menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Chu Thị Thanh

Nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu miền Tây tiếp tục kêu khó

Nhiều DN chấp nhận bị rút giấy phép do phải gánh khoản lỗ vài trăm triệu đồng mỗi tháng trong thời gian dài...

Nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu miền Tây cho biết phải gánh khoản lỗ vài trăm triệu đồng mỗi tháng trong thời gian dài, không thể cầm cự nên xin ngưng hoạt động.

Ông Lê Văn Thanh ở TP Cần Thơ cho biết, gia đình có ba cửa hàng xăng dầu. Trước tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ, chiết khấu 0 đồng diễn ra từ tháng 7 đến nay, ba cửa hàng của ông phải gánh khoản lỗ gần 300 triệu đồng mỗi tháng. "Gia đình tôi kinh doanh xăng dầu hơn 30 năm chưa gặp phải tình cảnh này bao giờ", ông nói.

Nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu miền Tây tiếp tục kêu khó
Môt cửa hàng xăng dầu ở quận Ninh Kiều, Cần Thơ hết xăng bán trong ngày 25/10. Ảnh: Nguyên Anh

Ông cho biết công ty có ký cam kết sản lượng với doanh nghiệp đầu mối nhưng mấy tháng qua, sản lượng không được nhập đủ 100% nên ngày bán, ngày nghỉ. Trong khi đó, giá chiết khấu (giao tại kho) hiện là 50-200 đồng một lít xăng, trừ chi phí vận chuyển, kinh doanh không có lời.

Hơn nữa, cơ cấu mặt hàng cũng không đều, ông Thanh cho biết cần xăng A95 nhưng công ty đầu mối chỉ cung cấp dầu hoặc xăng E5 cho đủ sản lượng. "Nếu đến cuối năm nay, tình hình không cải thiện, những cửa hàng nhỏ như chúng tôi buộc phải nghỉ bán, chấp nhận bị rút giấy phép", ông Thanh nói.

Cùng cảnh khó, Công ty Cổ phần taxi Mekong chi nhánh Cần Thơ cho biết mới xin tạm ngưng kinh doanh cửa hàng bán lẻ gần một tháng. Lý do là công ty vừa trải qua hai năm khó khăn bởi dịch Covid, giờ càng chật vật khi nguồn cung xăng dầu không ổn định, chiết khấu quá thấp...

Đơn vị này cho biết, chi phí hoạt động của một cửa hàng xăng dầu khá cao, như tiền công nhân viên, thuê mặt bằng, sửa chữa bảo trì thiết bị, vận chuyển, điện nước, lãi ngân hàng... Các chi phí này lại không được tính vào giá bán. Các cửa hàng bán lẻ chỉ có nguồn thu duy nhất là chiết khấu xăng dầu của thương nhân nhưng khoản này có lúc về 0 đồng.

"Có quá nhiều khó khăn dồn dập ập đến khiến chúng tôi không thể tiếp tục kinh doanh. Từ đầu năm đến nay, chúng tôi liên tục thua lỗ nên không thể cầm cự", giám đốc chi nhánh này trình bày và cho biết đang phải gánh khoản lỗ từ 400-500 triệu đồng mỗi tháng.

Người kinh doanh xăng dầu ở một số địa phương khác tại Đồng bằng sông Cửu Long cũng rơi vào cảnh tương tự. Trên tuyến quốc lộ Nam Sông Hậu, nối các tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng và Bạc Liêu hiện vẫn còn nhiều trạm xăng đóng cửa hoặc treo biển hết hàng. Cũng có một số nơi mở cửa nhưng bán cầm chừng với mức 20.000-30.000 đồng một lượt.

Chủ đại lý bán lẻ xăng dầu Năm Hung ở xã Đại Ngãi, huyện Long Phú, Sóc Trăng, bà Nguyễn Thị Bích Vân kể, đại lý của bà đã ngưng bán cả tháng nay vì không thể nhập được hàng. Nhà kho cung ứng hàng cho đại lý thông báo không có hàng giao, hoặc đôi lúc giao được 1.000-2.000 lít cầm chừng.

Nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu miền Tây tiếp tục kêu khó
Một cửa hàng xăng dầu ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang đặt biển thông báo: "Hết xăng, còn dầu với vé số". Ảnh: Nguyên Anh

"Mức hoa hồng hiện tại dao động 30-100 đồng mỗi lít, không đủ chi phí hoạt động. Thế nhưng, hiện các đầu mối cũng không có hàng để cung ứng" bà nói và cho biết gia đình muốn có xăng dùng phải đi khá xa để mua về đổ xe chở con đi học. Những trạm xăng gần đó đều lâm vào tình cảnh như bà.

Ông Mai Văn Huy, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Dầu khí Nam Sông Hậu, cho rằng các giải pháp ổn định thị trường hiện nay cơ bản hướng đến các thương nhân đầu mối mà chưa quan tâm đại lý - người trực tiếp bán hàng hoá. "Trong khi rõ ràng họ là người chịu thiệt nhiều nhất, thua lỗ trong vài tháng họ có thể trụ được, còn tình trạng này diễn ra thời gian dài làm sao họ còn vốn để làm ăn", ông nói.

Để giải quyết tình hình trên, UBND tỉnh Sóc Trăng vừa đề xuất Bộ Công Thương tham mưu, kiến nghị Thủ tướng ưu tiên đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự của Chính phủ để thảo luận, sớm có giải pháp điều hành phù hợp với tình hình thực tế.

Tỉnh này cũng đề xuất cơ quan quản lý tính toán lại giá cơ sở, đảm bảo hài hòa lợi ích; nghiên cứu, điều chỉnh Nghị định 95/2021 (về kinh doanh xăng dầu) theo hướng quy định thời gian điều hành giá xăng đúng chu kỳ, linh hoạt, kể cả thời gian trùng ngày nghỉ, Lễ, Tết.

Ông Nguyễn Ngọc Hiền – Phó cục trưởng phụ trách Cục Quản lý thị trường TP Cần Thơ cũng cho biết đã có ý kiến lên các cơ quan quản lý để tháo gỡ tình trạng này trong thời gian tới.

Trong khi đó, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên trong buổi thảo luận tổ của Quốc hội về tình hình kinh tế, xã hội, ngân sách ngày 22/10, cho rằng Việt Nam chưa bao giờ thiếu nguồn cung xăng dầu. Ông dẫn chứng tổng nguồn cung trong nước ở cuối tháng 9, giữa tháng 10 khoảng 3 triệu m3 xăng dầu. Với lượng dự trữ này, ông Diên khẳng định, hoàn toàn đáp ứng nguồn cung trong nước tới gần hết tháng 11.

Theo ông, tình trạng cây xăng đóng cửa, hết hàng... chỉ tập trung ở TP HCM và các tỉnh phía Nam. Ngoài nguyên nhân doanh nghiệp bị lỗ, khu vực này trước đây có lượng đáng kể xăng dầu trôi nổi, kể cả hàng lậu, giả. Vừa qua, lực lượng chức năng siết chặt, triệt phá loạt đường dây buôn xăng dầu giả. Do đó, khi nguồn cung thế giới thiếu, giá biến động, chiết khấu thấp, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu kiếm ít tiền hơn so với trước đây, thậm chí bị lỗ so với giai đoạn kinh doanh xăng trôi nổi. "Nên không ai muốn làm", ông Diên nói.

Một lý do khác được ông Diên đề cập là vừa qua cơn lốc chứng khoán, bất động sản cũng có tác động nhất định. Theo ông, một số doanh nghiệp xăng dầu ít nhiều có đổ tiền đầu tư vào chứng khoán, bất động sản. Thời gian qua, hai mảng này thua lỗ đã ảnh hưởng tới các doanh nghiệp, khiến họ không đủ nguồn tiền nhập hàng.

Tuy nhiên, tình trạng bất ổn thị trường xăng dầu theo nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá là do thiếu phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước. Bộ Công Thương, Tài chính đã điều hành chưa sát thực tế thị trường.

Nữ đại biểu tỉnh Kiên Giang đề nghị Chính phủ phân tích nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước và cần chỉ đạo điều hành giữa các bộ, ngành để tình trạng này không tái diễn.

"Doanh nghiệp nói buôn bán phải có lời, nhưng thời gian qua mua vào, bán ra lỗ, chiết khấu bằng không, làm sao bán, kinh doanh được. Cần nghiên cứu giải pháp điều tiết phù hợp", nữ đại biểu tỉnh Kiên Giang đề nghị...

Dự báo tình hình xăng dầu còn nhiều biến động, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị Quốc hội cần ủy quyền cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định các vấn đề liên quan đến thuế xăng dầu.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
5 Yêu thích
4 Bình luận 7 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại