Nhiều doanh nghiệp dệt may kinh doanh khả quan trong quý 3
Đối lập với suy nghĩ dịch Covid-19 sẽ kìm hãm đà tăng lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp dệt may, kết quả kinh doanh quý 3 của toàn ngành lại cho thấy tín hiệu khả quan.
Trong tổng số 19 doanh nghiệp dệt may trên sàn công bố kết quả kinh doanh quý 3/2021, có 12 doanh nghiệp tăng lãi, 4 doanh nghiệp giảm lãi và 3 doanh nghiệp báo lỗ.
Tăng trưởng giữa làn sóng Covid-19 bùng phát
Doanh nghiệp dệt may báo lãi ròng tăng trưởng trong quý 3/2021.
Đvt: Tỷ đồng
Dẫn đầu đà tăng là Tổng CTCP Dệt may Hòa Thọ (UPCoM: HTG) với con số lãi ròng thu về là 48 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ. Theo HTG, đầu quý 3/2021 đến nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới bước đầu được kiểm soát nhờ các nỗ lực trong việc thực hiện hàng loạt các chiến dịch tiêm chủng mở rộng toàn cầu. Nhu cầu mua sắm hàng may mặc của khách hàng dần hồi phục trở lại. Đồng thời từ đầu năm đến nay, đồng VND đã tăng giá so với USD, với xu hướng giảm giá đồng USD, Tổng Công ty ghi nhận lãi chênh lệch tỷ giá trong quý 3 là 13.5 tỷ đồng.
Do dịch bệnh, CTCP Sợi Thế Kỷ (HOSE: STK) cũng bị ảnh hưởng về năng suất khai thác cũng như bán hàng bị chậm lại. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh vẫn tốt so với cùng kỳ năm trước, nhờ Công ty ưu tiên sản xuất và bán hàng (thường và tái chế) các mặt hàng mang lại giá trị gia tăng cao hơn, làm cho biên lợi nhuận cao hơn và đạt kế hoạch quý mặc dù doanh thu chưa đạt kế hoạch. Cụ thể, doanh thu thuần quý 3 tăng 43% so cùng kỳ, đạt gần 469 tỷ đồng và lãi ròng hơn 62 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Đặng Triệu Hòa - Tổng Giám đốc STK cho biết, do không phải tất cả các công nhân đều tham gia sản xuất 3 tại chỗ trong quý 3/2021 nên Công ty chỉ sử dụng khoảng 55% công suất. Tuy nhiên, ngoài lượng hàng sản xuất trong kỳ, Công ty còn bán thêm hàng tồn kho nên doanh thu chỉ giảm khoảng 10-11% so với quý 2/2021. Dự kiến trong thời gian sắp tới, khi nguồn nhân lực, cùng với điều kiện vận chuyển hàng hóa được bổ sung và cải thiện tốt hơn thì Công ty sẽ tăng sản lượng sản xuất và doanh số bán hàng.
Tương tự, “ông lớn” của ngành dệt may là Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex, UPCoM: VGT) cũng báo lãi ròng tăng phi mã lên gần 187 tỷ đồng, gấp 2.6 lần cùng kỳ.
VGT cho hay, kết quả tăng trưởng trong quý 3 đến từ sự đóng góp của các lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính, đặc biệt là lĩnh vực sợi. Sau giai đoạn 2019-2020 bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh thương mại và dịch bệnh, thị trường sợi trong năm 2021 đã có sự phục hồi mạnh mẽ, các đơn vị sợi trong Tập đoàn đều có kết quả kinh doanh tốt, đóng góp đáng kể vào kết quả tích cực chung của VGT. Bên cạnh đó, trong quý 3, khi dịch bệnh bùng phát mạnh ở phía Nam, tình hình sản xuất kinh doanh của một số đơn vị may ở khu vực này có những diễn biến bất lợi. Tuy nhiên, VGT vẫn đang kiểm soát được tình hình chung.
Còn về phía Đầu tư và Thương mại TNG (HNX: TNG) cũng thu về hơn 85 tỷ đồng lãi ròng (tăng 31%) và đây cũng là quý báo lãi cao nhất từ trước đến nay của doanh nghiệp dệt may này. Để đạt được kết quả như vậy, ngay từ đầu năm Công ty đã định hướng khai thác, tăng tỷ trọng các khách hàng FOB chủ đạo cùng với việc khách hàng dịch chuyển đơn hàng từ các nước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh sang Việt Nam. Bên cạnh đó, TNG đã xác định tập trung vào các dòng sản phẩm kỹ thuật, dòng sản phẩm cao cấp hơn cùng với việc áp dụng triệt để các giải pháp quản trị tăng năng suất lao động.
Khó khăn vẫn bủa vây
Do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong quý 3, năng suất lao động không đạt kế hoạch, cộng với chi phí hoạt động theo phương thức 3 tại chỗ tăng cao, đã khiến Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HOSE: TCM) ôm lỗ ròng gần 3 tỷ đồng trong quý 3. Biên lãi gộp cũng thu hẹp lại, từ gần 15% xuống chỉ còn 10%. Đáng chú ý, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của TCM 9 tháng đầu năm ghi nhận âm gần 16.5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ dương 348 tỷ đồng, biến động lớn đến từ hàng tồn kho.
TCM cũng cho biết, Công ty đã nhận đơn hàng đến cuối năm 2021 và quý 1/2022. Hiện, Công ty đang đẩy mạnh xây dựng nhà máy may Thành Công Vĩnh Long 2 để kịp sản xuất đơn hàng cho năm 2022.
Doanh nghiệp dệt may báo lãi ròng giảm tốc và thua lỗ trong quý 3/2021.
Đvt: Tỷ đồng
Đơn hàng nhận được từ khách hàng giảm, doanh thu sản xuất và doanh thu bán hàng cũng đồng loạt giảm, đó là các tác nhân chính khiến Garmex Sài Gòn (HOSE: GMC) báo lỗ ròng gần 7 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 4.5 tỷ đồng.
Hay như Đầu tư và Phát triển Đức Quân (HOSE: FTM) cũng ghi nhận lỗ ròng hơn 37 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 49 tỷ đồng). Theo FTM, trước đó, trong giai đoạn quý 3/2020 Công ty phải dừng sản xuất hoàn toàn nhà máy 2 và nhà máy 5 do dịch bệnh Covid bùng phát, đã bắt đầu ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh, khiến doanh thu sụt giảm dẫn tới chi phí cố định không đủ bù đắp. Quý 3/2021 dịch bệnh có giảm bớt hơn so với cùng kỳ, cho nên việc duy trì nhà máy 1 được ổn định, Công ty đã huy động nguồn lực để khôi phục hơn 50% sản lượng nhà máy 2 và 50% sản lượng nhà máy 4.
Tuy nhiên, lỗ triền miên 11 quý liên tiếp đã nâng tổng lỗ lũy kế của FTM cán mốc gần 328 tỷ đồng.
Chịu ảnh hưởng từ dịch, không báo lỗ nhưng con số lợi nhuận của Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (HOSE: GIL) cũng thả dốc 79%, xuống chỉ còn 18 tỷ đồng. Biên lãi gộp của doanh nghiệp dệt may cũng thu hẹp từ gần 19% xuống còn 15%.
Loạt doanh nghiệp vượt kế hoạch
Dù chỉ vừa khép lại quý 3 nhưng đã có đến 6/19 doanh nghiệp dệt may công bố vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm. Những cái tên góp mặt trong danh sách lần lượt là HTG, SVD, HSM, ADS, TET và X20.
Song song đó, mặc dù Tổng CTCP Phong Phú (UPCoM: PPH) chỉ thực hiện được 53% mục tiêu doanh thu nhưng đơn vị cũng đã vừa hoàn thành chỉ tiêu lãi sau thuế 2021.
Hay như TNG cũng suýt soát hoàn thành kế hoạch khi đã thực hiện được 97% mục tiêu lợi nhuận.
Kém cỏi hơn, dù đã đi qua ¾ chặng đường nhưng loạt doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện được 75% mục tiêu lợi nhuận 2021 là M10, GMC, TCM, TDT, VGT, EVE.
Doanh nghiệp dệt may thực hiện kế hoạch 2021 sau 9 tháng. Đvt: Tỷ đồng
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận