch vụ này cũng lên 10.000 đồng, tăng 500 đồng. Tại các tỉnh, thành phố khác, giá dịch vụ GrabCar tăng 2.000-2.500 đồng cho 2 km đầu tiên, khoảng 600 đồng cho mỗi km sau đó.

Không chỉ xe hành khách, một số doanh nghiệp chở hàng hóa cũng đã tăng giá cước vận chuyển. Ông Long Văn Toàn, Trưởng phòng vận tải một Công ty Vận tải logistics tại Hà Nội cho hay, cuối năm trước, các hợp đồng vận chuyển với các đối tác được ký khi giá dầu chỉ là 18.000 đồng một lít, hiện nay giá đã tăng gần 50%. Do đó, đơn vị này phải tăng đơn giá 15% với các hợp đồng vận tải hàng hóa đã ký với khách hàng.

Mỗi tháng doanh nghiệp logistics này chi phí hơn một tỷ đồng tiền dầu cho các phương tiện vận tải. Với giá mới, doanh nghiệp sẽ có thêm khoảng 400 triệu đồng mỗi tháng để bù chi phí.

Trong hợp đồng có khoản điều chỉnh khi giá dầu tăng, phần lớn đối tác cũ chấp nhận, song khách hàng mới không đồng tình", ông Toàn nói và cho rằng, nhà nước cần có chính sách sớm bình ổn giá xăng dầu để các doanh nghiệp có sự điều chỉnh giá cả phù hợp.

Ông Bùi Danh Liên, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho hay, dịch bệnh kéo dài khiến doanh nghiệp vận tải đã cạn kiệt nguồn lực, nhiều đơn vị phá sản, phải đi vay để duy trì hoạt động, cộng thêm giá xăng dầu tăng càng khiến doanh nghiệp thua lỗ, lái xe mất thu nhập. Hầu hết doanh nghiệp phải tính toán lại chi phí sản xuất, giá thành để vẫn bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho thị trường.

"Các đơn vị vận tải hành khách đều mong Nhà nước có cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp như miễn giảm các loại thuế. Các ngân hàng cần giảm lãi suất, cho phép doanh nghiệp giãn nợ và cơ cấu lại nợ để cầm cự trong lúc khó khăn", ông Liên nói.

Ngày 11/3, giá xăng dầu trong nước đã có mức tăng mạnh nhất trong lịch sử, giá xăng E5 RON 92 lên 28.980 đồng một lít; RON 95 là 29.820 đồng. Đây là lần tăng thứ 7 liên tiếp của giá xăng trong nước từ giữa tháng 12/2021 đến nay. Như vậy, giá xăng RON 95 đã tiến sát ngưỡng 30.000 đồng một lít.

Giá các loại dầu đều tăng. Dầu hoả là 23.910 đồng một lít, tăng 3.940 đồng. Dầu diesel là 25.260 đồng một lít, tăng 3.950 đồng. Dầu mazut là 20.980 đồng một kg, tăng 2.520 đồng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả