24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Dương Hải
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Nhiều bất cập trong sử dụng 3.000 tỷ đồng mỗi năm của ngành đường sắt

“Soi” hoạt động quản lý của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Còn nhiều điểm phải chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong hoạt động quản lý, sử dụng khoản ngân sách trị giá khoảng 3.000 tỷ đồng mỗi năm mà Nhà nước dành cho bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt.

Lệch quy định

Kiểm toán Nhà nước vừa có Thông báo số 289/TB- KTNN thông báo kết quả kiểm toán chuyên đề việc quản lý, sử dụng kinh phí hoạt động kinh tế đường sắt năm 2020 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR).

Đây là lần đầu tiên, Kiểm toán Nhà nước tiến hành “soi” hoạt động quản lý, sử dụng khoản ngân sách dành cho lĩnh vực bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, vốn chỉ được giới hạn trong một số ít đơn vị chuyên ngành đường sắt.

Mặc dù tại Thông báo 289, Kiểm toán Nhà nước không dùng cụm từ “sai phạm”, nhưng công tác quản lý, sử dụng kinh phí hoạt động kinh tế đường sắt năm 2020 vẫn còn nhiều điểm bất cập phải chấn chỉnh, rút kinh nghiệm.

Năm 2020, Bộ Giao thông - Vận tải và VNR được giao kinh phí hoạt động kinh tế đường sắt 2.920 tỷ đồng, trong đó, kinh phí dành cho bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia là 2.891,99 tỷ đồng (chiếm 97%).

Kiểm toán Nhà nước yêu cầu VNR thu hồi nộp ngân sách nhà nước 1,043 tỷ đồng; giảm trừ dự toán 677 triệu đồng.

Bất cập lớn đầu tiên mà Kiểm toán Nhà nước chỉ ra liên quan đến việc giao dự toán, đặt hàng bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia giữa Bộ GTVT và VNR.

Cụ thể, khoản 1, Điều 49, Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 quy định: “Sau khi được Chính phủ, UBND giao dự toán ngân sách, các đơn vị dự toán cấp 1 ở trung ương và địa phương thực hiện phân bổ và giao dự toán ngân sách cho các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc”; điểm c, khoản 1, Điều 10, Nghị định số 46/2018/NĐ-CP quy định: “Trên cơ sở quyết định giao dự toán ngân sách nhà nước của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Bộ GTVT giao dự toán ngân sách nhà nước cho cơ quan được giao quản lý tài sản, trong đó có phần kinh phí dành cho bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia”.

Giai đoạn trước năm 2018, việc VNR được Bộ GTVT giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt và tổ chức thực hiện thu từ khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt để phục vụ quản lý, bảo trì là hợp lý, đúng quy định. Tuy nhiên, từ tháng 9/2018, VNR là đơn vị thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và không còn thuộc Bộ GTVT.

Do đó, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, việc Bộ GTVT giao dự toán năm 2020 cho VNR là chưa phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

Cần phải nói thêm rằng, để khắc phục bất cập nói trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Văn bản số 636/TTg-CN ngày 19/5/2021, trong đó yêu cầu Bộ GTVT chịu trách nhiệm đặt hàng toàn bộ đối với việc bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2021 với VNR trước ngày 24/5/2021. VNR tổ chức thực hiện, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng, Bộ GTVT về việc tổ chức thực hiện quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, đảm bảo hoạt động giao thông đường sắt thông suốt, trật tự, an toàn, chính xác, theo đúng quy định của pháp luật.

Bất cập giao dự toán

Một hạn chế khác được chỉ ra liên quan công tác giao dự toán của Bộ GTVT.

Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước ghi nhận việc phải điều chỉnh dự toán từ Cục Đường sắt Việt Nam sang VNR theo Nghị quyết số 41/NQ-CP, ngày 9/4/2020 của Chính phủ để thực hiện nhiệm vụ đặt hàng về công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt, nên đến tận ngày 17/4/2021, VNR mới ký được hợp đồng đặt hàng với các công ty. Điều này là chưa phù hợp với thời gian bảo dưỡng thường xuyên, vốn phải được thực hiện ngay từ đầu năm.

Việc giao dự toán kinh phí lần đầu để nâng cấp, cải tạo công trình đường ngang (theo Quyết định số 994/QĐ-TTg ngày 19/6/20214 của Thủ tướng Chính phủ) tại Quyết định số 1287/QĐ-BGTVT ngày 30/6/2020, trong khi kế hoạch triển khai được phê duyệt tại Quyết định số 2516/QĐ-BGTVT ngày 30/12/2019, dẫn đến công tác tổ chức thực hiện chậm, không kịp tiến độ, kinh phí gần như chưa sử dụng, số dư dự toán thời điểm cuối năm lên tới 97,76 tỷ đồng.

Đây là điều khá nghịch lý, bởi một số công trình đường ngang đã thực hiện hoàn thành từ năm 2017, nhưng đến nay, cấp có thẩm quyền vẫn chưa bố trí kinh phí để thanh toán với số tiền là 6,3 tỷ đồng.

Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước phát hiện, hầu hết hợp đồng đặt hàng bảo dưỡng thường xuyên kết cấu hạ tầng đường sắt của VNR với các đơn vị trực thuộc chưa thể hiện cụ thể các yêu cầu chất lượng công tác bảo trì theo hướng dẫn tại Điều 5, Thông tư số 06/2019/TT-BGTVT ngày 31/1/2019 về nghiệm thu kết quả bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt.

VNR cũng bị chấn chỉnh việc chưa ban hành điều kiện đặt hàng sản phẩm bảo dưỡng thường xuyên với đơn vị được giao đặt hàng theo Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 về quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên, như: năng lực tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc, trình độ quản lý, đội ngũ lao động.

Đặc biệt, Kiểm toán Nhà nước phát hiện, VNR chưa thực hiện đấu thầu qua mạng 5 gói thầu xây lắp.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả